Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng mở cửa sâu rộng hơn, đầy đủ hơn, hội nhập nhanh hơn vào thị trường khu vực và thế giới theo lộ trình cam kết khi chính thức gia nhập WTO. Thị trường bán lẻ Việt Nam tuy có những bước thăng trầm nhưng vẫn liên tục phát triển.
Chúng ta còn nhớ ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, bên cạnh những sự phấn khích không ít những ý kiến lo sợ rằng Việt Nam sẽ trở thành sân chơi cho những “Đại gia Quốc tế” mà mình chưa chắc đã được nhặt bóng. Mắc dù đã có nhiều cảnh báo và các bước chuẩn bị cần thiết cho các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không khỏi gặp nhiều bỡ ngỡ thời đầu hội nhập nhất là các phương pháp quản lý và thuế khóa.
May thay, Việt Nam đã gặp khá nhiều thuận lợi trong thời gian vừa qua. Thị trường bán lẻ liên tục phát triển với tốc độ ấn tượng từ 20% đến 25% trên qui mô, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ đạt từ 800.000 tỷ đồng những năm 2006-2008, lên trên 1 triệu ngàn tỷ đồng năm 2010. Năm 2011 mặc dù kinh tế khó khăn, giá cả tiêu dùng cao, sức mua giảm nhưng vẫn có thể đạt 1,3 triệu ngàn tỷ đồng (65 tỷ USD). Theo số liệu thống kê, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá-dịch vụ đã đóng góp khoảng 15% GDP, doanh số bán lẻ bằng 60-70% GDP, góp phần tăng trưởng kinh tế trong những năm qua.
Năm 2011, công ty tư vấn A.T.Kearney (Mỹ) cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô 113 tỉ đôla vào 2012 với dân số gần 90 triệu người và nằm trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng đến năm nay, thị trường bán lẻ Việt Nam tuột xuống vị trí thứ 32 theo công bố “chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012”. Đây là lần tụt hạng thứ ba liên tiếp, từ vị trí thứ nhất năm 2008, xuống thứ sáu năm 2009, thứ 14 năm 2010 và thứ 23 năm 2011.
Tốc độ tăng trưởng kênh bán lẻ hiện đại cũng chỉ cao ở các thành phố lớn (chiếm 43% tại TP.HCM), còn tính bình quân cả nước mới chỉ 20%/tổng doanh thu bán lẻ toàn thị trường. Số lượng siêu thị thành lập mới năm năm sau khi gia nhập WTO (2007 – 2011) so với giai đoạn 2002 – 2006 chỉ tăng hơn 20%.
Nhiều chuyên gia đã cố gắng phân tích vì sao chỉ trong vài năm thị trường bán lẻ Việt Nam tụt hạng hơn 30 bậc? để có thể tháo gỡ và tìm ra giải pháp giúp đỡ các doanh nghiệp trong cuộc.
Ông Trần Mạnh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, sự tụt hạng “thê thảm” của thị trường bán lẻ Việt Nam thể hiện ở nhiều yếu tố. Mặc dù Việt Nam có gần 90 triệu dân song thời điểm này kinh tế suy giảm khiến sức mua giảm đi nhiều, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sức hấp dẫn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Hà Nội chia sẻ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu chắc chắn có những tác động nhất định lên sức mua và chi tiêu của người tiêu dùng trong nước. Lúc này đòi hỏi doanh nghiệp phải có một chính sách kinh doanh thật sự năng động và sát với nhu cầu thực tế của khách hàng, hợp tác lâu dài với các nhà cung cấp, đầu tư đổi mới không ngừng và có một tầm nhìn tích cực cũng như chiến lược đầu tư dài hạn tại thị trường.
T.S Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam- cũng thừa nhận: Cần nhìn nhận một cách nghiêm khắc, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều chưa phát triển như kỳ vọng: Tính chuyên nghiệp yếu, kho tàng, bến bãi hết sức phân tán và hoạt động không hiệu quả, lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối rất kém…
Theo quan sát của VIAMI Software, ngay sau khi gia nhập WTO, trong lúc những “Đại gia nước ngoài” chưa kịp nhảy vào thì các doanh nghiệp Việt Nam đã dùng chiến thuật “trăm hoa nở rộ” và lợi thế sân nhà để “chiếm dụng thị trường” cho đến khi có thể. Thêm vào nữa “vườn hoa bán lẻ” Việt Nam lại gặp “thời tiết” thuận lợi, với “mưa xuân” đầu tư nước ngoài làm tăng tính thanh khoản của xã hội, những cơn “mưa rào” chứng khoán mang đến một lượng tiêu xài vung phí khá lớn và những “cơn gió mùa” bất động sản chụp giật cũng đã đóng góp một khối lượng mua sắm đáng kể. Bỗng dưng chứng khoán gặp “hạn hán”, bất động sản vỡ bong bóng, ngân hàng xem xét lại nguy cơ… thì luồng tiền chảy vảo ngành bán lẻ bị chững lại là điều tất yếu.
Chúng tôi cho rằng khó khăn của ngành bán lẻ Việt nam hiện nay không hẳn đã là ở sức mua như nhiều chuyên gia nhận đinh, mặc dù đó là nhân tố cực kỳ quan trọng cho sự phát triển chung, bởi vì sức mua có thể dự đoán được nên không có gì đáng kêu ca.
Trên thực tế, rất nhiều những doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường hiện nay là những “Đại gia tự phát”, họ thật sự chưa chú trọng đến chiến lược, kế sách kinh doanh. Khó khăn đầu tiên của các “Đại gia tự phát” bán lẻ chính là từ những sự phát triển “quá dễ, quá nóng”, làm gì cũng có lãi, thất thoát rất nhiều nhưng vẫn lãi, có lãi là lao vào. Người ta gọi đó là kiểu “kinh doanh tít mù”. Kiểu kinh doanh này mang yếu tố cơ hội nhất thời, ít khi lặp lại, không tháo gỡ mà chỉ cần phát hiện ra nó và có thể rút kinh nghiệm là đủ. Bài học kinh nghiệm: say mê chiến thắng mà quên củng cố lực lượng.
Khi khủng hoảng kinh tế và thị trường lắng xuống thì mới bộc lộ ra khó khăn tiếp theo và lớn nhất của đa số các doanh nghiệp Việt Nam, đó là “không biết trong tay có gì“. Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc tối ưu hóa tài nguyên tiền và hàng sau đó là tài nguyên nhân sự, mối quan tâm hàng đầu mà hầu như ai cũng nói tới, tuy nhiên còn một tài nguyên vô cùng to lớn và quan trọng mà các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang ít qua tâm đến, đó chính là khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chính sách thẻ khách hàng thân thiện nhưng khách hàng vẫn được đối xử như khách hàng vãng lai.. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp cùng một cỡ và trong cùng một môi trường thì doanh nghiệp nào sử dụng ERP có hiệu quả rõ ràng có lợi thế hơn hẳn những doanh nghiệp không dùng hoặc còn đang “bơi lội” trong ERP.
Khi thị trường đi vào ổn định, dòng tiền được phân bổ qui củ hơn và có phần thu hẹp lại, người mua thắt hầu bao là lúc cuộc đấu tranh sinh tồn bắt đầu diễn ra và sẽ ngày càng quyết liệt thì cuộc chiến tranh dành khách hàng sẽ trở nên gay gắt hơn và mang tính quyết định đến vận mệnh của doanh nghiệp. Lúc này doanh nghiệp không còn nhiều cơ hội, và nếu “không biết trong tay có gì” thì nó trở thành nguy cơ và rủi ro hiện hữu.
Hãy nhận thức rằng “có khách hàng là có tất cả”, “khách hàng là thượng đế” và “thượng đế ngày càng khó tính”. Để được lòng các “thượng đế”, doanh nghiệp cần phải phục vụ nhanh nhất,chất lượng tốt nhất, chăm sóc chu đáo đến từng yêu cầu nhỏ nhất của khách hàng… Vậy phải làm gì khi kinh phí “phục vụ thượng đế” luôn luôn hạn hẹp? Chỉ có cách duy nhất là tối ưu hóa với hệ thống CRM (quản trị quan hệ khách hàng) nhẹ nhàng và có hiệu quả. Hãy đánh giá hiệu quả của CRM của bạn bằng những tiêu chí sau đây:
- Thông tin tới khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác nhất theo tiêu chí đã định cho mỗi thời điểm.
- Kiểm soát khuyến mại một cách sáng tạo cho từng đối tượng khách hàng.
- Lợi dụng được mọi phương tiện thông tin đến khách hàng một cách nhanh nhất và rẻ nhất.
- Chính sách “Một cửa thông tin” khách hàng.
- Luôn mang lại lợi ích “bất ngờ” cho khách hàng thường xuyên.
- Khi khách hàng giúp bạn bán hàng là lúc bạn đạt được đỉnh cao của sự thành công.
Lê Ngọc Quang
(thu thập nguồn Internet và đánh giá)