Gánh nợ hàng chục triệu đồng vì trót mua gian hàng online, nhiều thành viên trang MB24 cầu cứu cơ quan chức năng. Cục Thương mại điện tử cho biết chưa từng cấp đăng ký giao dịch điện tử cho sàn này.
Lên Hà Nội học liên thông đại học, Duy (Quảng Ninh) quen với một người bạn cùng lớp tên Chinh. Vốn thích tự lập, lại được Chinh giới thiệu với Công ty thương mại điện tử Tâm Mặt trời, nay đổi tên thành MB24, Duy tham gia ngay với ảo vọng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Lần đầu đến thăm công ty, Duy thấy rất nhiều người trẻ tuổi ăn mặc lịch sự. Họ giảng giải cho Duy về mô hình kinh doanh rồi kêu hãy nắm bắt cơ hội, còn rất nhiều người đang muốn tham gia. Họ bảo nhanh mà vào trước, Duy sẽ có cơ hội đứng trên người khác nên tiền hoa hồng sẽ rất lớn. Mua một gian hàng, Duy mất 5,2 triệu đồng, còn giới thiệu được một người, cậu được hưởng 1,5 triệu. Cứ như vậy, theo mô hình cây, Duy được hứa hẹn kiếm được cả trăm triệu mỗi tháng khi đã tạo được mạng lưới dưới mình.
Nghe lời họ, Duy mang chiếc máy tính xách tay mới mua đi cầm đồ rồi mở 3 gian hàng. Nhưng sau vài ngày thấy gian hàng “dậm chân tại chỗ”, không có ai mua thêm dưới mình, Duy hoang mang.
Đến hạn chuộc máy tính, Duy đành tích cực đi mời bạn bè tham gia để gỡ gạc tiền hoa hồng. Sau vài lần thất bại, Duy cũng rủ được cậu bạn cùng lớp. “Cậu bạn em cũng mất trên chục triệu đồng, mỗi lần gặp lại thấy ngại quá”, Duy tâm sự.
Cậu sinh viên chia sẻ, ngày đó, để có tiền chuộc laptop, phải bỏ học nửa tháng lên công trình thủy điện trên Sơn La làm phiên dịch tiếng Trung. Khi về, Duy suýt không được thi mà phải học lại. “Em không dám nói với bố mẹ vì chắc các cụ chết mất, nếu được cảnh báo sớm, em đã không mắc lừa như vậy”, Duy nói.
Trong email phản ánh với VnExpress.net, anh Hưng (Vĩnh Phúc) cho biết cũng đầu tư 60 triệu đồng vào gian hàng điện tử online của MB24. Đến nay, số tiền “mắc kẹt” tại đó, muốn rút ra không được, để kinh doanh cũng không ai mua. “Ai giúp tôi lấy lại, tôi xin làm từ thiện 20 triệu đồng”, anh Hưng chia sẻ.
Sau khi mất cả chục triệu đồng vào gian hàng điện tử đa cấp, anh Tiến ở TP HCM tìm hiểu mới biết nhiều người cũng rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” như mình. Anh Tiến đặt câu hỏi: vai trò của các cơ quan chức năng ở đây khi để nhiều người tiêu dùng sa bẫy như vậy?
“Hóa ra không phải mình tôi là nạn nhân, một mô hình kinh doanh online chẳng phải để buôn bán hàng hóa, mở ra chủ yếu để lôi kéo thành viên để thu phí, sao lại được phép hoạt động. Nhiều người bị lừa mà sao không có cơ quan chức năng nào vào cuộc”, anh Tiến băn khoăn.
Ngày 16/7, trong vai một người tìm hiểu gian hàng điện tử đa cấp ở MB24 (Mỹ Đình, Hà Nội), phóng viên VnExpress.net được một thành viên tên Trang giới thiệu với một nam thanh niên sinh năm 1989 với khả năng kiếm cả trăm triệu đồng mỗi tháng. “Chỉ cần bạn chăm chỉ và quyết tâm, điều đó chẳng có gì khó cả”, anh quả quyết.
Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi về MB24 đang bị nhiều người nghi ngờ, thành viên tên Trang giải thích: “Bạn cứ thử nghĩ xem, nếu chúng tôi lừa đảo, kinh doanh không hiệu quả thì cơ quan pháp luật đã vào cuộc, công ty đã bị đóng cửa, sao có thể còn rất nhiều người ngồi ở đây và kinh doanh như vậy được”.
Trong khi đó, khi phóng viên liên hệ qua đường dây nóng của MB24, một người đàn ông xưng tên Hữu, phụ trách về nhân sự tại đây cho biết đa cấp không phải lừa đảo, ở Việt Nam, mô hình này đã được thừa nhận. Nhưng chỉ vì một số người làm sai nên hình thức kinh doanh này mới gây ra cái nhìn không đúng. Còn về việc MB24 đang bị nghi lừa đảo, ông Hữu cho rằng, mỗi hoạt động kinh doanh đều có cái nhìn đa chiều. “Người ta thích bạn thì nói bạn hay, bạn tốt, không ưa bạn thì nói này nói kia không tốt, bận tâm làm gì, làm sao đi chặn được miệng dư luận”, ông trấn an.
Hiện lãnh đạo Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) chưa phát ngôn bất cứ điều gì sau khi hàng trăm nông dân Đắk Lắk vỡ nợ vì tham gia vào đường dây môi giới mua gian hàng ảo của công ty. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nơi MB24 đang là thành viên từ tháng 7/2011 nhận xét mô hình kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp này chưa hiệu quả. VECOM cho biết thêm, nếu cơ quan chức năng kết luận công ty này vi phạm pháp luật, sẽ căn cứ theo điều lệ để xem xét khai trừ hội viên này.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), cho biết Cục chưa từng cấp đăng ký cho Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB24. Theo quan điểm của cơ quan này, đây là một mô hình kinh doanh phức hợp, không phải sàn giao dịch thương mại điện tử.
Vị đại diện giải thích thêm, sàn giao dịch thương mại điện tử như một cái chợ, tức là có hàng hóa, dịch vụ, người mua, người bán… Trong khi đó, bản chất của các công ty hoạt động theo mô hình như MB24 chỉ chú trọng phát triển mạng lưới, lôi kéo thành viên bằng tiền hoa hồng chứ không tạo được giá trị cho mua bán online nói riêng và xã hội nói chung.
“Mô hình kinh doanh theo kiểu đa cấp này chỉ lấy tiền cấp dưới nuôi người cấp trên chứ không tạo ra giá trị gì. Bằng chứng là thông tin trên sàn rất sơ sài, thành viên chỉ tập trung lôi kéo người khác tham gia để gỡ vốn bằng tiền hoa hồng”, ông nói.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, dù không hiệu quả song mô hình kinh doanh này vẫn lan rộng nhanh chóng nhờ 2 lý do. Một là thực tế thương mại điện tử đang phát triển quá nhanh ở Việt Nam. Thứ hai, nguyên nhân chính là bản thân những người đã gia nhập, khi trót đóng tiền mà không kinh doanh được lại buộc phải đi lôi kéo bạn bè, họ hàng của mình vào để hưởng hoa hồng. Theo đó, chính họ lại rơi vào vòng xoáy và kéo người thân vào mạng lưới này.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương đang hoàn thiện văn bản pháp lý, quy định chi tiết việc thực thi các mô hình thương mại điện tử ở Việt Nam. Trong đó, một số phương thức kinh doanh online có thể được hoạt động hoặc phải dừng lại.
“Thực tiễn thương mại điện tử luôn phát triển rất nhanh, có mô hình hiệu quả, có cái không. Luật quy định vừa phải đón đầu, vừa phải điều chỉnh theo hướng có ích cho xã hội và cộng đồng”, ông nói.
Song trước mắt, theo đại diện Cục, để tránh “tiền mất tật mang” khi gia nhập vào các mô hình thương mại điện tử đa cấp, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu cặn kẽ thông tin trước khi quyết định. Đơn cử, khi mua bán online hay offline, khách hàng cũng phải nhận được hóa đơn, hợp đồng. Trong đó, trước khi đặt bút ký, người mua nên đọc kỹ điều khoản trả lại gian hàng, quy định kinh doanh, quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào…, tuyệt đối không thể trao 5,2 triệu đồng cho người khác mà không nhận lại giấy tờ gì.
Ngày 31/12/2010. Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 46 quy định về quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2011 có khoảng 130 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó Cục đã xác nhận đăng ký cho 35 website.
Thống kê hoạt động trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đã được cấp đăng ký 2011 cho thấy: 3,15 triệu thành viên tham gia giao dịch, 1,5 giao dịch thành công mang về 4.130 tỷ đồng, với tổng doanh thu đạt gần 111 tỷ đồng.
Theo quy định hiện hành, các trang web thông tin điện tử tổng hợp, báo điện tử, mạng xã hội muốn hoạt động phải xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn giao dịch thương mại điện tử phải được cấp đăng ký của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương. Những mô hình website còn lại chưa phải xin đăng ký.
Theo đó, với việc chưa cấp đăng ký cho MB24, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương khẳng định, đây chỉ là một website mua bán thông thường. Cục không thừa nhận đó là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo Vnexpress