Đó là khẳng định của các nhà mạng khi nói về tỷ lệ ăn chia hiện nay tại Hội thảo kết nối Internet và kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội.
Trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung có đầu số (CSP) gặp khá nhiều bất lợi như phụ thuộc nhiều vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp di động (Telco), không được tự quyết định giá cước dịch vụ nên không có cơ hội để đưa ra dịch vụ có nội dung chất lượng cao.
CSP cung cấp dịch vụ không thu cước trực tiếp từ khách hàng mà phải thông qua Telco dẫn đến việc nếu doanh nghiệp di động không thu được cước thì các CSP cũng không được trả cước, trong khi họ phải chịu chi phí nội dung…Hoặc quy định mức sàn doanh thu mà CSP phải đạt được trong 1 tháng đã làm cho các đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, những thông tin của nhà mạng về vấn đề này lại có phần trái ngược với báo cáo của các CSP. Cụ thể, theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng kinh doanh Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho rằng, đa số mọi người vẫn nhìn bức tranh phiến diện mối quan hệ một chiều giữa Telco và CSP. Thực tế các CSP không hề “ốm” như mọi người vẫn nghĩ, Viettel đứng chân cả 2 lĩnh vực hạ tầng và nội dung số nên hiểu rất rõ vấn đề này…
Doanh nghiệp nội dung số không hề… “ốm”
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, thị trường nội dung viễn thông Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh thể hiện qua con số doanh thu, lợi nhuận và số lượng các CSP ở Việt Nam (theo thống kê của Bộ TT-TT, Việt Nam hiện có hơn 400 CSP). Do đó, nếu quy định kết nối giữa Telco và CSP, thị trường nội dung ở Việt Nam sẽ không thể phát triển mạnh như hiện nay, nhất là các dịch vụ mới do thời gian đàm phán lâu.
Nhìn sang các nước Viettel trực tiếp đầu tư hạ tầng, Lào và Campuchia do dịch vụ nội dung số kém Việt Nam nên rất nhiều CSP có kế hoạch cùng Viettel kinh doanh. Trong khi với Peru, đất nước có GDP đầu người gấp 5 lần Việt Nam thì dịch vụ nội dung số cũng không phát triển mạnh nếu như so với nước ta. Thế nhưng điều đáng nói là dịch vụ nội dung số tại Việt Nam đang phát triển không theo quy hoạch.
Cụ thể, 90% dịch vụ nội dung liên quan đến cá cược bóng đá và kết quả xổ số. Nhưng 90% CSP đều không có bản quyền từ các công ty xổ số hay công ty sở hữu bản quyền kết quả bóng đá… Vì thế, Viettel ủng hộ việc thu phí theo nội dung để đảm bảo quyền lợi khách hàng thay vì thu phí theo đầu số như hiện nay.
Giá cước cài tin nhắn kết quả bóng đá, xổ số, cài đặt dịch vụ (GPRS hay 3G) các CSP thu của khách hàng tới 15.000 đồng là bất hợp lý. Viettel đã cấm tất cả các CSP liên kết với mình làm việc này, mức thu tối đa những dịch vụ này sẽ không quá 3.000 đồng.
Cũng liên quan đến vấn đề nội dung, hiện Viettel sẵn sàng chia cho CSP lên đến 70-80% nhưng cũng có dịch vụ chỉ được chia khoảng 30%. Lí do tùy thuộc dịch vụ và chất lượng sẽ dẫn tới tỷ lệ ăn chia. Bởi thực tế có nhiều dịch vụ như game online hay kho tải App Store, các CSP đang hưởng tất không phải chia cho các nhà mạng như mọi người nghĩ.
Nói về giải pháp cần có các cổng kết nối dịch vụ nội dung số thay vì kiểu hợp tác bất đối xứng như hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty VMG phân tích: “Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển như Nhật Bản. Nước này phân chia rõ ràng vai trò của CSP với doanh nghiệp hạ tầng. CSP lo phụ trách nội dung, nhà mạng lo hạ tầng. Tỷ lệ ăn chia do hợp đồng quy định thay vì nói ai thiệt, ai lợi như ta hiện nay.”
Câu chuyện bị ở “chiếu dưới” của CSP nói rằng việc quyết định tỷ lệ ăn chia vẫn do nhà mạng “cầm đằng chuôi” thực tế là câu chuyện dài kỳ chưa có điểm kết. Bởi theo ông Dũng, phía nào cũng phải bảo vệ quyền lợi của mình nhưng thuê bao di động do nhà mạng quản lý nên Viettel sẽ phải bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đó mới là phương châm làm ăn lâu dài…, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài bàn về giá cước, tỷ lệ ăn chia thì vấn đề đầu số dịch vụ nội dung, xây dựng cổng kết nối dịch vụ nội dung số… cũng là những vấn đề nóng được bàn thảo. Được biết, Bộ TT-TT đang lắng nghe ý kiến từ chính các doanh nghiệp để xây dựng Dự thảo quản lý vấn đề này trên cơ sở tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn, trên cơ sở cân bằng hài hòa lợi ích giữa các bên và sự phát triển chung của ngành viễn thông, cũng như công nghiệp nội dung số…
Theo Genk