Trong bối cảnh, nền kinh tế đất nước đang mở cửa và hội nhập quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì, mỗi quốc gia đều có tiềm năng và lợi thế riêng, quốc gia nào nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 – 2015 cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng được 2 bậc, từ vị trí 70 lên vị trí 68/148 nền kinh tế.
Trong khi đó, theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, nước ta xếp hạng 78/189 nước. Điều này cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của nước ta còn chậm cải thiện, và có vị trí khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Thời gian tới, khi tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta sẽ bước sang một giai đoạn mới sâu rộng hơn với việc chuẩn bị kết thúc đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các đối tác chủ chốt, như: EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakstan; đồng thời, nỗ lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực Đông Á (RCEP)…
Các liên kết kinh tế đa tầng nấc này với luật chơi mới và mức độ mở cửa thị trường sâu rộng sẽ tạo không gian phát triển mới nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Đối với nước ta, đó là việc phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng quyết liệt. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế của nước ta hiện nay. Vì, mỗi quốc gia đều có tiềm năng và lợi thế riêng, quốc gia nào nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, khó có thể có một nền kinh tế khỏe mạnh nếu các tế bào của nền kinh tế đó ốm yếu.
Vì vậy, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện Chính phủ đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, VCCI cũng xây dựng nhiều đề án giúp cải thiện môi trường kinh doanh, như Đề án Doanh nghiệp phòng chống tham nhũng, Đề án Nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp, Đề án nâng cao năng lực áp dụng khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, hỗ trợ doanh nghiệp khả năng tiếp cận và khai thác thị trường mới… Song, Việt Nam cần có một chương trình xã hội hóa và cải cách tư pháp, tăng cường thiết chế pháp lý để bảo đảm một môi trường không chỉ thuận lợi mà còn an toàn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo VCCI, những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu có những công ty, tập đoàn lớn vươn ra thị trường thế giới, tuy nhiên những doanh nghiệp này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong số hơn 500.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, có đến 95 – 96% doanh nghiệp cỡ nhỏ với khả năng cạnh tranh hết sức hạn chế.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, trước hết, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường các thiết chế pháp lý để bảo đảm một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn an toàn cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp đó, cần phải cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Bởi, năng lực cạnh tranh của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khu vực này – khu vực đang sử dụng nhiều nguồn lực của xã hội, như: tài nguyên, đất đai, vốn…
Còn đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần có một chương trình toàn diện và rộng khắp để nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp này. Đây là một cấu phần quan trọng và cốt lõi của chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực tế thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp tư nhân đổ vỡ, gặp khó khăn có tác động phần lớn do yếu tố năng lực quản trị của doanh nghiệp còn yếu.
Theo Tapchitaichinh