Nở rộ xu hướng kinh doanh mới

Khi mô hình mua hàng theo nhóm (hay còn gọi là mô hình groupon) đi vào giai đoạn im ắng, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước lại đi tìm cho mình những mô hình mới. Một trong những xu hướng mới đang thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm là kinh doanh dịch vụ ẩm thực trực tuyến. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, các nhà kinh doanh hiện đang tập trung vào ba mảng chính: xây dựng cộng đồng mạng, đặt thức ăn trực tuyến và tìm kiếm quán ăn.

Chỉ cần mở công cụ tìm kiếm Google và gõ vào cụm từ “dịch vụ ẩm thực trực tuyến”, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhận được hơn 12 triệu kết quả dẫn đến các trang web có chứa đựng các thông tin liên quan đến loại hình dịch vụ này. Kết quả kể trên chắc chắn có nhiều sự trùng lắp, nhưng nó cũng phần nào cho thấy việc kinh doanh dịch vụ ẩm thực trực tuyến đã trở thành một xu hướng mới và đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam.

50% người sử dụng Internet ở Việt Nam nghĩ rằng mua sắm trực tuyến thật tiện lợi.

Muôn màu ẩm thực trực tuyến

Trò chuyện cùng anh Hồ Hoàng Lâm, Quản trị mạng của trang web Amthucgiaitri.com, anh cho biết ý tưởng thành lập trang xuất phát từ mong muốn tạo một diễn đàn cho những người đam mê ẩm thực có cơ hội chia sẻ địa chỉ các quán ăn ngon cho nhau và cùng nhận xét, đánh giá về quán dựa trên những trải nghiệm thực tế.

Xuất thân là một lập trình viên nên anh Lâm đã tự xây dựng mọi thứ cho trang web từ thiết kế, ý tưởng… với mục đích đây sẽ là nơi giao lưu, kết bạn dành cho những người đam mê về ẩm thực.

Cùng chung quan điểm với anh Lâm, anh Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Truyền thông và Đầu tư Nam Hương, chủ dự án trang web Dining.vn, chia sẻ nội dung trang này trực thuộc tạp chí Phong cách doanh nhân. Mục đích của trang web là trở thành một cổng thông tin điện tử chuyên quảng bá, tiếp thị các thương hiệu ẩm thực Việt đến cộng đồng doanh nhân, khách du lịch trong và ngoài nước.

Một trang web khác là Monngonvietnam.com cũng đang bước chân vào thị trường đầy năng động này bằng  việc xây dựng cộng đồng mạng. Chị Dương Thị Bạn, Quản lý cộng đồng Monngonvietnam.com, cho biết do là một trang web cộng đồng nên cách thức hoạt động của nó cũng xoay quanh những câu chuyện của cộng đồng những đầu bếp chuyên nghiệp, những người nội trợ, những người yêu thích nấu ăn hoặc quy mô nhỏ hơn là các nhóm, các hội những người có sở thích làm bánh.

Khác với Amthucgiaitri.com nhận đăng ký thành viên miễn phí, Dining.vn lại thu phí thành viên khi tham gia. “Với mức phí 100.000 đồng để đăng ký làm thành viên, bạn sẽ được cung cấp thẻ thành viên, được tặng phiếu (voucher) ăn uống trị giá 100.000 đồng được và giảm giá 10-20% tại các nhà hàng có liên kết với trang web. Chưa kể, bạn sẽ có cơ hôi tham gia vào một hội đồng sẽ có các chuyến đi thực tế và trải nghiệm ẩm thực tại nhiều nhà hàng, quán ăn đó”, anh Dũng giải thích.

Chọn hướng đi khác với các trang web kể trên, Foody.vn thu hút sự quan tâm của người sử dụng Internet bằng việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm địa điểm nhà hàng, quán ăn nổi tiếng trong nước. Ví dụ, nếu bạn vào trang web này và tìm kiếm “nhà hàng con gà trống”, bạn sẽ được cung cấp gần như đầy đủ các thông tin, hình ảnh, bài viết, lời bình luận về các nhà hàng có liên quan. Điều này giúp cho người tìm kiếm biết được thông tin đa dạng, từ đó có thể đưa ra quyết định nên lựa chọn nhà hàng nào phù hợp với yêu cầu và sở thích của mình, anh Đặng Hoàng Minh, đại diện Foody, giải thích.

Anh cho biết thêm: “Mô hình này bên nước ngoài đã có rất nhiều và rất thành công ở một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Thực ra Foody không có gì mới mẻ, chỉ áp dụng theo mô hình đã thành công ở nước ngoài vào Việt Nam sao cho phù hợp với phong cách, thói quen của người Việt Nam. Riêng về mặt quản lý, hiện tại đội ngũ Foody có khoảng 30 người, chủ yếu chuyên về lập trình ứng dụng trên điện thoại”.

Tuy nhiên, với loại hình dịch vụ được xem là còn khá mới mẻ ở Việt Nam thì việc thu lợi nhuận vẫn là một chặng đường dài. Khi nói về chiến lược của Foody.vn, anh Minh cho biết việc bán quảng cáo tuy đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu tạo ra lợi nhuận cho trang web, nhưng hiện tại Foody chỉ tập trung vào việc tạo ra một công cụ có tính tiện ích cao cho cộng đồng trong việc tìm kiếm trực tuyến các món ăn, địa điểm ăn uống mà họ yêu thích.

Một loại hình khác là các trang web đặt thức ăn trực tuyến. Đây được xem là loại hình mang lại lợi nhuận ổn định nhất so với hai loại hình trang web thương mại điện tử kể trên.

60% dân số Việt Nam truy cập Internet hằng ngày, trong đó, 73% người sử dụng dưới 35 tuổi.

Nếu đã từng gọi món trên Foodpanda.vn, hẳn bạn sẽ có ấn tượng về dịch vụ này. Chị Bùi Thu Trúc, đại diện Foodpanda, giới thiệu rằng người sử dụng chỉ cần thực hiện bốn thao tác: tìm kiếm nhà hàng, chọn món, kiểm tra và thanh toán hóa đơn. “Thực khách có thể thư giãn tại nhà hoặc tại nơi làm việc và đợi những món ăn được giao đến tận nơi một cách nhanh chóng”.

Chị Trúc cho biết Foodpanda.vn được đầu tư cả về mặt kỹ thuật lẫn nhân sự từ công ty mẹ ở Đức, với mục tiêu thu hút đông đảo lượng người sử dụng ở Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Vietnammm.com, chia sẻ chăm sóc khách hàng là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp và trang web luôn sẵn sàng hỗ trợ khách giải quyết mọi vấn đề có liên quan qua điện thoại, trò chuyện trực tuyến hoặc thư điện tử. Trang web này cũng khuyến khích khách gửi nhận xét của mình về món ăn, phong cách phục vụ sau khi đặt hàng.

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo thống kê của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, 62% dân số Việt Nam truy cập Internet hằng ngày, trong đó, 73% người sử dụng dưới 35 tuổi – là độ tuổi có sự quan tâm đến công nghệ và thích thú đón đầu những xu hướng mới. Bên cạnh đó, theo một cuộc điều tra gần đây, có 50 % người sử dụng Internet ở Việt Nam nghĩ rằng mua sắm trực tuyến thật tiện lợi.

Các trang web đặt món đang dần dần trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn của các hàng quán tại những ngôi chợ truyền thống.

Cùng với nhịp sống hối hả hiện nay, chắc hẳn sẽ có không ít người không đủ thời gian tìm hiểu, chuẩn bị cho bản thân cũng như gia đình một bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng. Để đáp ứng nhu cầu có thật và đang ngày càng tăng đó, nhiều trang web ẩm thực trực tuyến đã ra đời. Đề cập đến hiệu quả mô hình đặt thức ăn trực tuyến của Foodpanda, chị Trúc cho biết trang hiện đang hợp tác với hơn 800 nhà hàng và quán cà phê tại TPHCM, Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng nhằm cung cấp nhiều phong cách ẩm thực và món ăn khác nhau tới khách hàng. Trong số đó có những đối tác có thương hiệu như Subway, MOF, Auntie Anne’s, Gloria Jean’s Coffee, NYDC, Tokyo Deli. Sự hợp tác này không chỉ giúp Foodpanda tạo niềm tin nơi khách hàng mà còn giúp trang web cung cấp những thực đơn đa dạng đến người sử dụng. Hiện tại, lượng truy cập web của Foodpanda khoảng 1.500 lượt/ngày và đang có chiều hướng gia tăng, chị Trúc cho biết thêm.

Còn theo anh Đặng Hoàng Minh, hiện tại Foody chỉ có hai tính năng đơn giản là tìm kiếm và chia sẻ những trải nghiệm, nhưng số lượng quán ăn, nhà hàng… mà trang kết nối được khá lớn, nhờ đó cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn.

“Với 14.550 địa điểm tại TPHCM và 32.725 địa điểm trên toàn quốc, Foody hy vọng có thể phục vụ những nhu cầu tìm kiếm đa dạng liên quan đến ẩm thực cho nhiều người”, anh Minh nói.

Sau một năm hoạt động, hiện Foody thu hút được hơn 500.000 lượt người sử dụng hằng tháng vào xem và bình luận. Trên đà phát triển này, trong tương lai không xa, nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, Foody sẽ hợp tác với các đơn vị khác triển khai các dịch vụ như gọi món, giao hàng.

Còn Monngonvietnam.com hiện có hơn 11.000 thành viên và khoảng 2.000 lượt truy cập mỗi tuần.
Dịch vụ ẩm thực trực tuyến, bản thân cái tên nó đã nói lên đặc điểm phục vụ nhu cầu ẩm thực của người tiêu dùng. Sự ra đời và phát triển của loại hình dịch vụ này một mặt hỗ trợ đắc lực cho các quán ăn, nhà hàng… nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều áp lực cho các nhà kinh doanh dịch vụ ẩm thực.

Nhờ vào các trang web gọi món, các quán ăn, nhà hàng có cơ hội tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn. Đây cũng là phương tiện để những nhà kinh doanh ẩm thực có thể sử dụng để quảng bá hình ảnh của mình. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng khác là nhờ kênh thông tin trực tuyến này, những nhà hàng, quán ăn phần nào khắc phục nhược điểm về vị trí địa lý. Nhưng không thể phủ nhận rằng nó đang trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn của các nhà hàng, quán ăn không mặn mà với hoạt động kinh doanh trực tuyến, và đây chính là áp lực. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của món ăn, thức uống và dịch vụ.
Hãy thử tưởng tượng, vào một ngày nào đó những món ăn, thức uống hay cung cách phục vụ của nhà hàng của bạn bị đem ra chê trách trên một web ẩm thực nào đó, chắc hẳn đó sẽ là điều rất tồi tệ.

Theo DNSG