Nhiều thương hiệu tên tuổi trong ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm quốc tế đang lên kế hoạch lấn sân vào thị trường Việt Nam qua đường nhượng quyền thương mại. Oko®, thương hiệu thời trang của Singapore, cũng xác định Việt Nam là thị trường quan trọng. Người đại diện của thương hiệu này, khi đến Việt Nam, cho biết sẽ gia nhập vào phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình và thu nhập cao tại TP.HCM và Hà Nội.
Đây cũng là kế hoạch mà nhiều thương hiệu lớn như Country Chicken, Don’s Pie, Popeyes, Snackz It!, Kooshi… hướng tới khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Cùng thời điểm, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc đã thông tin sẽ tổ chức triển lãm liên quan đến nhượng quyền thương mại vào đầu tháng 11/2011 tại TP.HCM. Theo Ban tổ chức, 150 DN từ 9 quốc gia, như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Hoa Kỳ… đã đăng ký tham gia. Trước đó 1 tuần, vào cuối tháng 10/2011, một hoạt động tương tự sẽ được Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Malaysia (MFA) tổ chức tại TP.HCM.
Có vẻ như sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhượng quyền thương mại là một trong những giải pháp tiết kiệm và hiệu quả mà nhiều DN đang áp dụng cho kế hoạch lấn sân ra thị trường nước ngoài. Thậm chí, MFA đã tính toán khá chi tiết là doanh thu của kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam dự kiến tăng 50%/năm, với ưu thế là thuộc về các lĩnh vực bán lẻ, đồ uống, nhà hàng, thời trang, giáo dục.
Sức ép thương hiệu nội
Ông Bùi Lê Quân, Trưởng phòng phát triển kinh doanh, Công ty VCCI Expo, đơn vị đối tác tổ chức hoạt động tìm kiếm thị trường của DN nước ngoài nhận định, DN Việt Nam, nhất là DN kinh doanh hàng tiêu dùng, thực phẩm, đang quan tâm tới hình thức kinh doanh này khi những khó khăn sau khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là áp lực lớn từ cửa hẹp trong tiếp cận tín dụng, đang làm khó cho các kế hoạch đầu tư mới của họ.
Nhiều DN cho biết, nhận nhượng quyền kinh doanh thương hiệu để tranh thủ nguồn lực của đối tác, cả về vốn, kinh nghiệm quản lý, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường. Hơn thế, giá nhượng quyền từ các thương hiệu quốc tế cũng đang giảm xuống, phù hợp hơn với các DN nhỏ và vừa Việt Nam, nhất là DN mới khởi nghiệp.
“Với mức tăng trưởng được dự báo trên 30%/năm, nhượng quyền thương mại đang trở thành một kênh đầu tư đầy tiềm năng ở Việt Nam”, ông Quân nói.
Theo Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế (IFA), Việt Nam có trên 70 hệ thống kinh doanh nhượng quyền thương mại. Bên cạnh các tên tuổi lớn của thế giới như KFC, Lotteria, Pizza Hut, Gloria Jean’s Coffee, Coffee Bean, Việt Nam đã có Phở 24, Cà phê Trung Nguyên, Nước mía siêu sạch… tham gia vào hoạt động này.
Có thể thấy ngay ưu thế nghiêng về phía các thương hiệu quốc tế. Phân tích, ông Quân cho rằng, thị trường này có thể coi là một cuộc đua của những tay đua không những cần tốc độ, mà đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, trong khi yếu tố chuyên nghiệp lại là một trong những điểm yếu cố hữu của DN Việt Nam.
Ngay cả DN Việt Nam đã bước chân vào lĩnh vực này, nhiều DN mới dừng lại ở công đoạn đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm, trong khi các kỹ thuật nhượng quyền, chiến lược toàn diện cho mô hình, đặc biệt là nhân sự chuyên môn thiếu và yếu.
Thực tế trên phản ánh khá rõ ở sự đuối sức trong các chuỗi cửa hàng của nhiều thương hiệu sau nhượng quyền, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của thương hiệu.
Rõ ràng, sức ép cạnh tranh lớn đang đè nặng lên các thương hiệu nội hiện hữu, cũng như DN có kế hoạch khai thác lợi thế thương hiệu mạnh và các cơ hội kinh doanh từ hoạt động nhượng quyền thương mại
Theo Baomoi