Lỗ hổng lớn của toàn cầu hóa

lo-hong-lon-cua-toan-cau-hoa

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các phản ứng chống toàn cầu hóa, tự do hóa hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động và công nghệ ngày càng dữ dội hơn.

Những rào cản kinh tế
Chủ nghĩa dân tộc kiểu mới này dựa trên các công cụ kinh tế khác nhau: rào cản thương mại, bảo hộ tài sản, phản ứng đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính sách ưu tiên lao động và các công ty trong nước, các biện pháp chống nhập cư, chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa tài nguyên dân tộc. Trong lĩnh vực chính trị gồm: chủ nghĩa dân túy, chống toàn cầu hóa, chống nhập cư và trong một số trường hợp là phân biệt chủng tộc và bài Do Thái đang gia tăng.
Các lực lượng này không ưa các tổ chức quản trị siêu quốc gia lấy các chữ cái làm tên viết tắt như:  EU, LHQ, WTO và IMF vốn chủ trương toàn cầu hóa. Thậm chí cả lĩnh vực internet, hình ảnh thu nhỏ của toàn cầu hóa trong hai thập kỷ qua cũng có nguy cơ bị các nước quyền lực như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tìm cách hạn chế truy cập và biểu đạt tự do.
Nguyên nhân chính của xu hướng này khá rõ ràng. Phục hồi kinh tế yếu ớt đã mở cửa cho chủ nghĩa dân túy, thúc đẩy chính sách bảo hộ, đổ lỗi cho thương mại nước ngoài và lao động nước ngoài gây ra tình trạng bất ổn kéo dài. Thêm vào đó là sự gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập và sự giàu có tại hầu hết các nước, khiến cho cách nhìn nhận méo mó phổ biến rằng, những lợi ích kinh tế chỉ phục vụ cho giới tinh hoa.
Ngày nay, cả hai nền kinh tế tiên tiến như Mỹ – nơi mà các nhà lãnh đạo được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi các tập đoàn hùng mạnh, hay thị trường mới nổi – nơi những người nắm quyền chính trị thường chiếm ưu thế trong nền kinh tế và hệ thống chính trị dường như cũng xuất hiện hiện tượng này.
Đối với nhiều người, ngược lại, đó là sự trì trệ thời gian dài, sự phiền muộn về thất nghiệp và lương phập phù. Chính sự mất an toàn kinh tế trong lĩnh vực việc làm đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với tầng lớp trung lưu ở châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), khiến cho đảng cánh tả cổ vũ chủ nghĩa dân túy đã giành được nhiều thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng trước.
Một xu hướng tương tự đang hình thành giống như những năm 1930, khi cuộc Đại khủng hoảng xảy ra đã dẫn đến các chính phủ độc tài ở Italy, Đức và Tây Ban Nha.
Nếu thu nhập và tăng trưởng việc làm không sớm tăng trở lại, phe chủ nghĩa dân túy với tư tưởng trì hoãn quá trình hội nhập kinh tế và chính trị châu Âu có thể tiến gần hơn sức mạnh ở cấp quốc gia tại khu vực châu Âu. Tệ hơn nữa, khu vực châu Âu lại có thể có nguy cơ: một số quốc gia (Vương quốc Anh) có thể thoát khỏi EU; những nước khác (Tây Ban Nha và Bỉ) cũng có thể chia tay eurozone.
Ngay cả ở Mỹ, có thể nhận thấy sự gia tăng ảnh hưởng của đảng cánh hữu cực đoan trong Đảng dân chủ cầm quyền và đảng Trà Xanh khi sự mất an ninh về kinh tế tăng lên bởi nạn nhập cư và thương mại toàn cầu. Đặc trưng của các nhóm này là đề cao chủ nghĩa dân tộc, chống nhập cư, có khuynh hướng bảo hộ thương mại và cô lập về địa chính trị.
Những ví dụ có thể được nhìn thấy ở Nga và nhiều nơi khác của Đông Âu và Trung Á, nơi mà sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã không mở ra nền dân chủ, tự do hóa kinh tế và tăng trưởng sản lượng nhanh chóng. Thay vào đó, chế độ dân tộc chủ nghĩa và độc tài đã nắm quyền lực trong hầu hết một phần tư thế kỷ qua, theo đuổi mô hình tăng trưởng nhà nước tư bản chủ nghĩa đảm bảo hiệu suất kinh tế ở mức bình thường.
Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc
Ở châu Á, chủ nghĩa dân tộc đang hồi sinh. Các nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ là những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc chính trị trong khu vực nơi mà các tranh chấp lãnh thổ tồn tại dai dẳng bấy lâu nay.
Các nhà lãnh đạo khác tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia, những người đang di chuyển theo hướng dân tộc chủ nghĩa tương tự – phải giải quyết những thách thức về cơ cấu cải cách lớn nếu họ muốn hồi phục lại tăng trưởng kinh tế và trong trường hợp thị trường mới nổi, cần phải tránh bẫy thu nhập trung bình. Thất bại kinh tế có thể khiến chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, làm tăng tư tưởng bài ngoại, thậm chí dẫn đến xung đột quân sự.
Trong khi đó, Trung Đông vẫn là một khu vực sa lầy trong tình trạng lạc hậu. Mùa xuân Ả Rập khiến tăng trưởng chậm, thanh niên thất nghiệp cao dẫn đến sự tuyệt vọng kinh tế trên diện rộng. Điều này cũng khiến cho chế độ độc tài và sự hỗn loạn chính trị tại Ai Cập và Libya ngự trị.
Ở Syria và Yemen đang xảy ra cuộc nội chiến; Lebanon và Iraq có thể phải đối mặt với số phận tương tự; Iran đang trong tình cảnh không ổn định và nguy hiểm; Afghanistan và Pakistan ngày càng trông giống như các quốc gia thất bại.
Trong tất cả các trường hợp, kinh tế thất bại và thiếu hy vọng cho người nghèo và người trẻ tuổi đang thúc đẩy chủ nghĩa chính trị và tôn giáo cực đoan, sự oán giận của phương Tây và trong một số trường hợp là chủ nghĩa khủng bố.
Trong những năm 1930, thất bại trong việc ngăn chặn chế độ độc tài ở châu Âu và châu Á đã dẫn đến chiến tranh thế giới II. Thời gian này, cuộc Đại khủng hoảng đã gây ra thiệt hại đối với các nền kinh tế phát triển cũng như tạo ra những thách thức đối với sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi.
Đây là điều kiện lý tưởng cho chủ nghĩa dân tộc bén rễ và phát triển. Do vậy, ngày nay chúng ta nên xem xét các phản ứng dữ dội chống lại thương mại và toàn cầu hóa từ những kinh nghiệm trong quá khứ để dự đoán được những gì sẽ đến tiếp theo.
Theo Thoibaonganhang