Mua hàng qua mạng nhanh chóng, tiện ích, nên được nhiều người chọn lựa. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng hàng hóa rao bán trên mạng vẫn chưa được kiểm soát. Người mua hàng như “đánh bạc” với sản phẩm, may thì được loại tốt, còn không thì phải chấp nhận “mất cả chì lẫn chài” khi bị người bán lừa gạt.
Trong một lần vào mạng, thấy một trang web quảng cáo nhiều loại nước hoa hàng hiệu với giá rất rẻ, chị Nguyễn Thị Dung – quận Cầu Giấy (Hà Nội), liền nhấp chuột chọn nước hoa Versace Bright Crystal 90ml với giá chỉ vỏn vẹn 300.000 đồng (trong khi giá thị trường của chai nước hoa này là 1,4 triệu đồng).
Sập “bẫy” khi mua hàng qua mạng
Nhân viên tư vấn trả lời thắc mắc vì sao giá lại rẻ như vậy: “Cửa hàng có quy mô lớn, nên nhập về rất nhiều loại nước hoa và nhập trực tiếp không phải qua nhiều cầu, nên mới có giá như vậy”.
Tuy nhiên, thay vì lưu giữ hương thơm được 1 tuần như lời quảng cáo, thì chỉ từ sáng đến trưa, mùi nước hoa xịt trên người chị Dung đã biến mất.
Anh Nguyễn Văn Khiêm – quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), vừa mua chiếc laptop Dell Core i3 qua mạng với giá xấp xỉ 9 triệu đồng cho cậu con trai vừa đỗ đại học. Nhưng niềm vui vì mua được giá rẻ hơn thị trường khoảng hơn 4 triệu đồng nhanh chóng tan biến. Chiếc laptop dùng được hơn 1 tháng thì dở chứng, nhiều lúc mở nguồn không lên, pin thì chỉ 30 phút là hết.
Điện thoại cho cửa hàng thì bị từ chối bảo hành và đổ lỗi hỏng là do người sử dụng. Mang ra một cửa hàng điện tử để sửa thì được thợ cho biết chiếc laptop này đã bị “luộc lại”, linh kiện không phải hàng chính hãng mà được thay thế gần hết. Anh Khiêm đành ngậm ngùi bán chiếc máy với giá hơn 4 triệu đồng, rồi thêm tiền vào ra siêu thị điện tử chuyên bán hàng chính hãng để mua chiếc khác cho cậu con trai.
Trên đây chỉ là 2 nạn nhân trong số ngày càng nhiều người bị lừa gạt khi mua hàng qua mạng. Mua phải hàng gần hết hạn sử dụng, mẫu mã, chất lượng khác xa so với quảng cáo, trả tiền rồi mà không được nhận hàng do đặt hàng phải những địa chỉ “ma”… là những rủi ro mà người tiêu dùng thường gặp phải khi lựa chọn cách mua sắm này. Thông thường, những “bẫy nhử” hữu hiệu nhất vẫn là chiêu khuyến mãi, giảm giá đặc biệt nhân dịp lễ Tết, xả kho…
Nên chọn những đơn vị uy tín, vừa bán hàng qua mạng vừa có cả cơ sở bán hàng trực tiếp
Không cần cửa hàng, không hóa đơn, chất lượng thì bị thả nổi. Việc đăng bán sản phẩm trên mạng rất dễ dàng, nhất là ở các trang rao vặt, diễn đàn hoặc forum – là nơi mà các thành viên có thể tự đăng nhập và quảng cáo sản phẩm của mình một cách dễ dàng, còn người quản trị trong các trang mạng đó không thể nào kiểm chứng chất lượng sản phẩm được rao bán đó có uy tín hay không.
Chính điều này đã tạo nên các doanh nghiệp (DN) “ma”, DN bán hàng kém chất lượng hay những “siêu lừa” đã tung hoành trên mạng kiếm bộn tiền từ những người tiêu dùng nhẹ dạ mà chẳng bị ai “sờ gáy”.
Một người chuyên kinh doanh qua mạng lâu năm tiết lộ: “Chất lượng hàng hóa bán qua mạng phải nói thật là “3 phần thật, 7 phần rởm”. Thực chất, nhiều mặt hàng rao bán trên mạng ở Việt Nam đều được làm giả từ Trung Quốc, Thái Lan rồi trà trộn vào số ít ỏi hàng thật để bán ra thị trường, vì không có cơ quan quản lý chất lượng nào giám sát”.
Quản lý lỏng lẻo
Sở dĩ có hiện tượng này vì hàng Trung Quốc, Thái Lan rẻ và mẫu mã đẹp, giống y như hàng thật, nên nhiều “con buôn” nhập hàng về bán cho khách với giá rẻ hơn, thậm chí vẫn bán bằng giá gốc của hàng thật. Họ còn “trá hình” bằng cách mua một vài mẫu sản phẩm “xịn” chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng quảng cáo, lấy lòng tin của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thu – quận Long Biên (Hà Nội), từng bị lừa khi mua hàng qua mạng, bức xúc: “Người tiêu dùng bị lừa thì đã đành, nhưng các gian hàng qua mạng cũng gây tổn hại cho Nhà nước: hàng tỷ đồng trốn thuế được các cá nhân, đơn vị kinh doanh qua mạng được hưởng lợi. Trong khi đó, các cửa hàng trên thị trường, dù to hay nhỏ cũng bị kiểm tra, đóng thuế môn bài. Đây là một điều hết sức bất công. Hàng hóa qua mạng thì tấn công ồ ạt, tha hồ thu lợi nhuận, còn người kinh doanh nhỏ lẻ thì sống thoi thóp mà vẫn phải nộp thuế đều”.
Trước thực trạng hàng hóa bán tràn lan trên mạng mà không được kiểm soát, một cán bộ của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết việc quản lý thị trường kinh doanh qua mạng vẫn là bài toán khó. Cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý được thị trường này bởi nguồn nhân lực cho việc kiểm soát thị trường truyền thống vốn dĩ cũng đã rất ít ỏi.
Trước khi trông chờ vào sự mạnh tay của cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên hạn chế mua hàng trôi nổi trên mạng. Nếu có đặt hàng, nên chọn những đơn vị uy tín, vừa bán hàng qua mạng vừa có cả cơ sở bán hàng trực tiếp. Cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về sản phẩm trước khi mua, không nên mua trực tuyến hàng điện tử, mỹ phẩm…, vì không được nhìn và sờ nắm sản phẩm nên rất khó kiểm tra để nhận biết được chất lượng sản phẩm tốt hay không…
Theo TBKD