Quản trị nội bộ: Hai mấu chốt của vấn đề

Việc xây dựng hệ thống quản trị nội bộ nên bắt đầu khi nào, làm như thế nào, và bắt đầu ở khâu nào là những vấn đề được các CEO – đến từ những tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam – đưa ra “mổ xẻ” tại buổi tọa đàm “Quản trị nội bộ” do CLB Doanh nhân Sài Gòn phối hợp cùng Đại học RMIT tổ chức hôm 8/6.

 

Các diễn giả tại hội thảo (từ trái qua): Ông Phạm Thái Lai – Tổng giám đốc Công ty TNHH Siemens Việt Nam, ông Trí Phạm – Tổng giám đốc Deutsche Bank Việt Nam, ông Johan Nyvene – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC, ông Philip Phước Đào – Tổng giám đốc Công ty Johnson & Johnson Việt Nam – Ảnh: Công Toại

Từ khung hệ thống…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Siemens Việt Nam cho biết, mô hình quản trị nội bộ ở mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia có những điểm khác biệt tùy thuộc vào ngành nghề, nhưng đôi khi cũng phụ thuộc vào công ty mẹ (đối với các tập đoàn đa quốc gia).

“Ở Đức, chúng tôi áp dụng theo mô hình châu Âu gồm hai bộ phận: Cố vấn và hành pháp. Theo đó, bộ phận cố vấn gồm những đại diện cho cổ đông và nhân viên, có nhiệm vụ theo dõi hoặc cố vấn mua lại các doanh nghiệp hay đầu tư tại các quốc gia khác; trong khi bộ phận hành pháp sẽ chịu trách nhiệm quyết định về tài chính, tính trách nhiệm. Cụ thể, lãnh đạo là người duy nhất chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc giải trình, tuyệt nhiên không được ủy quyền trách nhiệm cho người khác. Tuy nhiên, vấn đề điều hành ở các tập đoàn đa quốc gia mang tính toàn cầu, nên người điều hành ở một quốc gia nào đó cũng không thể có tiếng nói vào dự án được đầu tư ngay trên đất nước mình đang chịu trách nhiệm, mà phải phụ thuộc vào công ty mẹ. Vì thế, có thể nói, điều quan trọng trong quản trị nội bộ là một khung mẫu”, ông Lai nhấn mạnh.

Theo ông Lai, hiện tại thị trường có khá nhiều phần mềm quản trị doanh nghiệp dành cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Song, với quan điểm của một nhà điều hành, ông cho rằng, việc áp dụng các phần mềm quản trị doanh nghiệp cũng cần nhưng không quan trọng bằng việc doanh nghiệp phải thiết lập được một khung hệ thống quản lý bài bản, và điều cần chú ý trong việc đầu tư cho quản trị nội bộ là tính hiệu quả chứ không phải là chi phí cao hay thấp.

Các khách mời trao đổi bên lề hội thảo – Ảnh: Công Toại

Ông Lai tiết lộ thêm, dù hệ thống văn phòng Siemens đã có mặt hơn 100 quốc gia trên thế giới, tập đoàn cũng mới xây dựng hệ thống một cách bài bản khoảng 8 năm nay, do đó, các doanh nghiệp không có lý do ngại bắt tay xây dựng hệ thống quản trị nội bộ.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng giám đốc Công ty Johnson & Johnson Việt Nam, ông Philip Phước Đào cho biết, Johnson & Johnson cũng áp dụng biện pháp phân quyền để người điều hành ở từng địa phương được thuận tiện hơn, tuy nhiên tập đoàn cũng có hệ thống giám sát điều hành để quyền đó không bị lạm dụng.

…Đến con người

Ngoài những yếu tố công nghệ, quy trình thì vấn đề con người được các CEO xác định là yếu tố then chốt, bởi cách hành xử rất quan trọng, mà điều này tùy thuộc vào sự nhận biết vấn đề của mỗi cá nhân.

Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC, Việt Nam có phần may mắn do đi sau nên đã có sẵn nền tảng, bây giờ chỉ cần học hỏi để cạnh tranh. Nếu như trước đây là cạnh tranh về hàng hóa, giá cả, quảng cáo, khuyến mãi…, thì nay đã đến lúc cạnh tranh bằng quản trị doanh nghiệp.

Ông Johan Nyvene viện dẫn, 10 năm qua, hơn 100 doanh nghiệp chứng khoán được hình thành, đến nay 70 công ty lỗ, trong đó khoảng 50 công ty chết lâm sàng. Trong sự hỗn loạn như vậy, làm sao để có sự khác biệt – chính là quản trị nội bộ doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các công ty gia đình, các CEO cho rằng, trong những tổ chức này, các ông chủ thường có quan niệm “đây là tiền của tôi, tôi muốn làm gì thì làm”. Điều này cần được thay đổi.

“Thay đổi trước tiên là công việc của nhà lãnh đạo. Đào tạo và xây dựng được một nền tảng vững chắc thì sẽ có khả năng phát triển tốt hơn”, ông Philip Phước Đào nói.

Còn theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, quản trị nội bộ doanh nghiệp giống như quản lý một đội quân, vai trò của lãnh đạo cực kỳ quan trọng, khó khăn càng nhiều thì cơ hội sẽ càng lớn, và đây cũng là lúc nhà điều hành cần phải đưa ra những nguyên tắc không thể thay đổi.

Theo DNSG