Có lẽ không có ngành nào mà việc quỵt nợ trở nên dễ dàng và “muôn màu” như ngành công nghệ. Đặc biệt là với những công ty khởi nghiệp nhỏ và mảng thiết kế game, ứng dụng trên di động mobile.
Xù nợ tiền thiết kế game từ nhà cung cấp
Vào khoảng năm ngoái, B có nhận được hợp đồng từ 1 CP ở Hà Nội – H. Yêu cầu của hợp đồng là thiết kế một game trên di động (bao gồm 3 gói game). Công ty H sẽ trả trước 1/3 tiền đặt cọc và 2/3 sẽ được chia làm 2 lần, tương ứng với 2 gói game còn lại. Tổng giá trị hợp đồng lên tới gần 1 tỷ đồng.
Nhóm của B đã mất gần 6 tháng để hoàn thành cả 3 gói game trong khi “Có thể dùng 6 tháng đó để đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm riêng , tạo uy tín cho công ty và cung cấp giá trị đến cho người dùng.” – B chia sẻ.
Việc quỵt nợ trong ngành CNTT ở Việt Nam rất dễ dàng và muôn màu muôn vẻ
Nhưng trong quá trình làm việc, phía đối tác liên tục thay đổi yêu cầu về game. Việc này khiến cho nhóm B bị trễ deadline vì việc thay đổi yêu cầu trong game rất mất thời gian, chưa kể việc phải gửi văn kiện có dấu mộc qua đường bưu điện để hai bên xác nhận sự thay đổi.
Sau khi hoàn thành gói game đầu tiên và gửi cho đối tác H, bên anh B liên tục phải chỉnh sửa, bổ sung thêm những yêu cầu mới phát sinh từ công ty H. Khi hoàn thành tất cả các yêu cầu đó thì công ty H lại liên tục đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc thanh toán và đòi phải làm thêm nhiều thứ. Không đồng ý với việc làm trên và sau nhiều lần trao đổi thẳng thắng, nhóm của anh B cũng đã nhận được khoản chi phí đầu tiên dành cho gói game 1 (trễ 3 tháng so với thời hạn ghi trong hợp đồng).
Việc trì hoãn thanh toán và kiếm cớ chê bai sản phẩm một cách vô lý tiếp diễn ở gói game thứ 2 với cường độ mạnh hơn hẳn. Công ty H liên tục nói game của anh B làm chậm server bên công ty H nhưng thực tế bên anh B đã test rất nhiều lần và không thể tìm ra nguyên nhân làm chậm server. Bên anh B đã đề nghị được cung cấp account để vào xem tình trạng thật tế để tìm hướng hỗ trợ nhưng liên tục bị từ chối, mãi gần 2 tuần sau mới được cấp account để truy cập vào.
Không đồng ý với cách làm gian dối và có nhiều dấu hiệu bất bình thường của công ty H. Anh B đã liên lạc với giám đốc công ty H và yêu cầu làm rõ đồng thời thúc giục việc thanh toán cho gói game 2. Không những không được thanh toán trái lại anh B còn nhận được thêm nhiều “nhận xét giả dối” về game của mình.
Sau rất nhiều lần điều đình và thúc giục phía bên H, anh B nhận được một cuộc điện thoại riêng từ giám đốc công ty H, vị giám đốc hứa sẽ trả riêng cho anh B 1/3 khoản tiền như trong hợp đồng nếu B chịu đưa toàn bộ source mã gốc cho công ty H. Dĩ nhiên là anh B từ chối và anh B quyết định thanh lý hợp đồng vì không muốn mất thêm thời gian với một đối tác không có thiện chí và thiếu minh bạch như công ty H.
Xù nợ tiền phân phối game
Sau đó, bên anh B có thiết kế một game và hợp tác với 3 CP ở Hà Nôi phân phối cho người dùng và hai bên sẽ chia sẽ doanh thu với nhau. Theo như trong hợp đồng việc đối soát tỷ lệ tin nhắn của người dùng giữa hai bên không được chênh lệch quá 3% – 5%.
Trong hợp đồng bên B còn cung cấp miễn phí cho 3 đối tác trên 3 tháng hỗ trợ miễn phí. Trong 3 tháng đầu, các đối tác báo cáo số liệu đối soát đầy đủ (nhưng không thanh toán). Qua 3 tháng, các đối tác bắt đầu không gọi nữa, quên gửi đối soát hoặc gửi đối soát với số liệu chênh lệch đến 17% so với công cụ đo lường của bên B. Đến hẹn thanh toán nhưng không có đối tác nào có động thái thể hiện là mình muốn thanh toán đúng hẹn… vậy là lại “ Kết thúc hợp đồng” mà không hề có một khoản chi phí nào được đối tác thanh toán …
“Đáng lẽ Telcos (Viettel, Mobifone…) nên là “trọng tài”, họ phải cung cấp một công cụ đo lường chuẩn để đảm bảo không có trường hợp báo khống số liệu như vậy. Và một khi các CPs không thanh toán chi phí cho các đơn vị cung cấp nội dung (game, ứng dụng …) thì cần thiết phải có chế tài đối với các CP làm ăn có dấu hiệu gian dối.
Theo kinh nghiệm cá nhân, đặc biệt là các công ty ở Hà Nội rất dễ quỵt tiền của các công ty nhỏ cung cấp nội dung (game, ứng dụng..) vì những công ty nhỏ ngại kiện tụng kéo dài, tốn kém và đôi khi lại thiệt đơn thiệt kép. Vì từ trước tới giờ ở VN đã có bao nhiêu vụ kiện tụng về CNTT nào thành công đâu (!?). Đã có nhiều trường hợp bị quỵt nợ như bên B trong giới công nghệ” – B chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình.
Giải pháp nào cho chống quỵt nợ
Theo như kinh nghiệm của anh B, các công ty khi làm sản phẩm outsource cho các đối tác trong nước nên chia nhỏ gói tiền nhận được theo từng giai đoạn cụ thể của dự án, xong phần nào thì chờ đối tác chuyển khoản phần ấy rồi mới làm tiếp, tránh tình trạng ôm nợ vào người (tốt nhất là sau khi ký hợp đồng phải nhận được 30% tổng giá trị hợp đồng)
Đối với việc hợp tác với các công ty chuyên phân phối sản phẩm (các CP), các công ty làm sản phẩm nên bán theo gói khai thác theo thời gian. Một năm phân phối game có giá bao nhiều tiền và nhận tiền ngay từ đầu, còn lỗ hay lãi là việc của phía phân phối game.
Ở Việt Nam, có vẻ như hợp đồng trong ngành CNTT chỉ là một “đống giấy lộn” khi xảy ra tranh chấp
Khi làm cho những công ty Hà Nội nên được giới thiệu qua người quen uy tín. Các công ty Hà Nội thường ngâm nợ lâu.
“Ở Việt Nam, có vẻ như hợp đồng trong ngành CNTT chỉ là một “đống giấy lộn” khi xảy ra tranh chấp. Chính những kẻ cướp như thế này làm cho thị trường CNTT của VN ngày càng đi xuống, đặc biệt trong những lĩnh vực mới phát triển như thiết kế game, ứng dụng.
Trong kinh doanh, chữ TÍN là quan trọng nhất vậy mà bước ra khỏi cửa gặp toàn kẻ cướp thì còn ai muốn phát triển sản phẩm phục vụ người dùng. Singapore là một trong những nước ít bị chiếm dụng vốn vì có luật lệ chặt chẽ, một ngày trả chậm sẽ bị phạt 2% phí, nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được (mặc dù trong hợp đồng có ràng buộc hẳn hoi).
Các công ty ở Hồ Chí Minh thường làm ăn có uy tín hơn, có một số dự án tôi đang làm dang dở thì phải ngừng lại nhưng đối tác vẫn trả một nửa số tiền và nhận được lời xin lỗi rất chân thành từ phía đối tác.”
Theo Cafef