Nhà mạng sẽ phải sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới

Trước xu hướng sử dụng dịch vụ 3G tăng mạnh và nhiều dòng smartphone được tung ra với giá phù hợp và sự tấn công của các dịch vụ trên nền 3G… đang gây áp lực cho các mạng di động phải thay đổi trở thành một mạng di động thích ứng linh hoạt hơn.

Băng rộng sẽ là tương lai

Mới đây, Nielsen đã công bố kết quả khảo sát “Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2012”. Theo đại diện của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ truy cập Internet rất cao. Một phần là do có dân số trẻ hơn.

Đối với người trẻ, họ cập nhật hơn tới các xu hướng mới, tiếp cận với loại hình giao tiếp trực tuyến, và cũng thúc đẩy loại hình giao tiếp này phát triển.

Nhà mạng sẽ phải sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới

 

Trong số 58% người Việt Nam thường xuyên sử dụng Internet thì có tới 97% dùng hàng tuần và họ dùng trung bình 16 giờ/tuần, tức là có những người hầu như lúc nào cũng đang online.

Do đó, trong tương lai Mobile Internet rất quan trọng vì với các thiết bị nhỏ gọn như smartphone cho phép họ có thể truy cập Internet mọi lúc, mọi nơi.

Trong khi đó, giá của smartphone ngày càng rẻ, ngày càng phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Nên ngày càng nhiều người dùng Việt lựa chọn sản phẩm này truy cập Internet qua mạng 3G.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Nielsen tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, số người dùng sử dụng 3G trong năm 2012 tăng gần gấp 5 lần so với năm 2011, và tần suất người dùng truy cập mạng ngày càng thường xuyên hơn.

Cần thay đổi mô hình kinh doanh

Nielsen  cho rằng, không chỉ số lượng người dùng 3G tăng lên mà nhu cầu trải nghiệm dịch vụ của người dùng cũng đòi hỏi khắt khe và cao hơn.

Nếu như trước đây họ chỉ yêu cầu các trang wap (dạng text) để tiết kiệm băng thông thì nay cần một trang web có đủ cả ảnh, và thậm chí cả video. Mặt khác, cùng với xu thế phát triển chung trên thế giới và đáp ứng nhu cầu của người dùng trên mạng 3G, các dịch vụ giá trị gia tăng ngày càng bùng nổ mạnh mẽ.

Bình luận về vấn đề này, một số đại biểu tham dự cho rằng, khách hàng cần được trải nghiệm và được cung cấp gói cước linh hoạt, rẻ và phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng 3G. Khách hàng càng ngày càng quan tâm tới dịch vụ tốt hơn cho dù có thể phải trả thêm tiền.

Hiện một số quốc gia đã đưa ra gói cước miễn phí cuộc gọi. Đây là xu hướng mà các nhà mạng Việt Nam cần tính tới. Vì doanh thu sẽ đến từ data chứ không phải là thoại và trong vài năm tới, Việt Nam cũng đi theo xu hướng đó.

Ngoài ra, xây dựng mô hình giá chính là chìa khóa thành công cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Chẳng hạn như ở Hồng Kông, họ cho thêm khách hàng những phút gọi điện miễn phí trong các gói cước 3G.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của 3G trên thế giới. Trong 5 năm tới, data dần dần vượt lên thay thế các dịch vụ thoại, data sẽ vượt thoại cả về doanh thu và lưu lượng.

Lúc đó các dịch vụ data mới là dịch vụ chính và là nguồn thu chính của các các doanh nghiệp chứ không phải dịch vụ thoại. Vì vậy, Bộ TT&TT  khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đưa ra các gói cước đa dạng phù hợp với các đối tượng người dùng khác nhau trong xã hội.

Nhà mạng chuyển hướng chiến lược

Trước xu hướng sử dụng dịch vụ 3G, smartphone tăng nhanh và áp lực về công nghệ đã khiến các mạng phải chuyển hướng chiến lược. Nhân sự kiện Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, MobiFone chính thức đưa ra thông điệp chủ đạo “Kết nối tương lai” để thích ứng nhanh với sự phát triển của xu hướng thị trường và công nghệ.

Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước – Tiếp thị của MobiFone cho biết, sở dĩ MobiFone đưa ra thông điệp này vì hiện nay, các tính năng di động cơ bản như gọi nghe hay nhắn tin đều được các nhà mạng cung cấp rất tốt.

Thêm vào đó, sự phát triển của các loại hình điện thoại thông minh, sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng đòi hỏi các tiện ích ưu việt hơn từ dịch vụ di động để điện thoại trở thành công cụ phục vụ cho cuộc sống và công việc một cách hữu ích và tiện lợi và hiệu quả hơn.

Vì vậy, MobiFone cần tìm ra điểm khác biệt cho chính thương hiệu của mình. “Kết nối tương lai” thể hiện là thương hiệu nắm bắt xu hướng phát triển của xã hội, không ngừng nghiên cứu tìm tòi và ứng dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, đồng hành cùng khách hàng trên con đường phát triển.

Giới phân tích cho rằng, “Kết nối tương lai” là thông điệp mang tính chiến lược cho MobiFone trong một xã hội kết nối băng rộng.

Tuy nhiên, đường đi để hiện thực hóa chiến lược này vẫn đầy thách thức. Chính thách thức sẽ lại tạo cơ hội cho nhà mạng nào có chiến lược đúng và có khát vọng vươn lên giành được lợi thế trong môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt hiện nay.

Theo Nss