Các “ông trùm” công nghệ hiện nay – những nhân vật quyền lực và giàu có nhất đang điều hành các công ty máy tính và Internet lớn nhất thế giới – có gì khác so với những “ông trùm” tư bản trong quá khứ?
“Ông trùm” công nghệ – Những người nắm trong tay tiền bạc và quyền lực
Một sự thật thú vị là 10 người trong danh sách 100 tỷ phú giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes (Mỹ) đưa ra đều kiếm tiền từ công nghệ máy tính và mạng Internet. Đứng đầu các nhà lãnh đạo công nghệ và đứng thứ hai trong danh sách là Bill Gates, đồng sáng lập của Microsoft. Mặc dù Bill Gates rất nhiệt tình với các hoạt động từ thiện nhưng khối tài sản ròng của ông vẫn được ước tính lên tới 61 tỷ USD. Theo sau Bill Gates là Larry Ellison, ông chủ Oracle với 36 tỷ USD, Michael Bloomberg với 22 tỷ USD. Larry Page và Sergey Brin – 2 nhà đồng sáng lập Google – cùng đứng vị trí 24 với 18,7 tỷ USD mỗi người. Jeff Bezos của Amazon đứng vị trí 26 với 18,4 tỷ USD, trong khi tỷ phú mới xuất hiện Mark Zuckerberg của Facebook đứng thứ 35 với 17,5 tỷ USD. Michael Dell, nhà sáng lập hãng máy tính nổi tiếng đứng thứ 41 với 15,9 tỷ USD trong khi Steve Ballmer,CEO của Microsoft đứng thứ 44 với 15,7 tỷ USD và Paul Allen – nhà đồng sáng lập Microsoft đứng thứ 48 với 14,2 tỷ USD.
Điều đáng chú ý nhất không phải mức độ giàu có đến kinh ngạc của những người này mà là họ đã giàu lên với tốc độ chóng mặt. Ví dụ, Mark Zuckerberg đi từ hai bàn tay trắng đến sở hữu 17,5 tỷ USD trong chưa tới 8 năm. Microsoft – công ty đưa Bill Gates, Ballmer và Allen vào danh sách của Forbes – được thành lập năm 1975. Oracle được sáng lập vào năm 1977. Michael Dell bắt đầu chế tạo máy tính trong phòng ký túc xá đại học vào năm 1984. Bezos thành lập Amazon với năm 1995. Brin và Page biến nghiên cứu tiến sĩ của mình thành công ty có tên Google vào năm 1998.
Đối với những người này, tài sản lớn đi đôi với quyền lực mạnh. Khi Microsoft chiếm lĩnh thị trường hệ điều hành PC và phần mềm văn phòng, Bill Gates và công ty của ông đã tận dụng sự độc quyền của họ để loại bỏ các đối thủ và quyết định giá cả. Trong kỷ nguyên mà “máy tính” luôn có nghĩa là máy tính để bàn, Bill Gates là Vua vì công ty của ông kiểm soát phần mềm chạy trên đó.
Khi mạng Internet lên ngôi, sức mạnh lớn dần chuyển sang cho các công ty và cá nhân thống trị lĩnh vực mạng. Nổi bật nhất là các nhà sáng lập Google. Họ có thể làm cho bất kỳ website nào trở nên “vô hình” với người dùng Google bằng những thuật tìm kiếm. Máy chủ của Google cũng có thể đọc mail và lưu trữ tài liệu của bạn. Ngoài ra, Google còn thống trị lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Các nhà sáng lập Google tuyên bố sứ mệnh của họ là “tổ chức lại thông tin của thế giới” – và đúng là họ đã làm như vậy. Họ tiến hành số hóa một lượng lớn sách in trên thế giới, chụp lại hình ảnh về mọi góc phố ở các nước công nghiệp..
Ở một phần khác của vương quốc công nghệ, Amazon không chỉ làm “bốc hơi” các cửa hàng bán sách truyền thống mà còn có tham vọng trở thành nhà xuất bản và hãng bán lẻ lớn nhất thế giới. Ở lĩnh vực mạng xã hội, Mark Zuckerberg đã khéo léo len lỏi vào mọi liên lạc trực tuyến được truyền đi bởi 900 triệu thành viên Facebook.
Các “ông trùm” đều xây dựng đế chế
Trong những chiếc áo cao cổ đen và quần Jean bạc màu, các “ông trùm” công nghệ hiện đại không có vẻ ngoài giống với những ông chủ tư bản có khuôn mặt lạnh lùng sát khí và ăn mặc bóng bẩy hồi thế kỷ 19. Tuy nhiên, giữa họ vẫn có những điểm giống nhau mà sự so sánh sâu sắc dưới đây sẽ chỉ ra.
Điểm giống nhau lớn nhất là họ đều tiên phong trong việc khai thác những lãnh thổ chưa có người thống trị và tạo ra các sự kiện có tính lịch sử.
Giữa thập niên 1990, khi cuộc cách mạng web đưa Internet phổ biến tới cộng đồng, nhiều nhà quan sát nói rằng mọi việc rất giống những gì xảy ra tại Mỹ sau khi nội chiến kết thúc vào năm 1865. Khi đó, vàng và tài nguyên khoáng sản được khám phá và khai thác, các ngành công nghiệp được thành lập, bùng nổ đầu tư và đầu cơ. Một nhóm nhỏ các doanh nhân khôn ngoan, tàn nhẫn và có tầm nhìn tạo ra một nền công nghiệp hiện đại. Các nhà tư bản tích lũy khoản tài sản khổng lồ cho bản thân, sử dụng một loạt những thủ thuật mờ ám bao gồm gian lận, pha loãng cổ phiếu (stock dilution), hối lộ các chính trị gia tham nhũng và bóc lột tàn nhẫn người dân nghèo không có công đoàn bảo vệ.
Mặc dù các “ông trùm” công nghệ hiện nay không bóc lột người nghèo. Họ thường xuất hiện trong các bài phỏng vấn thảo luận về máy tính, điện toán đám mây hoặc được mời ăn tối với Tổng thống Obama, được mời tới các hội nghị thượng đỉnh chính trị. Nhưng suy cho cùng, họ vẫn là những nhà tư bản đầy tham vọng cạnh tranh và tiền bạc. Họ có thể trông rất thân thiện, gần gũi nhưng thực chất vẫn hoạt động trong các ngành kinh doanh không chỉ để kiếm tiền mà còn nhằm tạo ra các đế chế thương mại độc quyền và bành trướng. Họ sẽ làm mọi việc để đạt được những tham vọng đó.
So với thế lực tư bản cũ, những “ông trùm” công nghệ đương đại – như Bill Gates, Larry Page và nhiều người khác – có vẻ “hiền lành” hơn. Ví dụ, họ có vẻ tuân thủ luật pháp hơn so với các nhà tư bản của thế kỷ 19. Tuy nhiên, cần nhớ rằng thế giới mà Microsoft, Oracle, Google và Amazon đang hoạt động cực kỳ khác so với thế kỷ 19. Trước đây, các nhà tư bản chủ yếu chỉ hoạt động trong lãnh thổ một quốc gia, còn các công ty công nghệ lớn ngày nay là các tập đoàn xuyên quốc gia, họ phải làm việc với nhiều nền văn hóa khác nhau và khu vực pháp lý khác nhau. Ví dụ, Larry Page, CEO của Google phải đối phó không chỉ với Bộ Tư pháp Mỹ, mà còn với Ủy ban Châu Âu, chính phủ Trung Quốc và cả nhân dân Nga…
Các công ty công nghệ hiện nay không khai thác khoáng chất, không xây dựng các nhà máy lọc dầu như giới tư bản cũ nhưng thực chất họ cũng đang xây dựng các đế chế. Trong khi chúng ta không nhìn thấy hàng hóa thông tin mà Google và các công ty khác thu thập, lưu trữ, phổ biến và kiểm soát, không có nghĩa là những hàng hóa đó không có thật và không có giá trị. Ví dụ, không gian ảo mà Facebook kiểm soát sẽ sớm có nhiều “cư dân” hơn tiểu lục địa Ấn Độ. Số lượng người dùng khổng lồ này và những thông tin lưu hành trong mạng xã hội sẽ đem lại cho Mark Zuckerberg quyền lực mà nhiều “ông trùm” khác phải ghen tị.
Ai còn được nhớ và ai sẽ bị lãng quên?
Nhưng có lẽ câu hỏi thú vị nhất về hai thế hệ trùm công nghiệp là về di sản mà họ để lại. Các ngành công nghiệp và doanh nghiệp được thành lập bởi các nhà tư bản thế kỷ 19 vẫn còn tồn tại – mặc dù trong một số trường hợp, hoạt động của họ chuyển sang châu Á hoặc các khu vực đang phát triển khác. Liệu một thế kỷ nữa, Google, Facebook, Oracle và Amazon có còn tồn tại? Những nhà sáng lập các công ty này sẽ để lại được gì? Đối với các “ông trùm” của thế kỷ 19, nhiều năm sau khi họ chết, chúng ta vẫn còn nhớ đến tên tuổi của họ như John D Rockefeller – “Vua dầu lửa” và Andrew Carnegie – “Vua sắt thép”. Liệu những người như Mark Zuckerberg và Larry Page có còn được nhớ đến bởi thế hệ cháu chắt chúng ta?
Câu trả lời có thể không phụ thuộc vào số tiền họ kiếm được, mà phụ thuộc vào những gì họ cho đi. Sau cùng, tên tuổi những nhà tư bản của thế kỷ 19 còn tồn tại luôn gắn liền các tổ chức từ thiện mà họ sáng lập. Ví dụ như quỹ Rockefeller Foundation thành lập năm 1913 và quỹ Carnegie Corporation of New York thành lập năm 1911. Hiện nay, chúng ta ít nhất đã có một “ông trùm” đương đại đang đi theo con đường đó. Bill Gates và quỹ Melinda Gates Foundation có tài sản 37,4 tỷ USD, là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới.
Bạn sẽ thấy được sức mạnh ảo có ý nghĩa thế nào trong thế giới thực khi nhìn vào sáng tạo của Apple và Steve Jobs đang thống trị thị trường nhạc trực tuyến, smartphone và máy tính bảng; Google và Facebook biết mọi thông tin về đời sống của bạn, rằng bạn thích gì, ghét gì; Amazon rất am tường về thói quen và sử thích mua sắm của khách hàng…
Theo ICT news