Trong bài “ERP nhìn từ những thất bại ”, tôi có phân tích những lý do dẫn đến sự thất bại của một hệ thống phần mềm ERP. Có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có 2 nguyên nhân chính: Một là do nhu cầu tuỳ biến của doanh nghiệp phức tạp nên các sản phẩm ERP được cung cấp bởi một nhà cung cấp, khó đáp ứng và thường dẫn đến thất bại; Hai là phần mềm “nghèo nàn”.
Một số doanh nghiệp chọn cách tự xây dựng một hệ thống ERP riêng, để tránh sự thất bại có thể thấy trước này. Đồng thời, bằng cách này, các công ty sẽ có được những lựa chọn về công nghệ phát triển, về databases, cũng như các tool phát triển các reports,… Quan trọng hơn, họ có thể kiểm soát được tài nguyên bao gồm: Source code toàn bộ dự án, các kiến thức tích luỹ trong quá trình thực hiện dự án. Các doanh nghiệp sẽ không có được các điều này nếu họ chọn một nhà cung cấp ERP.
Tuy nhiên, có những thử thách mà chúng ta phải vượt qua nếu chọn cách tự phát triển hệ thống phần mềm ERP. Những thử thách này được chia làm 2 nhóm chính: Một là về nghiệp vụ; Hai là về kỹ thuật.
Dĩ nhiên chi phí cho dự án này cũng là một thử thách. Bởi vì nếu muốn xây dựng ERP thì cần phải đầu tư vào 2 thứ: Tiền và thời gian. Với một thời gian cho phép, cộng với một nguồn kinh phí có thể chấp nhận được, các doanh nghiệp mới tính đến việc xây dựng một hệ thống ERP. Đây cũng có thể là điều kiện kiên quyết phải có. Tôi giã sử là thử thách này chúng ta có thể vượt qua.
Làm thế nào để vượt qua các thử thách về mặt nghiệp vụ và kỹ thuật?
Chúng ta sẽ lập ra hai đội, một đội để tư vấn về nghiệp vụ, một đội chuyên về kỹ thuật để làm việc cùng nhau?
Đây là những câu hỏi lớn.
Tôi còn nhớ thời gian tôi làm việc cho một công ty Nhật, một công ty phát triển các dự án lớn về quản lý doanh nghiệp, bằng cách gia công phần mềm (outsourcing). Họ cố gắng “tài liệu hoá” từng nghiệp vụ, từng màn hình, từng cách xử lý, một cách rất chi tiết. Nhằm đảm bảo cho các developers có thể đọc, hiểu ngay và thực hiện việc sinh mã nguồn (coding) cho dự án.
Ban đầu việc đọc tài liệu và sinh mã diễn ra tương đối thuận lợi đối với các nghiệp vụ dễ, những nghiệp vụ không đòi hỏi kiến thức về qui trình nghiệp vụ cao. Nhưng các rắc rối bắt đầu khi các developer gặp các yêu cầu về nghiệp vụ tương đối cao hơn, các định nghĩa, các thuật ngữ chuyên môn lạ lẫm đối với họ. Cộng với áp lực về thời gian “giao hàng”, kết quả là xuất hiện các “kadai”[lỗi – ( bug)] trong các request của các developers càng ngày càng nhiều.
Chẳng hạn, trong tài liệu yêu cầu: “giá vốn của hàng hoá nhập vào kho phải được tính theo phương pháp FIFO”. Giá vốn, phương pháp FIFO (First In First Out) là các thuật ngữ chuyên ngành của Kế Toán, việc giải thích để hiểu một cách tường tận các khái niệm này cũng không phải dễ. Trừ phi: họ đã được học và làm quen trong một thời gian nhất định.
Do vậy, trước tiên cần có một team vừa hiểu về nghiệp vụ của ERP vừa có kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án.
Theo thegioimem