Sự bùng nổ các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Myspace, đã tạo cho các doanh nghiệp một cách tiếp cận, quảng bá hiệu quả và tiết kiệm hơn bên cạnh các hình thức truyền thông đã có. Nhưng để có được một chiến lược phát triển Social Media nhất quán và hiệu quả, hãy sáng suốt lựa chọn nhà quản lý chuyên môn phù hợp.
Nhiều người lầm tưởng một vị giám đốc quản lý Social Media là người cần phải có khả năng viết blog thu hút, quản trị một cộng đồng trực tuyến, cho ra mắt và vận hành Facebook fan page hay thu hút hàng ngàn followers trên Twitter. Đó là những điều kiện cần, nhưng chưa đủ.
Một nhà quản trị truyền thông xã hội xuất sắc nhất thiết phải gắn kết tốt với Social Media, chủ động thể hiện đam mê đối với phương tiện truyền thông và là người có thể chứng minh khả năng nhìn thấu một chương trình từ giai đoạn ý tưởng đến giai đoạn vận hành với những kết quả khả dĩ. Hãy cùng tìm kiếm xem, đó là ai?
Người có cái nhìn tổng quát
Nhiều công ty vẫn thuê những người giỏi về Social Media để làm quản lý, xem như Social Media chỉ là một môn marketing, thế nhưng những người quản lý Social Media thành công phải là người giỏi nhiều ngành, người am hiểu tường tận về công ty. Nếu người quản lý Social Media hiện thời chưa thể đảm trách dịch vụ khách hàng, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm hay giao dịch qua các kênh truyền thông xã hội thì sớm muộn gì anh ta cũng sẽ bị yêu cầu thực hiện những điều đó.
Khi điều đó xảy ra, người quản lý thành công không phải là người có thể vận hành những chiến dịch Social Media, mà là người có thể hợp tác và liên kết thực hiện các cơ hội kinh doanh cùng với các quản lý khác trong toàn công ty.
Người có khả năng ảnh hưởng
Khả năng ảnh hưởng được nhắc tới ở đây là sự thu hút và tác động lên không chỉ khách hàng, những thành viên của mạng xã hội mà còn ở chính những đồng nghiệp trong chính công ty. Nhà quản lý Social Media phải là người có khả năng thu thập thông tin từ mọi nguồn bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp. Người này cũng cần phải hiểu rõ một điều là các thông điệp truyền tải tới khách hàng không phải là quảng cáo. Đó phải là sự chân thành, có sức thuyết phục giống như sự giao tiếp giữa doanh nghiệp và xã hội. Đương nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm, một người có khả năng tác động đến tâm lý của người khác sẽ biến những thông điệp kết nối từ doanh nghiệp tới khách hàng thành cầu nối giữa khách hàng với nhau.
Người có kinh nghiệm quản trị
Tiêu chí này rất dễ bị bỏ qua bởi vì hơn một nửa trong số các công ty cho biết họ chỉ có 1 người hoặc thậm chí không có ai chuyên biệt quản lý Social Media, tuy vậy, những công ty tuyển dụng Social Media nên cẩn trọng với những ứng viên trước đây chỉ hoàn thành tốt vai trò cá nhân.
Mạng xã hội là một lĩnh vực đang phát triển về chuyên môn và nhu cầu, và không sớm thì muộn đa số các công ty sẽ nhận thấy họ cần ít nhất một nhóm người để quản trị web, quản lý cộng đồng và tiến hành các chương trình xã hội khác.
Thậm chí khi trong công ty chằng chịt những chức năng mạng xã hội thay vì được nhóm vào các nhóm đơn lẻ thì khả năng lãnh đạo, thúc đẩy và hướng dẫn những người khác rất cần thiết để mang lại thành công cho Social Media. Vì vậy, hãy tìm những ứng viên có kinh nghiệm được minh chứng về việc dẫn dắt người khác.
Người hiểu được chiến lược dài hạn
Điểm đặc biệt quan trọng ở một giám đốc Social Media là có khả năng giải quyết những yêu cầu “khó nhằn” trong từng giai đoạn thực hiện các chiến lược. Nhưng bạn nên biết rằng nếu chỉ coi Social Media là công cụ hỗ trợ thì doanh nghiệp của bạn đang đi nhầm hướng. Một khi đã sử dụng các hoạt động truyền thông này như một phần của các chiến lược thì nó phải gắn kết chặt chẽ với “đường dài” của doanh nghiệp.
Nói cách khác, những nhà quản lý Social Media càng phải được biết và tham gia trong quá trình xây dựng chiến lược của các nhà quản trị cấp cao. Từ đó, họ sẽ hiểu rằng đặt nhu cầu của công ty, thương hiệu và nhân viên phải xếp lên hàng đầu. Đồng thời, hiểu được chiến lược dài hạn sẽ giúp họ xác định chính xác những mục tiêu hướng tới để có một kế hoạch tiếp cận khách hàng phù hợp.
Theo TBKD