Song song, với việc sống chung với “đối thủ”, DN bán lẻ trong nước cần lựa sức mình, phát triển lợi thế để cạnh tranh, tránh “đối đầu” với các nhà bán lẻ của nước ngoài bằng cách tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư. DN cần định vị lại những sản phẩm, để phù hợp với xu hướng người tiêu dùng… Đồng thời, cần tăng cường liên kết, kết hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và phân phối để “dìu nhau” vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Liên tục “rớt hạng”
Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho ngành bán lẻ. Với khoảng gần 90 triệu dân cơ cấu dân số trẻ và mức sống ngày càng được nâng lên, nhưng cả nước mới chỉ có hơn 600 siêu thị, gần 120 trung tâm thương mại và trên 1.000 cửa hàng tiện ích… Thị trường bán lẻ Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, khi người tiêu dùng có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng hiện đại. Trong nước, xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu tập đoàn bán lẻ nổi tiếng thế giới như: Metro Cash & Cary (Đức), Big C (Pháp), Aeon (Nhật Bản), E – Mart (Hàn Quốc) hay Parkson (Malaysia)…
Tuy nhiên, điều nghịch lý là mặc dù có tiềm năng nhưng Việt Nam lại liên tục “rớt hạng” trong hệ thống những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2008, Việt Nam từng là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Năm 2009, tụt xuống vị trí thứ 6. Mới đây, hãng tư vấn A.T.Kearney của Mỹ đã công bố Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012. Theo đó, Việt Nam từ vị trí 23 năm 2011 đã rơi khỏi top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những khó khăn của nền kinh tế cùng chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa để kiềm chế lạm phát khiến sức mua giảm sút. Hệ quả, hàng loạt DN bán lẻ phải đóng cửa, hoặc kinh doanh cầm chừng. Trong khi, những rào cản về môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn chưa được cải thiện. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn gặp vướng mắc ở khâu điều hành vĩ mô. DN bán lẻ cả trong lẫn ngoài nước đều gặp khó về thủ tục hành chính, quy hoạch thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, những yếu kém về cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng quá cao… cũng là những nhân tố khiến thị trường bán lẻ liên tục “rớt hạng”. Đặc biệt, gần đây chi phí đầu vào nguyên vật liệu, nhiên liệu, phí vận chuyển hàng hóa… liên tục tăng cao, lượng hàng tồn kho nhiều khiến DN bán lẻ ngày càng lao đao. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Năm 2011, thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng 5%, con số rất khiêm tốn so với hơn 20% của những năm trước. Hàng loạt siêu thị phải đóng cửa, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng kinh doanh của các DN bán lẻ.
DN “tự bơi”
Cùng với việc liên tục “rớt hạng”, thiếu hấp dẫn… những năm gần đây với sự có mặt của những “ông lớn” bán lẻ nước ngoài, khiến không ít DN trong nước rơi vào tình cảnh khó khăn chồng lên khó khăn. Không chỉ các siêu thị nhỏ, nhiều siêu thị lớn cũng đang trong tình trạng kinh doanh “cầm hơi”. TS. Đinh Thị Mỹ Loan – Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Dù lạm phát được kiềm chế, nhưng ngành bán lẻ, vốn sôi động lại đang rất trầm lắng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2012 đến nay cả nước đã có khoảng 5.300 DN bán lẻ giải thể hoặc ngừng hoạt động…
Với chủ trương “đèn ai nấy rạng”, thiếu liên kết, thậm chí còn cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau của các DN bán lẻ trong nước khiến tình hình càng khó khăn hơn. Những “cuộc đua” khuyến mãi, giảm giá… giữa các siêu thị trong thời gian gần đây diễn ra thường xuyên. DN trong nước ngày càng suy yếu, vô tình “tiếp sức” cho công ty, tập đoàn nước ngoài dễ bề thao túng thị trường bán lẻ Việt Nam.
Danh sách DN bán lẻ phải phá sản, có thể sẽ còn nối dài nếu bản thân các DN không tự nỗ lực cứu mình. DN phải nghĩ đến cách tự “bơi” trước khi được “cứu”, bằng những chính sách có tầm vĩ mô của Chính phủ. “Cái khó ló cái khôn”, các DN cần nhanh chóng tìm phương án kinh doanh phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay. Tại chương trình giới thiệu Đại sứ hàng Việt được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food) chia sẻ: Thời gian gần đây, Saigon Food đã mở được nhiều điểm bán mới và sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối. Kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ hàng hoá giảm buộc DN phải đa dạng kênh phân phối, mở rộng thêm nhiều điểm bán mới để thu hút khách hàng, tăng doanh số, bù đắp hệ thống cũ có khả năng sụt giảm… Trong thời điểm này, DN lại càng phải đồng hành với người tiêu dùng.
Tránh nguy cơ bị đào thải, không ít DN bán lẻ trong nước đang lựa chọn, tìm kiếm đối tác nước ngoài để liên doanh liên kết. Xu hướng này xuất phát từ việc các DN trong nước gặp khó khăn về vốn, cũng như trình độ quản lý kinh doanh. Trong khi, DN bán lẻ nước ngoài có nhiều lợi thế về vốn, kinh nghiệm quản lý… Trong thực tế hiện nay, không ít DN có vốn, tiềm lực nhưng vẫn không dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ nếu như không tìm được đối tác nước ngoài “chống lưng”, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Song song, với việc sống chung với “đối thủ”, DN bán lẻ trong nước cần lựa sức mình, phát triển lợi thế để cạnh tranh, tránh “đối đầu” với các nhà bán lẻ của nước ngoài bằng cách tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư. DN cần định vị lại những sản phẩm, để phù hợp với xu hướng người tiêu dùng… Đồng thời, cần tăng cường liên kết, kết hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và phân phối để “dìu nhau” vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Theo vinacorp