Mạng Google Fiber tốc độ “khủng” 1 Gbps và bài toán cạnh tranh

Như vậy sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng Google đã chính thức trình làng tới người dùng ở tiểu bang Kansas (Mỹ) dịch vụ Internet băng thông rộng trên nền cáp quang Google Fiber tốc độ “khủng” lên tới 1 Gbps. Cùng với sự ra mắt và cũng để tận dụng hạ tầng của mạng Google Fiber, hãng cũng giới thiệu tới người dùng dịch vụ truyền hình tương tác mới của mình có tên gọi Google Fiber TV. Với những động thái này, gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực Internet băng thông rộng và truyền hình trả tiền, nhắm tới mục tiêu khởi tạo nên những dịch vụ có tốc độ ngày càng nhanh hơn nhưng chi phí ngày càng rẻ, đáng “đồng tiền bát gạo”.

Tiện ích “khủng”

Dự án Google Fiber được gã khổng lồ công bố vào tháng 2 năm 2010 và bắt đầu triển khai việc xây dựng mạng lưới băng thông rộng trên nền cáp quang vào tháng 2 năm nay tại tiểu bang Kansas (Mỹ). Theo Google, mạng Fiber mà hãng sắp ra mắt sẽ có tốc độ nhanh gấp 100 lần so với tốc độ mạng Internet băng thông rộng mà hầu hết người Mỹ đang sử dụng ngày nay. Dự án Google Fiber đảm bảo người dùng sẽ luôn được duy trì tốc độ 1Gbps mọi lúc, mọi nơi; có nghĩa là, với dịch vụ này, người dùng có thể xem phim 3D trên Internet một cách “trơn tru” hay tải về các bộ phim HD chỉ trong vòng vài phút.

Còn Google Fiber TV là một dịch vụ cung cấp các nội dung truyền hình tương tác qua Internet, tương tự như mô hình hoạt động của Netflix. Điểm nhấn trong dịch vụ này là một DVR (Digital video recorder – đầu thu video kĩ thuật số), cho phép bạn lưu trữ tới 500 giờ chương trình truyền hình và phim ảnh theo chuẩn HD 1080p; đồng thời hỗ trợ người dùng thu lại tới 8 chương trình truyền hình cùng lúc.

Google dự định sẽ tính mức phí 300 USD với mỗi gia đình có nhu cầu kết nối tới mạng cáp quang Fiber của hãng. Tuy nhiên, như một chương trình khuyến mãi, hãng sẽ miễn trừ khoản phí này với những người lắp đặt vào thời điểm ban đầu.

Gã khổng lồ cung cấp ba gói dịch vụ khác nhau phù hợp với nhu cầu của người dùng. Gói cao cấp nhất kết hợp dịch vụ Internet băng thông rộng Gigabit và truyền hình tương tác Fiber TV, có mức phí là 120 USD/tháng, bao gồm một kết nối mạng có tốc độ tải lên/tải xuống tối đa là 1 Gbps, tặng kèm một ổ lưu trữ dữ liệu dung lượng 1 TB trên dịch vụ Google Drive. Với Fiber TV, bạn có thể thưởng thức hàng trăm kênh truyền hình miễn phí cũng như có thu phí, các chương trình truyền hình theo yêu cầu hay những bộ phim đẳng cấp trên thế giới. Một điểm thú vị nữa là hãng cũng tặng kèm những chiếc tablet Nexus 7 tới tất cả những khách hàng đăng kí dịch vụ tuyệt vời này của hãng.

Gói dịch vụ thứ hai dành cho những khách hàng chỉ sử dụng mạng Internet băng thông rộng. Gói cước này có mức phí 70 USD/ tháng, cung cấp cho người dùng kết nối Internet với tốc độ 1Gbps cùng với một tài khoảng lưu trữ 1 TB trên Google Drive. Trong giai đoạn giới thiệu, những người đăng kí hai gói cước này sẽ không phải trả mức phí kết nối mạng 300 USD.

Gói cước cuối cùng có thể tạm gọi với cái tên “bình dân”, hướng tới 25% dân số Kansas, những người không có khả năng hay nhu cầu sử dụng mạng Internet có tốc độ nhanh đến vậy. Google sẽ chỉ cung cấp gói cước này trong thời gian giới hạn cho mỗi người dùng (7 năm). Để sử dụng gói này, người dùng phải trả mức phí kết nối 300 USD (hay trả 25 USD/tháng) và sẽ được miễn phí trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, tốc độ tải lên của gói chỉ là 1 Mbps và tải xuống là 5 Mbps, chậm hơn nhiều so với tốc độ 1 Gbps của hai gói trên; đồng thời, người dùng cũng sẽ không được tặng kèm dung lượng trên Google Drive. Hết hạn, người dùng cần nâng cấp gói cước này lên các gói cao cấp hơn.

Ông Kevin Lo, tổng giám đốc của Google Access cho biết thời gian đầu, hãng sẽ triển khai mạng cáp tại những nơi nào có đông người quan tâm tới dịch vụ của hãng nhất. Bắt đầu từ ngày 26/6, Google đã tung ra một chiến dịch “ảo” , khuyến khích người dân tại tiểu bang Kansas đăng kí sử dụng qua website của dịch vụ. Nếu một khu phố có từ 40 – 80 gia đình đăng kí trước dịch vụ, hãng sẽ bắt đầu triển khai lắp đặt. Từ đây, dịch vụ của hãng sẽ tiếp tục hướng tới quy mô lớn hơn ở các công ty, trường học, thư viện công cộng, văn phòng chính phủ…; đưa mạng cáp Fiber tới từng “ngõ ngách” của tiểu bang Kansas.

Có thể cạnh tranh?

Google đã tuyên bố rằng hãng không có ý định gia nhập thị trường mạng Internet băng thông rộng và cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại địa phương như Time Warner và AT&T. Thay vào đó, hãng cho biết đây chỉ là một thử nghiệm để xem xét xem các ứng dụng và dịch vụ sẽ hoạt động như thế nào với tốc độ mạng “khủng” 1Gbps. Tuy nhiên, liệu có ai cho rằng Google không có mục đích nào khác xung quanh động thái này?

Với mạng cáp quang có tốc độ lên tới 1 Gbps, có thể nói Google đã đánh bại bất cứ nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng nào tại địa phương, và thậm chí là trên toàn nước Mỹ. Tốc độ mạng Fiber sẽ nhanh gấp 100 lần so với tốc độ Internet truyền thống mà người Mỹ hiện đang sử dụng. Mức phí cũng rất mềm.

Với dịch vụ Fiber, người dùng sẽ có đường truyền tốc độ 1 Gbps với chi phí chỉ 70 USD/tháng, kèm theo một ổ lưu trữ dữ liệu 1 GB trên Google Drive. Trong khi nhà mạng Verizon cung cấp đường truyền tốc độ tải lên 65 Mbps, tải xuống 300 Mbps nhưng phí hàng tháng gần gấp ba lần con số của Google. Time Warner Cable – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Google trong thị trường này, tốc độ mạng chỉ là 50 Mbps với mức phí 80 USD/tháng. Với dịch vụ Fiber “bình dân”, thậm chí người dùng còn được miễn luôn phí sử dụng hằng tháng với điều kiện đã nộp 300 USD phí kết nối mạng. Hay như việc tặng kèm một tablet Nexus 7 cũng là một yếu tố khiến người dùng phải lưu tâm tới gói cước “cao cấp” nhất của họ.

Ở lĩnh vực truyền hình, Google đã tăng số lượng chương trình truyền hình có thể thu được tại cùng một thời gian (nhiều dịch vụ của đối thủ chỉ ghi được 4 show cùng lúc, thậm chí một số thiết bị chỉ ghi được 2 show), cộng với 500 giờ lưu trữ chương trình và phim ảnh trên thiết bị DVR. Với tốc độ mạng cao, người dùng có thể trải nghiệm video với chất lượng cao theo chuẩn HD, 3D…trên nhiều thiết bị cùng lúc mà không hề bị giật. Về khoản tìm kiếm video, dịch vụ không chỉ cho phép người dùng tìm kiếm trên thiết bị DVR của họ hay lịch chương trình Fiber TV mà còn có thể “mò mẫm” trên dịch vụ của một bên thứ ba như Netflix chẳng hạn.

Sức mạnh cạnh tranh của gã khổng lồ trong dịch vụ Internet Fiber là điều quá rõ ràng. Cái đáng lưu tâm ở đây là liệu mảng dịch vụ gia tăng còn lại – Fiber TV có khiến Google nên lo lắng? Câu trả lời ở đây là có. Việc cung cấp những nội dung mà người dùng mong muốn vẫn là một khó khăn của Google. Kevin Lo cho hay công ty sẽ cung cấp tới người dùng hàng trăm kênh truyền hình đến từ các nhà sản xuất, hãng truyền hình lớn và uy tín, tất nhiên không thể thiếu các chương trình tự sản xuất và độc quyền. Tuy nhiên, hãng cũng thừa nhận rằng một số kênh truyền hình truyền thống, vốn được dân Mỹ ưa chuộng lại không góp mặt trong dịch vụ Fiber TV. Dịch vụ có Discovery Channel, CNBC, Cartoon Network … nhưng lại còn thiếu những kênh như HBO, CNN hay ESPN – những kênh truyền hình rất cơ bản có thể bắt gặp tại bất cứ dịch vụ truyền hình trả tiền nào ở Việt Nam.

Ai cũng rõ nội dung là vua của một dịch vụ. Google chắc vẫn chưa quên thất bại của mình với sản phẩm Google TV. Khi công ty tung ra sản phẩm này, đây được xem như một mối đe dọa tới mô hình truyền hình cáp truyền thống; do vậy những nhà sản xuất chương trình hay chủ sở hữu nội dung đã không cho phép nội dung của họ được tiếp cận qua sản phẩm của Google. Giờ đây, khó khăn đang dần lặp lại. Nhưng Kevin cho biết “Một số nội dung sẽ sớm đến trên dịch vụ của chúng tôi. Các nhà sản xuất chương trình rất vui mừng khi tìm được những cách truyền tải nội dung của họ tới người dùng thông qua những phương thức đầy hấp dẫn và sáng tạo. Fiber TV sẽ giúp họ nhân đôi niềm vui ấy”.

Tất nhiên, với một công ty “lắm tiền nhiều của” như Google, mọi khó khăn rồi sẽ sớm được giải quyết. Hãy cứ coi đây như một nét chấm phá hiếm hoi khiến cho cuộc chơi giữa các đối thủ cạnh tranh trong làng công nghệ thêm phần thú vị.

 

Theo Genk