Bước sang năm 2014, nhiều chuyên gia công nghệ và các hãng nghiên cứu thị trường cho rằng xu hướng tiêu dùng thay đổi và nhu cầu đầu tư cho CNTT tiếp tục tăng sẽ là lực đẩy giúp ngành CNTT tăng trưởng trong năm tới.
Ông Hà Ngọc Khương, Chuyên viên phân tích của IDC Việt Nam, cho rằng; IDC nhận thấy nền kinh tế truyền thống của Việt Nam đang chuyển sang một mô hình mới với nhiều giải pháp công nghệ và doanh nghiệp phải nâng cao vai trò của công nghệ nhằm phục vụ những lợi ích của mình. Đây chính là động lực giúp thị trường CNTT vẫn có mức tăng trưởng ở hai con số,” ông Khương nói.
Cụ thể, IDC dự báo chi tiêu CNTT-TT ở Việt Nam sẽ tăng với tỉ lệ 15,5% trong năm nay sau khi tăng nhẹ 8,4% trong năm 2013. Tổng thị trường CNTT-TT Việt Nam kỳ vọng đạt 13,05 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014.
Cùng quan điểm với IDC, các nhà bán lẻ và sản xuất hàng công nghệ cũng cho rằng năm 2014 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn do kinh tế chưa thực sự ấm lên nhưng hoạt động mua sắm hàng công nghệ sẽ có sự tăng trưởng nhất định do thói quen người tiêu dùng thay đổi.
Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành hãng điện thoại MobiiStar, cho rằng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất điện thoại là sức mua của người dân ngày càng giảm sút làm cho doanh thu của các hãng không như kỳ vọng. Thêm vào đó, sự cạnh tranh trên thị trường điện thoại thời gian qua rất khắc nghiệt.
“Tuy nhiên, dấu hiệu đáng mừng với ngành điện thoại là xu hướng người tiêu dùng chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này sẽ là động lực thúc đẩy ngành điện thoại phát triển đi lên vào năm tới. Vì vậy, nhà sản xuất nào có sự chuẩn bị tốt về sản phẩm trong năm tới thì mới có cơ may tồn tại,” ông Kha nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc của Thegioididong.com, nhận định rằng năm tới thị trường bán lẻ hàng công nghệ vẫn hết sức khó khăn và thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi. Họ quan tâm đến chất lượng dịch vụ khách hàng và chính sách giá cả nhiều hơn. Để duy trì được lượng khách hàng thì các nhà bán lẻ phải chạy đua nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và hậu mãi.
“Khó khăn nhưng không có nghĩa là không có cơ hội tăng trưởng. Tôi cho rằng những khu vực vùng nông thôn và vùng xa sẽ là nơi mang lại sự tăng trưởng này bởi người tiêu dùng ở đây bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm điện thoại. Chính vì vậy, năm tới chúng tôi sẽ thử nghiệm mô hình bán lẻ mới tại khu vực này nhằm tăng doanh thu và mở rộng quy mô,” ông Tài nói.
Theo các chuyên gia công nghệ, khi bán lẻ hàng công nghệ theo mô hình truyền thống tiếp tục khó khăn thì thương mại điện tử sẽ lên ngôi vào năm 2014 với tốc độ tăng trưởng chóng mặt bởi người dùng có xu hướng lên mạng mua hàng nhiều hơn.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hồ Quang Khánh, Giám đốc điều hành của Nhommua và Cungmua – trang web thương mại điện tử (TMĐT) theo mô hình mua theo nhóm (Groupon), nói rằng thị trường TMĐT Việt Nam sẽ còn tăng mạnh và nhanh trong các năm tới.
Theo ông Khánh, các doanh nghiệp TMĐT sẽ cạnh tranh khốc liệt và có nhiều bước dẫm chân chéo lên nhau. Cụ thể, công ty làm C2C (giao dịch thương mại trên Internet giữa những người tiêu dùng với nhau) sẽ chuyển sang làm B2C (giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng); B2C chuyên sang làm C2C; mua theo nhóm chuyển qua làm B2C, C2C và B2C nhảy sang làm mua theo nhóm….
“Các mô hình này bổ trợ cho nhau khá tốt và dưới áp lực tăng trưởng nhanh trong một thị trường còn tương đối nhỏ, các doanh nghiệp TMĐT sẽ khó cưỡng lại cám dỗ của việc tham gia nhiều mô hình, nhiều cuộc chơi để giành sự tăng trưởng cho mình vào năm tới,” ông Khánh nói.
Hồi giữa tháng 10 năm ngoái, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA- Bộ Công thương) công bố rằng Việt Nam có khoảng 34 triệu người truy cập Internet, chiếm khoảng 36% tổng số dân (khoảng 90 triệu người). Đáng chú ý là khoảng 57% số người truy cập Internet này đã tham gia mua sắm online. Ước tính quy mô của thị trường TMĐT Việt Nam đạt 3 tỉ đô la vào năm nay.
Theo Thesaigontime