Mua sắm qua truyền hình: May nhờ rủi chịu

Tin vào những quảng cáo tâng bốc giá trị sản phẩm trên nhiều kênh truyền hình, không ít người tiêu dùng (NTD) đã bị lừa mua phải hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Cùng với phương thức bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến, bán hàng qua truyền hình cũng phát triển rầm rộ trong thời gian qua. Hầu như hãng truyền hình nào cũng dành những kênh riêng cho chuyên mục quảng cáo và bán hàng. NTD đã khá quen thuộc với các kênh mua sắm qua truyền hình như: Viet Home shopping, TV Shopping, BTV3, BTV5… rất nhiều mặt hàng được rao bán từ các vật dụng trong nhà như giường, tủ, dụng cụ nhà bếp đến các thiết bị y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe, thiết bị thẩm mỹ, đồ trang sức, các loại thực phẩm chức năng…

Bỏ tiền triệu, “điệu” hàng rởm

Chất lượng các sản phẩm này được ca ngợi hết lời với những tính năng vượt trội, giá cả phải chăng thậm chí còn rẻ hơn rất nhiều khi mua ngoài thị trường. Không ít người lầm tưởng các sản phẩm được quảng cáo là do nhà đài quản lý, kinh doanh nên đã tích cực đặt mua. Tuy nhiên, thực tế sử dụng làm rất nhiều người phải “vỡ mộng” và ấm ức.

Cách đây hơn 1 năm, trên nhiều kênh truyền hình, thiết bị Pest Reject đuổi côn trùng bằng sóng siêu âm của Công ty Best buy được quảng cáo rầm rộ qua chương trình Sự lựa chọn hoàn hảo. Sản phẩm được “thổi phồng” bởi những lời quảng cáo có cánh “Những con côn trùng như: rệp, chuột, kiến, gián, nhện, ruồi, muỗi sẽ không bị giết chết mà bị xua đuổi một cách triệt để và mãi mãi không quay lại, không phải lo đi tìm xác động vật chết…”.

Công dụng hữu ích như vậy mà giá chỉ xấp xỉ 1 triệu đồng/ chiếc. Không ít NTD tin vào quảng cáo này đã mua thiết bị, nhưng kết quả không như mong đợi. Chị Phạm Thị Thúy, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang (Hưng Yên) phàn nàn: “Xem TV thấy quảng cáo thiết bị Pest Reject tôi đặt mua 1 chiếc, nhưng khi dùng không hề thấy tác dụng như lời quảng cáo, gián, muỗi, chuột nhà tôi vẫn đầy rẫy. Nên giờ tôi đã bỏ hẳn thiết bị này, dùng trở lại thuốc xịt ruồi muỗi để diệt côn trùng”.

Luôn quan tâm tới ngoại hình, chị Nguyễn Thanh Hoa, quận Ba Đình, Hà Nội cũng bị hớ khi mua phải chiếc quần evers love của Công ty Happy Shopping. Theo quảng cáo đây là chiếc quần được làm từ tơ tằm, có 3 công dụng vượt trội: “Một cong, hai giảm, ba định hình”, khi mặc vào giúp chị em giảm được 5cm vòng eo. Chị Hoa gọi đặt mua 2 chiếc, với giá 1,2 triệu đồng. Thế nhưng khi sử dụng, chỉ qua 3 tuần, chiếc quần bị rão mà vòng bụng vẫn to. Tìm hiểu trên mạng, chị Hoa ngớ người khi biết sản phẩm được bán đầy trên mạng, với giá chỉ vài chục ngàn đồng/chiếc.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phụ trách Văn phòng Tư vấn khiếu nại, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS) cho biết, thời gian gần đây, tỷ lệ người gửi đơn thư khiếu nại về những sai phạm của đơn vị kinh doanh sản phẩm qua hệ thống mua sắm trên truyền hình tăng cao hơn hẳn so với những năm trước. Các lỗi phổ biến của doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình bị khách hàng tố thường là: quảng cáo “thổi phồng” chất lượng, tính năng, công dụng, nguồn gốc xuất xứ và giá trị hàng hóa. Không đồng ý cho khách hàng trả lại sản phẩm đã mua, dù không như quảng cáo, hay sản phẩm kém chất lượng. Khi cung cấp hàng hóa không kèm hóa đơn giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, không giấy tờ xác nhận chất lượng, chỉ dẫn sử dụng, giấy bảo hành. Không thực hiện trách nhiệm bảo hành cho khách hàng, đội giá sản phẩm khác xa với giá trị thực rồi quảng cáo bán hàng giảm giá đặc biệt…

Theo ông Tuấn, do không được kiểm soát chặt chẽ nên phương thức bán hàng này đang trở thành kẽ hở để nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng, vi phạm quyền lợi NTD. Do đặc điểm và lợi thế về công nghệ, truyền hình được phát sóng rộng rãi nên khả năng phát tán và gây thiệt hại cho người dùng rất lớn. Điều đáng buồn, trong số nhiều trường hợp phản ánh với VINATAS chỉ có rất ít trường hợp được giải quyết vì đa phần NTD không có bằng chứng tố cáo, không lưu giữ hóa đơn; còn về phía doanh nghiệp cung cấp và nhà đài đa phần lảng tránh trách nhiệm.

Đều “phớt lờ” trách nhiệm

Mặc dù Nhà nước đã có quy định doanh nghiệp kinh doanh truyền hình phải chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung thông tin cung cấp cho NTD, nhưng đa số các kênh bán hàng trên các đài truyền hình đều cho rằng họ chỉ là trung gian môi giới, quảng cáo các mặt hàng nhập khẩu chứ không phải là nhà cung cấp, nên họ không chịu trách nhiệm về những khiếu nại trên. Thậm chí khi nhận được khiếu nại, có nhà đài còn cố tình không cung cấp thông tin về doanh nghiệp bán hàng, không ngăn chặn sự lừa đối, mà vẫn tiếp tục phát các

quảng cáo sai sự thật.

NTD cần lựa chọn các kênh truyền hình uy tín, thông qua việc tham khảo ý kiến bạn bè, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiểm tra lại thông tin về hàng hóa, doanh nghiệp và các chính sách bán hàng trước khi quyết định đặt hàng, kiểm tra kỹ thông tin về người bán.

Theo TBKD