Được thành lập từ năm 1976 với tên Apple Computer và chính thức lấy tên Apple từ năm 2007, tính đến nay tập đoàn công nghệ máy tính này đã thực sự tạo được những dấu ấn riêng biệt mà không một công ty hay tập đoàn công nghệ nào có thể bắt chước được. Và mặc dù danh tiếng của Apple chịu ảnh hưởng chủ yếu từ người đứng đầu tiền nhiệm Steve Jobs và một lượng fan trung thành đông đảo khắp thế giới, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng khi nghe tới Apple là người ta sẽ nghĩ ngay tới những sản phẩm chất lượng cao, hoàn hảo và trên hơn hết là sự sành điệu.
Có thể dễ dàng thấy được lý do của sự liên tưởng này. Xét về lĩnh vực máy tính, những chiếc Mac với vỏ nhôm sáng màu luôn tỏ ra nổi bật và sang trọng hơn rất nhiều so với những chiếc “hộp đen” của HP hay Dell dù chúng có bóng bẩy tới đâu. Còn trong thị trường smartphone và tablet, có thể thấy rằng tất cả các công ty đối thủ đều cố gắng bắt chước phần nào cái vẻ thanh thoát trong thiết kế của Apple và từ đó tạo ra rất nhiều sản phẩm thoạt nhìn sẽ liên tưởng ngay tới iPhone và iPad.
Những thiết kế của Apple đã chứng tỏ một cách rất thuyết phục rằng, người thiết kế của họ – Jonathan Ive – rất xứng đáng với những giải thưởng về thiết kế và cả tước hiệp sỹ của Anh do những cống hiến của mình cho ngành công nghiệp này.
Nhờ cái vẻ ngoài bóng bẩy và tinh tế đó mà người ta dễ dàng có cảm giác rằng những sản phẩm của Apple luôn luôn tốt hơn sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh khác. Thực tế cũng cho thấy điều đó.
Vào cuối năm ngoái, BrandIndex (một tổ chức chuyên nghiên cứu đánh giá thái độ của khách hàng đối với các công ty) cũng đã công bố một bản báo cáo về Apple và các sản phẩm của Apple. Kết quả là rất khả quan, trong đó bản thân Apple đạt 76/100 điểm, máy nghe nhạc iPod đạt 73/100 điểm, máy tính bảng iPad đạt 69/100, điện thoại iPhone là 65/100 còn máy tính iMac, thấp nhất, cũng đạt 61/100 điểm.
Nhưng điều đó có thật sự đảm bảo? Và Apple có thật sự là một công ty luôn mang đến cho khách hàng những sản phẩm hiện đại và tốt nhất?
Tất nhiên, những chuyên gia công nghệ đã không còn xa lạ gì với những câu hỏi như thế. Nhóm những người chuyên đưa ra quyết định trong mảng IT của Apple đã thống nhất quan điểm, rằng mặc dù họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ những công ty máy tính sử dụng hệ điều hành Windows, nhưng hiện nay số lượng khách hàng chạy theo xu thế chuyển sang sử dụng Mac, iPhone và iPad lại ngày một nhiều lên. Trong nhận thức của họ, Apple luôn mang tới những gì là tốt nhất cả về chất lượng và giá trị thương hiệu mà nó mang lại cho người dùng.
Thế nhưng, cái gọi là chất lượng và giá trị đó thực chất lại chỉ là những đánh giá chủ quan mà thôi. Không khó để đánh giá chi tiết những gì mà khách hàng của Apple đang nhận được có thật sự xứng đáng với số tiền mà họ phải bỏ ra trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay hay không.
Hãy thử làm một vài phép so sánh, đầu tiên là với iMac. iMac là thương hiệu máy tính nổi tiếng của Apple, một sản phẩm máy tính all-in-one rất được ưa chuộng và được Apple bán ra với mức giá từ 1199 USD (khoảng hơn 24 triệu đồng). Về cấu hình: iMac chạy hệ điều hành Mac OS X, màn hình 21.5 inch, chip lõi tứ 2.5GHz và ổ cứng 500GB.
Trong khi đó, chỉ với 850 USD (vào khoảng hơn 17 triệu đồng), khách hàng đã có thể sở hữu một bộ máy tính cũng all-in-one của Dell với màn hình 23 inch 1080p, chip lõi tứ 2.5GHz và ổ cứng 1TB. Như vậy, với giá rẻ hơn khá nhiều, người ta đã có thể có được bộ máy tính cấu hình nhỉnh hơn so với iMac.
Với notebook cũng tương tự. Apple bán một MacBook Pro 15 inch, chip Intel Core i7 lõi tứ 2.3GHz, Ram 4GB, ổ cứng 500GB với giá từ 1799 USD (khoảng hơn 36 triệu đồng). Cấu hình đó thực sự không tồi chút nào. Nhưng HP lại có thể giúp khách hàng tiết kiệm tới 500 USD (tức là hơn 10 triệu đồng) bằng một laptop màn 15.6 inch full HD, chip Intel Core i7 2.2GHz, Ram 8GB và ổ cứng 750GB. Và thiết kế của nó cũng chẳng khác MacBook Pro là bao.
Ngay cả những chiếc điện thoại của Apple cũng chẳng phải là những sản phẩm tối tân nhất. iPhone 4S đẹp, cấu hình ổn, nhưng lại chẳng có chip lõi tứ như HTC One X và dịch vụ 4G như Samsung Galaxy S III. New iPad của Apple có màn hình 9.7 inch, nhỏ hơn những sản phẩm khác của các đối thủ cạnh tranh như Samsung Galaxy Tab 2, còn chip đồ họa lõi tứ lại bị chính chip xử lý lõi kép của nó “kìm hãm”.
Sau khi xét trên từng khía cạnh như vậy, chắc hẳn bây giờ các bạn cũng khó có thể gọi Apple bằng cụm từ “tối tân” nữa. Không thể phủ nhận rằng, những sản phẩm của Apple luôn có những tính năng cực kì hấp dẫn, như màn hình Retina của iPhone và MacBook Pro mới. Nhưng sự thật thì có rất nhiều công ty khác đưa ra những sản phẩm với những tính năng còn hiện đại và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Nhưng chất lượng sản phẩm và giá trị sản phẩm lại là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Những khách hàng am hiểu điều biết rằng, họ có thể mua những sản phẩm rẻ hơn từ những đối thủ của Apple với tính năng mạnh mẽ hơn rất nhiều, nhưng luôn có những điều mơ hồ lại kéo họ trở lại với iPhone và Mac.
Có thể là những sản phẩm trông bắt mắt hơn, hay những của hàng được bố trí sắp xếp hợp lý hơn, và nhất là cảm giác “oách” hơn khi nói rằng tôi đang dùng sản phẩm của Apple? Một trong những lý do khiến nhiều người trong giới công nghệ và thiết kế phải tỏ ra “tôn sùng” Steve Jobs, chính là do ông có khả năng biết được nên chọn hay loại bỏ những gì trong sản phẩm của mình, bất kể nó có tối tân hay không.
Nhiều người từng đùa vui rằng, Apple như là một tôn giáo mới trong thế giới công nghệ đương đại. Trong đó, các sản phẩm của Táo như là những quyển kinh thánh “phân phát giáo lý” cho những người “mộ đạo” iFan, và tất nhiên vị thánh ở đây không ai khác đó chính là vị CEO đáng kính Steve Job.
Do đó, có lẽ Apple không cần đến sự tối tân trong những sản phẩm của mình. Cứ là Apple như hiện tại cũng đủ rồi.