Điều gì đã đem lại thành công cho “Quả táo”?
Sản phẩm vì người dùng
Phần lớn các công ty – doanh nghiệp đều hô khẩu hiệu “tất cả vì thượng đế”, nhưng kỳ thực họ luôn tìm cách áp đặt sản phẩm lên người dùng thay vì biến sản phẩm của mình trở thành một thứ vật dụng mà khách hàng không thể thiếu.
Chẳng hạn với những công ty thông thường: “Cái điện thoại chúng tôi làm ra rất tốt, rất đẹp. Và dù bạn thấy nó tệ, bạn phải học cách thừa nhận vẻ đẹp và sức mạnh của nó”.
Với Apple, cách tiếp cận người dùng rất khác khi hãng luôn đặt “trải nghiệm người dùng” lên hàng đầu. Hay nói cách khác, thay vì liên tục tạo ra những mẫu mã điện thoại khác lạ, Apple “gạn đục khơi trong” sao cho chiếc iPhone mới kế thừa được những ưu điểm (về kiểu dáng lẫn giao diện người dùng) của dòng iPhone trước đó và thêm vào những tính năng đột phá.
Apple dưới thời Steve Jobs luôn hướng đến việc hoàn thiện sản phẩm để người dùng nào cũng cảm thấy hài lòng.
Sản phẩm phải dễ sử dụng
Khi còn đương thời, Steve Jobs rất khắt khe ở điểm này. Ông quan niệm một sản phẩm khó sử dụng là một sản phẩm vô giá trị. Vì thế, Jobs luôn yêu cầu các kỹ sư của Apple phải làm sao để Apple luôn trực quan, dễ hiểu và dễ học cách sử dụng.
Trong nghệ thuật và đời sống, sự đơn giản luôn có chỗ đứng nhất định. Là một người đã từng rèn chữ đẹp như Steve Jobs, sự đơn giản đồng nghĩa với tinh tế. Khi người dùng đòi hỏi chiếc điện thoại phải có nhiều tính năng hơn, iPhone của Apple vẫn sẽ đáp ứng và luôn dễ sử dụng.
“Rèn báu kiếm – không rèn nông cụ”
Về điện thoại, Apple chỉ sản xuất iPhone. Khác biệt hoàn toàn với những hãng điện thoại còn lại khi mỗi năm lại ra đời thêm một rừng mẫu mã mới.
Trong một cửa hàng điện thoại có hàng chục thương hiệu khác nhau, nhân viên bán hàng cần nắm rõ ưu điểm của từng loại điện thoại để mời chào khách hàng. Một điều không đơn giản khi khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn cần cân nhắc, trong đó có cả yếu tố may rủi.
Trái lại, đến với một cửa hàng của Apple, người dùng chỉ có một vài lựa chọn, và những lựa chọn ấy có chất lượng vốn đã được thị trường tiêu dùng thừa nhận. Họ chỉ việc ngắm nhìn, sờ mó và cuối cùng là… móc hầu bao mà không cần nghĩ ngợi nhiều.
Trong kinh doanh, không gì tuyệt vời hơn là tạo ra được một sản phẩm vừa mắt hàng chục triệu người. Và tuyệt vời hơn nếu ai cũng muốn có nó ngay lập tức, những người chưa có sẽ phải ghen tị với những người đã có. Để đạt được điều này không phải dễ nếu Apple không là một khối thống nhất trong chiến lược.
Dưới thời Steve Jobs, có thể có những cái tên chống lại con đường của ông. Nhưng ông đã chứng tỏ ông đúng khi tìm kiếm cái đẹp trong sự đơn giản và ngày càng gia tăng độ tinh tế cho sản phẩm.
Ở Apple, Steve Jobs đóng hai vai: một thuyền trưởng vĩ đại và một người tiêu dùng thông minh. Thứ lửa đặc biệt đó đã giúp Apple rèn nên những sản phẩm gần như đạt độ hoàn hảo trong mắt khách hàng.
Tạo những sản phẩm “trên cơ” đối thủ
Trong những năm gần đây, Apple thường không phát minh một sản phẩm. Apple không phát minh ra máy nghe nhạc MP3 mà làm cho nó trở nên hoàn hảo hơn. Apple cũng không phải là hãng phát minh ra smartphone hay máy tính bảng. Họ chỉ làm cho chúng trở nên xuất sắc khiến giới công nghệ phải “phát cuồng”.
Luôn xuất phát trước
Apple luôn đi trước các đối thủ của mình. Đây là cơn ác mộng lớn nhất với các đối thủ của Apple. Trong khi các hãng còn đang vất vả cạnh tranh với sản phẩm của “quả táo khuyết” trên thị trường thì Apple đã âm thầm chuẩn bị cho những sản phẩm mà phải hai năm nữa mới lên kệ.
Những bí mật tưởng chừng rất đơn giản này đã và đang được Apple vận dụng rất thành công. Với bạn, liệu Apple còn những bí mật nào đã giúp họ thành công như hiện nay?
Theo doanhnhansaigon