Rất nhiều người tin rằng desktop đang hấp hối. Kỷ nguyên của những vỏ máy hình hộp màu ghi tẻ nhạt đã hết, nhường chỗ cho thời kỳ của smartphone, laptop và máy tính bảng. Vấn đề duy nhất là desktop PC vẫn đang sống tốt, dù mức độ phổ biến và “hot” của nó không thể so bì với ngày xưa.
“Vài năm trở lại đây, thị phần của PC vẫn ổn định ở mức 80% laptop và 20% desktop”, hãng nghiên cứu NPD cho biết. Đúng là máy tính xách tay đã chiếm đoạt một thị phần rất lớn của desktop vào giữa thập niên 2000, song từ đó đến nay, sức tiêu thụ desktop đã định hình và ổn định trở lại.
Mặc dù vậy, giới phân tích và ngay cả các quan chức công nghệ vẫn không thể ngừng nghĩ về cái ngày mà desktop chỉ còn xuất hiện trong sách lịch sử. Dưới đây là những “sát thủ” được vạch mặt chỉ tên, góp phần đẩy desktop vào dĩ vãng.
Laptops
Reuters chính là hãng đi đầu trong việc truy điệu desktop hồi đầu năm 2009. Hãng tin này đưa tin rằng không một mẫu desktop nào lọt được vào danh sách PC và phần cứng PC bán chạy nhất của Amazon trong suốt mùa mua sắm Giáng sinh 2008. Trong khi đó, 7 mẫu laptop thống trị danh sách. Reuters gọi đây là “một dấu hiệu nữa cho thấy sự thống trị trước đây của desktop đã thoái trào” và tự hỏi, liệu “có còn chỗ đứng nào co desktop trong kỷ nguyên của laptop” hay không.
Tablet
Ngay từ khi Steve Jobs công bố iPad đời đầu vào năm 2010, nhiều trang báo và cộng đồng blog đã gọi đây là ngày tận thế của desktop. iPad là “mối đe dọa lớn nhất cho desktop mà chúng ta từng biết”, website công nghệ Neowin tuyên bố hồi tháng 10 năm đó. Những yếu tố được cho là sẽ hủy diệt desktop bao gồm thời lượng pin lâu của iPad và hầu hết người dùng sử dụng PC vào những công việc mà họ có thể làm được cực dễ dàng trên tablet, chẳng hạn như duyệt mail, vào Facebook hay xem video.
Smartphone
Bạn đã bao giờ nghe nói smartphone sẽ mở đường cho ngày tàn của desktop? Dám chắc là không dưới một lần. Trên thực tế, CNET đã dẫn lời một vị quan chức công nghệ kỳ cựu của thung lũng Silicon là Nigel Clifford rằng, desktop sẽ mất chỗ trong vòng 5 năm nữa. Clifford đưa ra lời dự đoán đó từ hơn 5 năm trước (tháng 10/2006) khi còn là CEO của hãng phần mềm Symbian. Bạn vẫn còn nhớ Symbian chứ: hệ điều hành di động của họ đã được Nokia mua lại vào năm 2008 và giờ đây, nó đã bị Nokia khai tử để toàn tâm toàn ý theo đuổi Windows Phone 7. Vậy còn desktop thì sao? Vẫn chiếm 20% thị phần.
Video Game
Tổng biên tập Olin Coles của Benchmark Reviews khẳng định video game đang giết chết điện toán desktop từ đầu năm 2011. Nhưng bên dưới tiêu đề “Video game sẽ giết chết desktop như thế nào”, Coles lại dự đoán máy tính để bàn sẽ chỉ chết từ từ, bởi vốn dĩ PC được thiết kế chuyên cho game và multimedia. Coles lập luận rằng, chỗ đứng cuối cùng của PC trong kỷ nguyên laptop và thiết bị di động chính là nền tảng game. Tuy nhiên, với sự phổ biến của máy chơi game cầm tay và game di động, PC đang dần bị thất sủng. Nhiều hãng game đã chủ động thiết kế game cho console và smartphone/tablet trước khi có phiên bản dành cho desktop.
Internet, Web, đám mây
“Ngành công nghiệp desktop đã chết. Gần như không còn sự sáng tạo nào mới”, Steve Jobs đã tuyên bố như vậy trên Wired vào năm 1996. Jobs còn nói rằng, Web chính là tương lai và những phần cứng được thiết kế chuyên để phục vụ Web mới là tương lai hậu desktop. Công bằng mà nói, lập luận của Jobs chủ yếu là Microsoft đã thống trị thị trường desktop tới mức bóp nghẹt mọi sự sáng tạo. Mặc dù vậy, câu bình luận của Jobs vẫn đại diện cho một tầm nhìn không hề thay đổi của nhiều người lúc này, rằng web và ứng dụng web mới là tương lai của điện toán.
Chromebooks: NC 2.0?
Những cỗ máy tính không cần tới bảo trì như Chromebook sẽ giết chết PC và Windows trong vòng 10 năm nữa”, chuyên gia Tim Beyers của TheMotleyFool đã tuyên bố như vậy hồi tháng Năm năm ngoái. Beyer cho rằng những cỗ máy tính dựa trên trình duyệt chính là tương lai, nhờ vào sự phổ biến của các dịch vụ trực tuyến như mạng xã hội, video streaming…, cũng như các nền tảng đám mây mà doanh nghiệp ứng dụng. Tuy nhiên, không chỉ desktop bị khai tử mà Beyer còn tin rằng, tất cả các hạng mục PC đều sẽ biến mất vào năm 2020, ít nhất là trong khối doanh nghiệp. Hiện chưa rõ Google đã bán được tổng cộng bao nhiêu Chromebook, song việc các hãng sản xuất laptop Chromebook như Samsung phải giảm giá mạnh tay mùa Giáng sinh vừa qua cho thấy, ý tưởng này chưa thể cất cánh.
(The 24h.com.vn)