Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bức thư hé lộ điều không ngờ

Trước khi vụ án bị phanh phui, Vũ Huy Phong từng gửi thư cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty Trung Nguyên thừa nhận hành vi phạm tội.

Ngày 24/8, TAND TP Hà Nội đưa vụ án “rút ruột” hàng chục tỷ đồng xảy ra tại công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên ra xét xử.

Theo cáo trạng, để bán hàng, công ty Trung Nguyên tổ chức thành 2 kênh phân phối gồm đại lý và siêu thị, cửa hàng có sức phân phối lớn.

Các nhà phân phối nếu muốn mua được hàng phải nộp tiền trước tương ứng với số hàng định mua. Bộ phận kế toán của chi nhánh sau khi nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản sẽ làm phiếu chuyển xuống kho để xuất hàng theo số lượng và chủng loại được ghi.


Với hệ thống các siêu thị, công ty Trung Nguyên cho phép lấy hàng trước và được trả chậm trong vòng từ 45- 60 ngày. Mỗi khi siêu thị cần lấy hàng, chỉ cần fax trước số lượng và chủng loại, bộ phận kế toán sẽ làm phiếu xuất kho.

Khoảng giữa năm 2012, qua kiểm kê tại chi nhánh công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên tại Hà Nội, Trung Nguyên phát hiện thiếu hụt hàng hóa với giá trị hơn 51,8 tỷ đồng, nên đã có đơn gửi Công an Hà Nội tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân.

Nhận được đơn trình báo, cơ quan điều tra đã vào cuộc và làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Vũ Huy Phong (SN 1970, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội), là GĐ chi nhánh Hà Nội – công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mọi hoạt động ở Hà Nội.

Phong đã lợi dụng chức vụ, bán hàng ngàn thùng cà phê để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của công ty này.

Trong vụ án này, có 2 đối tượng giúp sức cho Phong là Đặng Vũ Kiên (SN 1982, quản lý kho) và Nguyễn Hồng Phong (SN 1977, Trưởng phòng bán hàng, chi nhánh Hà Nội).

Bức thư gửi ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Trước khi vụ án bị phanh phui, Vũ Huy Phong từng gửi thư cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty Trung Nguyên thừa nhận hành vi phạm tội.

Bức thư của bị cáo Phong được CQĐT đánh giá là một trong những căn cứ xác định Phong đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của mình để chỉ đạo cấp dưới xuất hàng hóa không có hóa đơn chứng từ cho nhà nhân phối với số lượng cà phê tương ứng với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Để tránh bị phát hiện, Phong chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo không căn cứ vào số lượng hàng thực tế trong kho, mà căn cứ số lượng hàng nhập vào, bán ra theo sổ sách kế toán.

Số tiền thu được từ nhà phân phối, Huy sử dụng cá nhân, không hoàn trả lại cho công ty.

Bị cáo Kiên bị xác định là đồng phạm giúp sức cho Phong chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng của công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Ngoài ra, Kiên cũng xuất số hàng trị giá hơn 20 tỷ đồng.

Kiên không chứng minh được đã xuất hàng cho ai, kho hàng không bị mất trộm, do vậy bị cáo này phải chịu trách nhiệm về số hàng hóa bị chiếm đoạt là hơn 20 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Hồng Phong bị xác định đã chiếm đoạt của công ty Trung Nguyên hơn 7 tỷ đồng, đã khắc phục trả lại cho công ty hơn 1,6 tỷ.

Từ năm 2015 đến nay, vụ án đã nhiều lần được đưa ra xét xử, nhưng sau đó tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ thêm những tình tiết có trong vụ án.

Chiều tối cùng ngày, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Vũ Phong 15 năm tù; Kiên 8 năm và Hồng Phong 9 năm tù.

T.Nhung