Thị trường bán lẻ Việt Nam vừa rớt khỏi top 30 thế giới nhưng theo kết quả nghiên cứu mới đây của Savills, thị trường này vẫn đầy tiềm năng trong những năm tới.
Năm 2008, Việt Nam được đánh giá là quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu.
Đến 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đứng thứ 6 về mức độ hấp dẫn và rơi xuống thứ 23 năm 2011. Đến 12/6/2012, hãng tư vấn danh tiếng của Mỹ A.T.Keraney công bố Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012, Việt Nam đã chính thức rơi khỏi danh sách 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Đây đã là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tụt hạng trong danh sách này.
Từ xếp hạng nêu trên, một số ý kiến cho rằng: Thị trường bán lẻ Việt Nam đã xấu đi từ vài năm nay. Khủng hoảng kinh tế khiến sức mua của người dân giảm sút, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa.
Kinh tế khó khăn, thị trường bán lẻ VN vẫn đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Savills Việt Nam, thị trường bán lẻ tại VN vẫn đầy tiềm năng khi có hàng loạt các trung tâm thương mại mới mọc lên và không ít các nhà bán lẻ vẫn tiếp tục gia nhập thị trường.
Điển hình như việc Media Mart khai trương thêm siêu thị điện máy thứ 6 tại Mỹ Đình, Hà Nội bất chấp mức độ tiêu thụ hàng điện máy của người dân đang có phần suy giảm.
Mặc dù, doanh thu trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay bị sụt xuống gần 20%, Pico vẫn quyết định đầu tư, xây dựng Khu phức hợp thương mại Pico Plaza tại đất Sài thành.
“Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn hứa hẹn tiềm năng lớn cho phát triển và đầu tư. Thị trường hàng hóa tiêu dùng nhanh của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt bậc với 25% theo năm”, ông Trần Như Trung, PGĐ Savills Hà Nội chia sẻ.
TP.HCM: Khoảng 1,4 triệu m2 diện tích bán lẻ mới gia nhập thị trường
Trong quý IV/2012, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM tăng mạnh khoảng 13% so với quý trước và 11% so với năm 2011 do sự gia nhập của năm trung tâm bán lẻ mới bao gồm hai trung tâm mua sắm và ba siêu thị. Nguồn cung bán lẻ khu vực trung tâm tăng mạnh 26% so với quý trước trong khi nguồn cung tại khu vực ngoại thành tăng đáng kể 19% so với quý trước.
Công suất thuê trung bình tăng nhẹ 2 điểm phần trăm trong khi giá thuê trung bình tăng mạnh 8% so với quý trước. “Doanh thu bán lẻ của thành phố trong năm 2012 vào khoảng 540 nghìn tỷ đồng. Loại trừ yếu tố lạm phát, doanh thu bán lẻ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự tăng trưởng khá tốt về sức mua của người dân. Mức tăng này cao hơn mức tăng 7,2% của năm 2011” – lãnh đạo Savills tại TP.HCM nhận định.
Cũng theo đánh giá của Savills, mặc dù thị trường bán lẻ vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế đi xuống, TP.HCM vẫn là thị trường đầy sức hút với các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài.
Mặt khác, trong tình hình khó khăn hiện tại, khách thuê tại các cửa hàng mặt tiền đường và các chợ truyền thống bị ảnh hưởng nhiều hơn so với khách thuê tại các trung tâm bán lẻ hiện đại.
Chính vì vậy, dự đoán về triển vọng thị trường bán lẻ, Savills cho rằng: Từ năm 2013 trở đi, khoảng 1,4 triệu m2 diện tích bán lẻ mới sẽ gia nhập thị trường. Khoảng 50% số dự án hiện đang trong giai đoạn thi công hoặc đang hoàn thiện trong khi số còn lại vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch, đất trống hoặc trì hoãn.
Khu vực nội thành có nguồn cung tương lai cao nhất trong thành phố, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung tương lai.
Hà Nội có 5 dự án mới
Cũng theo kết quả nghiên cứu, khảo sát thị trường bán lẻ của Savills Việt Nam, tại Hà Nội, tổng cung đạt khoảng 752.300 m2, tăng 5% theo quý và tăng 25% theo năm. Trong quý 4/2012 thị trường có 5 dự án mới, trong đó có 2 trung tâm mua sắm, một khối đế bán lẻ, một siêu thị và một siêu thị điện tử.
Tuy nhiên, cũng trong quý IV này, Hà Nội có 3 siêu thị điện tử đóng cửa để chuyển đến 2 trung tâm mua sắm tại khu vực ngoại thành.
Do ảnh hưởng của kinh tế lạm phát, giá thuê bình quân các mặt bằng bán lẻ tiếp tục có xu hướng giảm. Xu hưởng giảm này chủ yếu bởi giá thuê thấp của các dự án mới. Ngoài ra, các dự án cũ giảm giá nhằm lấp đầy các vị trí cho thuê còn trống.
“Một vài trung tâm thương mại cao cấp đang có kế hoạch điều chỉnh giảm giá nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của người tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn” – Ông Trần Như Trung, PGĐ Savills Hà Nội cho biết.\
“Một vài trung tâm thương mại cao cấp đang có kế hoạch điều chỉnh giảm giá nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của người tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn” – Ông Trần Như Trung, PGĐ Savills Hà Nội cho biết.
Công suất thuê trung bình đạt khoảng 89%, giảm 3 điểm % so với quý trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Một số lượng lớn khách hàng bán lẻ vẫn chưa bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh tại các mặt bằng đã cam kết thuê trong các trung tâm thương mại.
Savills ước tính: Đến năm 2015, sẽ khoảng 1,6 triệu m2 từ 79 dự án bán lẻ được dự đoán gia nhập thị trường. Bởi sau một thời gian tạm thời đóng cửa từ tháng 4/2011, Tràng Tiền Plaza có khả năng sẽ mở cửa trở lại trong tháng 1/2013.
Vingroup có khả năng vẫn giữ vị trí cao tại thị trường bán lẻ Hà Nội nhờ hai dự án quy mô lớn là Times City và Royal City với tổng diện tích bán lẻ lên tới khoảng 440.000 m2.
“Một vài trung tâm thương mại cao cấp đang có kế hoạch điều chỉnh giảm giá nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của người tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn” – Ông Trần Như Trung, PGĐ Savills Hà Nội cho biết.
Theo Cafef