Trong mắt của các hãng công nghệ, Samsung là kẻ lợi dụng quan hệ để đâm sau lưng chính đối tác của mình.
Từ HTC
Theo Focus Taiwan, giám đốc HTC Bắc Á là Jack Tong đã tố cáo Samsung lợi dụng nhu cầu linh kiện của đối tác để phá hoại hoạt động kinh doanh smartphone của HTC.
Jack Tong cho biết sau khi hãng điện thoại Đài Loan phát triển HTC Desire sử dụng màn hình AMOLED của Samsung vào năm 2010, ngay sau khi doanh số bắt đầu tăng cao thì hãng điện tử Hàn Quốc đã “từ chối một cách chiến lược” việc hoàn tất đơn đặt hàng của HTC. Điều này đã buộc HTC phải thiết kế lại sản phẩm của mình.
HTC Desire là điện thoại đầu bảng của HTC trong năm 2010
Bản thân HTC Desire đã giành được danh hiệu “Highly Commended” tại Mobile World Congress 2011 và được giám khảo đánh giá là “đặt ra tiêu chuẩn mới cho điện thoại Android trên toàn thế giới trong năm 2010”, biến nó trở thành mục tiêu rõ ràng cho Samsung tấn công.
Tong cho biết họ phát hiện ra rằng những linh kiện quan trọng trong điện thoại cũng có thể bị (Samsung) biến thành vũ khí cạnh tranh.
Và cả nền công nghiệp điện tử Đài Loan
Đáp lại với hành động của Samsung, HTC đã làm việc với Bộ kinh tế Đài Loan để phát triển một dây chuyền cung cấp linh kiện nội địa, đảm bảo về cả số lượng cũng như giảm giá cho các nhà sản xuất trong nước. Acer và Asustek (hãng từng sản xuất iBook và Macbook trước khi Apple chuyển giao cho Foxconn) cũng được liên hệ để mời các công ty nước ngoài phát triển công nghệ hiển thị và sản xuất các linh kiện tại Đài Loan.
Samsung đang trở thành kẻ thù chung của cả ngành công nghiệp điện tử Đài Loan
Hiệp hội công bằng thương mại Đài Loan đã mở cuộc điều tra nhắm vào Samsung khi nhận được báo cáo rằng công ty này thuê người làm mất uy tín các thương hiệu khác trên mạng xã hội.
Samsung cũng bị cho là đã mở chiến dịch nội bộ mang tên “Kill Taiwan” (giết chế Đài Loan). Điều này là nguyên nhân khiến Apple và Đài Loan, hay chính xác hơn là TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing) hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong đó, Apple đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm chuyển dây chuyền sản xuất chip ARM của mình tránh xa Samsung.
Tới Apple
Nếu là người tìm hiểu về công nghệ, chắc chắn ai trong chúng ta cũng biết cuộc chiến pháp lý vẫn chưa đi đến hồi kết của Apple và Samsung.
iPhone 3GS và Galaxy S
Tòa án xét xử tại Mỹ đã thu thập được tài liệu nội bộ dài 132 trang của hãng điện tử Hàn Quốc, trong đó so sánh cực kỳ chi tiết giữa iPhone và Galaxy S. Theo đó, Samsung đã sử dụng quan hệ mật thiết với Apple để phát triển dòng điện thoại Galaxy vào năm 2010, khởi đầu là 3 tháng “cật lực” đánh cắp thương hiệu, bản quyền thiết kế và các công nghệ khác trong iPhone 3GS.
Từ là đối tác lớn nhất, Samsung đã cạnh tranh và trở thành kẻ thù không đội trời chung của Apple với những cuộc chiến pháp lý không hồi kết. Bản thân Apple đang cố hết sức để tránh xa hãng điện tử Hàn Quốc bằng cách chuyển giao cho TSMC sản xuất chip ARM và sử dụng chip nhớ từ Toshiba.
Cũng như chính Samsung
Samsung bắt đầu thấy được tác hại của việc cạnh tranh với chính những khách hàng tốt nhất của mình sau khi bị Apple lôi ra tòa và chuyển giao dần đơn đặt hàng chip ARM (Apple A series) cho TSMC cũng như áp lực từ chính phủ Đài Loan ngày một gia tăng.
Uy tín của Samsung trong mảng kinh doanh bán dẫn đang ngày một xấu đi
Hãng đã cố gắng cải thiện hình ảnh của mình trong cuộc họp vào mùa thu năm ngoái với nhiệm vụ khẩn cấp là xây dựng “bức tường lửa nội bộ nghiêm ngặt”. Điều này nhằm bảo vệ chiến lược, đơn đặt hàng mật cũng như những thông tin của đối tác khỏi tay của các bộ phận khác từ Samsung, nơi đang cạnh tranh với chính những đối tác này.
Ngoài Apple, HTC và những hãng khác tại Đài Loan, ngay cả Nokia cũng bị đồn là đang tìm cách tránh xa Samsung. Một nguồn tin khá quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với trang Appleinsider rằng hãng điện tử Hàn Quốc có “truyền thống” nhận đơn đặt hàng cho các linh kiện đời mới (từ các đối tác) sau đó hủy bỏ và rồi chúng lại xuất hiện trong điện thoại Samsung.
Theo HD vietnam