Nếu bạn “like” một bài viết nào đó trên Facebook, bạn của bạn cũng sẽ “like” nó, ngay cả khi nội dung lẫn cách viết của bài viết chẳng có gì hay ho.
Tuy nhiên, những ý kiến phản đối sẽ không khiến người khác phản đối bài viết. Ngược lại, những ý kiến phản đối thậm chí lại còn kích thích những người khách “thích” bài viết đó.
Nhiều người nhấn “Like” nhưng không thực sự hiểu bài viết đó nói gì. |
Đây là những kết luận được rút ra từ một nghiên cứu từ thói quen của hàng ngàn người đọc online được công bố trên tạp chí Science hôm thứ Sáu tuần qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thế giới online, một sự đồng tình ban đầu có thể tạo nên cả trào lưu đồng thuận sau đó.
Câu hỏi mà các nhà khoa học đặt ra là: Một thứ nổi tiếng bởi vì nó thực sự tốt hay nó nổi tiếng chỉ vì nó nổi tiếng?
Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã quyết định thực hiện một cuộc thí nghiệm thú vị dựa trên những comment của độc giả.
Các nhà khoa học đã sử dụng một website mà tại đó họ cung cấp liên kết tới một bài viết. Độc giả có thể comment (phản hồi) về bài viết, đồng thời cũng có thể chấm điểm cộng (nếu đồng tình) hoặc trừ (nếu phản đối) đối với các comment của các cá nhân. Việc xếp hạng các comment sẽ được tính bằng số lượng những bình chọn đồng tình trừ đi số bình chọn phản đối.
Thí nghiệm được thực hiện một cách kín đáo bằng cách thay đổi ngẫu nhiên bình chọn cho các comment trong vòng 5 tháng: Sau khi mỗi comment được tạo ra, nó sẽ được chấm điểm cộng hoặc điểm trừ một cách ngẫu nhiên. Ngoài ra, còn một nhóm comment được can thiệp để làm đối chứng.
Kết quả cho thấy, với những comment đã được chấm điểm cộng thì số những người đầu tiên đọc comment cộng thêm điểm cho nó sẽ nhiều hơn 32%. Tuy nhiên, không có bất cứ sự thay đổi nào đối với trường hợp comment được chấm điểm trừ.
Trong toàn bộ quá trình thí nghiệm, những comment được cộng điểm sẽ có điểm số cao hơn 25% so với những comment không được can thiệp cộng hay trừ điểm. Trong khi đó, những comment bị trừ điểm có thành tích không khác bao nhiêu so với những comment không bị can thiệp.
Website của các nhà khoa học cũng cho phép người dùng nói rõ nguyên nhân vì sao mình thích hay không thích một ý kiến nào đó. Kết quả, họ phát hiện ra rằng, những người bạn của một người comment dễ dàng chỉ ra những sai lầm của một ý kiến phủ nhận trong khi đó, những người có ý kiến ngược lại thường không tìm ra điều đó.
Duncan J. Watts, một nhà khoa học tại Microsoft Research nói rằng, phát hiện nói trên được gọi là “lợi thế tích lũy”. Theo đó, một thứ gì đó bắt đầu hơi nổi tiếng (tức được ưa chuộng hay đồng tình) thì nó sẽ tiếp tục phát triển dựa trên sự nổi tiếng đó cho tới khi nó bỏ xa các đối thủ. Ngược lại, một thứ gì đó ít được biết đến sẽ biến mất hoặc nó sẽ trở nên không tốt trong thế đối sánh với thứ đã nổi tiếng.
Watts dẫn chứng câu chuyện về bộ tiểu thuyết trinh thám “The Cuckoo’s Calling” được đề tên tác giả là Robert Galbraith. Ban đầu cuốn tiểu thuyết này được đánh giá tốt, song lượng sách bán ra khá èo uột. Tới khi báo chí tiết lộ rằng Robert Galbraith chính là J. K. Rowling, tác giả của bộ truyện Harry Potter nổi tiếng thì ngay lập tức “The Cuckoo’s Calling” trở thành cuốn sách bán chạy nhất.
“Chướng ngại vật lớn nhất đối với sự thành công chính là có được chú ý đến hay không chứ không phải bản thân người đó hay đồ vật đó có tốt hay không”, tiến sĩ Watts nói.
Nghiên cứu này đã đặt ra những hoài nghi về độ xác thực của những đánh giá mang tính “trí tuệ đám đông” trên các website đồng thời nó cũng gợi ý cho các nhà tiếp thị cách để làm tăng sự chú ý đối với sản phẩm của mình.
“Đây là một nghiên cứu thú vị”, Matthew O. Jackson, một giáo sư ngành kinh tế học ở Stanford nhận xét về nghiên cứu mới này. “Nó đưa ra rất nhiều câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời”.
Theo Vietnamnet