Đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) khẩn cấp, người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định có thực hiện dự án theo quy trình khẩn cấp hay không, đồng thời quyết định trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế, thi công phù hợp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, đáp ứng kịp thời tình trạng khẩn cấp, tránh được các rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thông tin trên được nêu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Thông tin truyền thông chủ trì xây dựng.
Bộ Thông tin và truyền thông cho biết: Nghị định số 102/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cùng các văn bản hướng dẫn sau khi được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đi vào nề nếp, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, văn bản này vẫn còn một số hạn chế như: phạm vi điều chỉnh chưa bao trùm hết các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước; một số nội dung chưa được quy định trong Nghị định hoặc có quy định chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực hiện; một số quy định chưa thực sự phù hợp với đặc thù công nghệ thông tin,…
Do vậy, xây dựng Nghị định mới để giải quyết những bất cập nêu trên là hết sức cần thiết. Theo đó, trong văn bản dự thảo Bộ đã đề xuất bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục đầu tư cũng được đề xuất điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là, đối với quản lý phần ứng dụng công nghệ thông tin trong dự án hỗn hợp, quy định hiện hành yêu cầu phần ứng dụng công nghệ thông tin trong dự án hỗn hợp phải được quản lý như một dự án ứng dụng công nghệ thông tin độc lập gây khó khăn trong quá trình triển khai.
Do vậy, dự thảo lần này đề xuất sửa đổi theo hướng: Người có thẩm quyền quyết định đầu tư căn cứ vào tính chất và quy mô dự án để quyết định việc quản lý phần ứng dụng công nghệ thông tin trong dự án hỗn hợp như một hạng mục thuộc dự án hỗn hợp hoặc tách ra thành dự án ứng dụng công nghệ thông tin độc lập.
Về quy trình thực hiện dự án, dự thảo đã quy định quy trình thực hiện phù hợp với quy mô, tính chất của từng dự án. Theo đó, đối với dự án quan trọng quốc gia cần thực hiện 03 bước là (1) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội xem xét, quyết định về chủ trương đầu tư; (2) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án) để trình Người có thẩm quyền phê duyệt; (3) lập Thiết kế thi công – dự toán để trình Chủ đầu tư phê duyệt.
Đối với các dự án khác, chỉ cần thực hiện hai bước là bước (2) và (3). Còn đối với dự án có quy mô nhỏ, tính chất đơn giản bao gồm dự án có tổng mức đầu tư từ 07 tỷ đồng trở xuống hoặc các hoạt động mua sắm dự phòng, thay thế một phần các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có; mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại không kể mức vốn, chủ đầu tư chỉ cần lập thực hiện lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật.
Đáng chú ý, đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin khẩn cấp, cấp bách (ví dụ như các dự án xử lý sự cố về an toàn, an ninh thông tin, mạng; các dự án theo yêu cầu khẩn cấp như điều chỉnh chính sách thuế, hải quan, kho bạc,…) dự thảo đề xuất: Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định có thực hiện dự án theo quy trình khẩn cấp hay không, đồng thời quyết định trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế, thi công phù hợp với yêu cầu về tình trạng khẩn cấp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện cũng như đáp ứng kịp thời tình trạng khẩn cấp, tránh được các rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cũng trong dự thảo này, quy định lập Đề cương và dự toán chi tiết cũng rõ ràng hơn theo hướng chỉ lập Đề cương và dự toán chi tiết đối với các trường hợp đầu tư nâng cấp, mở rộng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện có sử dụng vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư với mức vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống….
Thứ ba, về quản lý dự án, dự thảo đề xuất nâng quy định bắt buộc phải thành lập Ban Quản lý dự án trong trường hợp chủ đầu tư tự quản lý dự án từ mức 1 tỷ đồng lên mức 3 tỷ đồng. Chủ đầu tư có thể giao cho một Ban quản lý dự án quản lý nhiều dự án khi có đủ điều kiện năng lực mà không cần phải xin phép người có thẩm quyền quyết định đầu tư…
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất một số quy định mới liên quan đến cơ cấu chi phí trong tổng mức đầu tư, dự toán; thiết kế sơ bộ phần mềm nội bộ; chi phí kiểm thử phần mềm nội bộ; kiểm soát chất lượng; điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân
Mời bạn đọc xem toàn văn
Theo Chinhphu.vn