Mua hàng online và bí quyết để không bị lừa

Nên tham gia vào các địa chỉ mua bán được giới thiệu từ người quen và tìm hiểu kỹ thông tin về cửa hàng. Nên chọn chế độ thanh toán tạm giữ để đảm bảo được bồi hoàn tiền khi có sự cố.

Mua sắm online qua máy tính đang trở thành thói quen của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh sự tiện lợi, đương nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi cách thức lừa đảo tinh vi mà bài học từ thương vụ Muaban24 đã nhãn tiền.

Tiền thật, hàng ảo

Hiện nay có rất nhiều trang mua bán hàng online như: enbac.com, vatgia.com, muachung.vn… thậm chí cách thức mua bán online này còn bon chen vào các trang cộng đồng như facebook, twitter.

Chị Nguyễn Thu Nga (số 8 phố Trương Hán Siêu, Hà Nội), tín đồ của mua hàng qua mạng cho rằng: Có thể tranh thủ thời gian rỗi tại văn phòng để lướt web, mua hàng, đỡ tốn thời gian, công sức ra cửa hàng mặc cả. Tuy nhiên, chị cũng cho biết: Trong tháng qua, chị mua đến 4 cái váy trên mạng nhưng chỉ được 1 cái ưng ý.

Thanh Lan – sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế quốc dân, “tín đồ” của các trang mua bán điện tử nói: Hình chụp trên mạng rất đẹp. Dù giá cả cũng được niêm yết rõ ràng nhưng tôi vẫn bị hớ như thường. “Tôi vào mạng, mua cái áo mã HS 105 giới thiệu là hàng Đài Loan xịn giá 1.150.000 đồng. Hôm sau ra phố Hàng Đào, cũng chiếc áo này nhưng chỉ có giá 750.000 đồng” – Lan kể.

Việc mua bán hàng qua mạng được diễn ra dưới hình thức: Người mua chọn một sản phẩm muốn mua và gọi tới số điện thoại được giới thiệu trên mạng. Sau đó, qua trao đổi, người mua phải gửi tiền vào tài khoản cố định, người bán mới gửi hàng qua bưu điện hoặc giao hàng tận tay nếu trong phạm vi cho phép.

Trong cách thức giao dịch này, cả người mua lẫn người bán đều không nắm rõ thông tin về nhau. Cụ thể, người mua ở thế bị động vì không được “sờ tận tay, day tận trán” mặt hàng mà vẫn phải chuyển tiền trước. Tiền tươi thóc thật bỏ ra nhưng có hàng hay không thì còn chờ vào “lòng tốt” của bên bán.

Người mua thiệt đủ đường

Hình thức mua bán hàng online đã diễn ra từ khá lâu. Chị Lê Thúy (sinh 1983), chủ cửa hàng rau sạch trên mạng, đồng thời có trụ sở tại Bạch Mai, Hà Nội nói: “Khách hàng qua máy tính có thể chọn được 1 trong 50 mặt hàng rau củ quả tươi, thịt tươi. Tiền công giao tận nhà là 20.000 đồng. Vì vậy theo chị Thúy, đừng đánh đồng mọi cách bán hàng qua mạng là chộp giật, là lừa đảo”.

Phải thừa nhận nạn lừa đảo bán hàng qua mạng đang khiến cho nhiều người kinh doanh chân chính đau đầu. Những trường hợp mua hàng kém chất lượng, hàng rởm, hay mất tiền mà không có hàng vẫn liên tiếp xảy ra…

Thông tư 46/2010 của Bộ Công Thương đã quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng thông qua hợp đồng thỏa thuận. Song, khi có tranh chấp xảy ra, thông tư này lại bỏ ngỏ trách nhiệm của chủ website mua bán, rao vặt miễn phí.

Theo chị Thúy, khách hàng chỉ nên tham gia vào các địa chỉ mua bán được giới thiệu từ người quen. Nên tìm hiểu kỹ thông tin về địa chỉ cửa hàng, và nên chọn chế độ thanh toán tạm giữ để đảm bảo được bồi hoàn tiền khi có sự cố xảy ra.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bảo Việt cho biết: Khi mua hàng qua mạng, tham gia các giao dịch trên trang web ảo, người mua luôn bị thiệt. Đến khi có sự cố xảy ra, người mua rất khó có thể nhờ luật sư.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết: “Hiện nay có rất nhiều trang mạng không thuộc Hiệp hội và rất khó quản lý, trong đó cũng có nhiều trang mạng xuất hiện việc giao dịch, mua bán “ảo” nhằm đánh lừa người tiêu dùng, do vậy, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ về thông tin trang web cũng như các sản phẩm cần mua”.

Theo ICTnews