Số phận của bên nhượng quyền và người mua quyền thương mại luôn đan xen với nhau, điều quan trọng là phải biết đối phó như thế nào với khó khăn nảy sinh từ phía chủ thương hiệu. Một trong những vấn đề đó là việc thay đổi quyền sở hữu công ty đã đem đến những hệ luỵ không tốt cho bên nhận nhượng quyền.
Việc thay đổi quyền sở hữu của bên nhượng quyền có thể là tốt hoặc xấu đối với người mua quyền kinh doanh. Chủ nhân mới có thể bổ sung nguồn lực, mang đến thêm nhiều khách hàng hoặc hỗ trợ mạnh về tài chính cho người mua quyền kinh doanh.
Nhưng, chủ nhân mới cũng có thể tăng các khoản phí nhượng quyền hoặc tăng giá vật tư hay sản phẩm cung cấp để bù đắp tài chính cho thương vụ mua lại quyền sở hữu hệ thống này. Ngoài ra, có thể ban quản lý mới thiếu kinh nghiệm và thực hiện nhiều quyết định sai lầm.
Việc thay đổi ban quản lý có thể rất tai hại, đặc biệt khi phòng điều hành có sự thay đổi về nhân sự. Có những trường hợp chủ nhân cũ “phải hết sức tập trung vào công việc bán công ty” bất chấp những xáo trộn sẽ xảy ra.
Có một số trường hợp, sau khi chứng kiến các chủ nhân của hệ thống nhượng quyền thực hiện cổ phần hóa, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân, những người mua quyền thương mại đã thành lập tổ chức những người mua quyền kinh doanh độc lập để tự bảo vệ. Cuối cùng, do thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của những nhóm chủ sở hữu mới, nhiều người mua quyền thương mại đã không trả tiền phí bản quyền, tháo bỏ logo và bắt đầu kinh doanh độc lập.
Người mua quyền kinh doanh có thể làm gì, nếu có, để tránh những khó khăn tiềm ẩn của việc thay đổi quyền sở hữu? Có người nói rằng: “Nếu được quay ngược lại thời gian đàm phán trước đây, tôi muốn đưa vào hợp đồng nhượng quyền điều khoản là, nếu công ty bị bán hoặc thay đổi chủ sở hữu, tôi có quyền lựa chọn việc chấm dứt hợp đồng”.
Theo quan điểm pháp lý, bạn hầu như không thể làm gì để ngăn cản bên nhượng quyền bán công ty của họ, do vậy khi điều tra một công ty nhượng quyền, bạn nên xem xét tuổi tác và mục tiêu của các chủ nhân của công ty đó.
Ngoài ra, nên tìm hiểu xem họ có tận tâm với ngành kinh doanh này không; điều này sẽ cho bạn biết một số dấu hiệu liệu có sự thay đổi nào sắp xảy ra ở công ty này hay không. Tất nhiên sẽ không có sự bảo đảm chắc chắn nào ở đây cả, do vậy vấn đề thay đổi chủ sở hữu vẫn còn là một trong số các nhân tố rủi ro khi bạn mua quyền kinh doanh.
Hãy tìm hiểu niềm đam mê, cái tâm thật sự của người chủ thương hiệu để giảm bớt rủi ro.
Theo DNSG