Nền kinh tế nhìn từ những động lực

Cả hai mục tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2013 là tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn đều đạt được. Tăng trưởng năm 2013 đạt 5,4%, xấp xỉ năm 2012. Lạm phát năm 2013 cũng thấp hơn năm 2012. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư. Đầu tư năm 2012 là 30,5% và năm 2013 cũng trên dưới 30%. Tổng cầu tiêu dùng cũng tương đương năm 2012, khoảng 5% nếu loại trừ yếu tố giá.

Kinh tế đối ngoại năm 2013 vẫn theo xu thế xuất khẩu vẫn tăng mạnh, nhập khẩu tăng chậm. Nửa đầu năm nhập khẩu tăng nhưng đến nửa cuối năm lại tăng chậm lại. Tình hình lặp lại như năm 2012, cân đối về đối ngoại gần như cân bằng về cán cân thương mại, kéo theo đó là có thặng dư về cán cân thanh toán, bổ sung dự trữ ngoại hối khá mạnh cho năm 2013.

Một điểm nữa của năm 2013 là trong khi khu vực nhà nước và khu vực tư nhân khó khăn thì động lực tăng trưởng và xuất khẩu chủ yếu rơi vào tay các DN có vốn đầu tu trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tỷ lệ đầu tư dịch chuyển theo hướng cao hơn so với các năm trước khoảng 25% trong tổng đầu tư. FDI tốt hơn cả ở cam kết và giải ngân, tăng gấp đôi so với năm trước. Xuất khẩu cũng tương tự, khu vực trong nước chỉ tăng 3,6% trong khi khu vực FDI tăng gần 20%.

Việt Nam vẫn đặt vấn đề phải tăng trưởng nhưng do phải xử lý bất ổn kinh tế vĩ mô nên buộc phải chấp nhận tăng trưởng thấp. Các biện pháp hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và trong một chừng mực nhất định không muốn ảnh hưởng quá mạnh, quá nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào hai đầu tàu là đầu tư và xuất khẩu, nên khi đầu tư rơi từ mức trên 40% xuống còn hơn 30% GDP như hiện nay, cộng với việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Khu vực tư nhân bên cạnh khu vực FDI bắt đầu trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng suốt từ năm 2011 khi xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô, khu vực tư nhân bị co hẹp rất nhanh. Mỗi một năm khoảng 50.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động là có báo cáo, chưa tính số doanh nghiệp không báo cáo.

Như vậy, trong phần động lực tăng trưởng của giai đoạn tới, nếu không đặt lại vai trò của kinh tế tư nhân, sẽ xảy ra tình trạng khu vực FDI lấn át khu vực kinh tế trong nước. Khi đó, khu vực kinh tế nhà nước dù có muốn hay không thì cũng rất khó khẳng định được vai trò trong tương quan so sánh với đầu tư nước ngoài.

Kinh tế vĩ mô ổn định cần dựa trên nhiều tiêu chí. Thứ nhất, liên quan đến lạm phát, từ cuối năm 2012 đã đánh giá được là năm 2013 lạm phát chỉ dưới 7% và trên đà đó, đặt cho cả mục tiêu năm 2014 – 2015 cũng dưới 7%. Như vậy, về cơ bản tốc độ lạm phát đó so với thời gian trồi sụt và lên rất cao mà đỉnh là 2008 – 2011 xấp xỉ 20% một năm, thì mức 7% là chấp nhận được. Nếu ổn định kéo dài một vài năm, có thể khẳng định kiểm soát lạm phát của Việt Nam là tốt.

Thứ hai, liên quan đến các cán cân, rõ ràng với một nước định hướng xuất khẩu như Việt Nam, trước đây thâm hụt thương mại rất lớn, năm 2009 – 2010 thâm hụt thương mại lên tới gần 20 tỷ USD, bây giờ thâm hụt thương mại không những giảm mà còn có thặng dư trong một số tháng. Như thế là tốt, có cân đối bên ngoài, có thặng dư của tài sản vốn, có thặng dư cán cân thanh toán và một yếu tố lớn nữa là đã có cân bằng đối ngoại.

Thứ ba, liên quan tới tài khóa chủ yếu liên quan đến thâm hụt ngân sách. Năm 2012, theo báo cáo, thâm hụt vẫn giữ được ở mức 4,8 và năm 2013 tăng lên mức 5,3 và dự định kéo dài đến 2014 – 2015. Thực ra, tăng mức thâm hụt ngân sách 4,8-5,3% không phải là lớn, nên tạm thời có thể yên tâm về cân đối ngân sách nhà nước.

Thứ tư, liên quan đến hệ thống ngân hàng, sau giai đoạn bùng nổ tín dụng, khi quy mô tín dụng tăng nhanh hơn quy mô huy động vốn, hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào hai trạng thái, đối đầu với hai chuyện thanh khoản và nợ xấu. Năm 2013 bước đầu tiến hành xử lý nợ xấu và cơ bản xử lý được thanh khoản của các ngân hàng, tạo ra cân đối tiền tệ tốt hơn. Đặc biệt, tốc độ tăng của khối huy động cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khối tín dụng, tái lập lại tính ổn định của tính thanh khoản, kiểm soát tốt hơn nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Theo DNSG