Khi quyết định dành ưu đãi, Chính phủ đã cân nhắc nhiều đến sự hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư cũng như lợi ích của đất nước, qua đó giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa các công ty công nghệ trên thế giới, tăng doanh số xuất khẩu, tạo việc làm – đảm bảo an sinh xã hội…
Những tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam.
Muốn gì, được nấy
Năm 2010, một năm sau khi Samsung Electronics, đưa nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh vào hoạt động, tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới này bắt đầu đề xuất với Chính phủ Việt Nam công nhận công ty con tại Bắc Ninh – Samsung Electronics Việt Nam – là DN công nghệ cao.
Điều này có nghĩa Samsung muốn hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt đời dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập DN.
Nếu theo đúng Luật Công nghệ cao, Samsung Electronics Việt Nam, vào lúc đó chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận là DN công nghệ cao, vì Điều 18 của Luật quy định rõ rằng, DN chỉ được xét duyệt là DN công nghệ cao sau khi đã hoạt động ít nhất 3 năm.
Lúc đó, Samsung Electronics Việt Nam mới hoạt động được có 1 năm. Hơn nữa, DN còn phải đáp ứng các tiêu chí về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), như là chi phí dành cho hoạt động R&D trong 3 năm đó phải tương đương 1% doanh thu và số nhân viên làm việc liên quan đến các hoạt động R&D phải chiếm 5% tổng số lao động.
Một điều nữa cần phải nói là nếu xét về danh mục sản phẩm để được công nhận là sản phẩm công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao thì sản phẩm điện thoại di động do Samsung sản xuất cũng không nằm trong danh mục công nghệ cao.
Mặc dù vậy, sau hai năm đàm phán với các cơ quan Chính phủ, Samsung Electronics Việt Nam đã chính thức được công nhận là DN công nghệ cao. Những ưu đãi về thuế đó sau này cũng được dành cho phần đầu tư mở rộng trị giá 830 triệu USD tại Bắc Ninh và đầu tư mới 2 tỷ USD tại Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung.
Trường hợp của Samsung đã mở đường cho một số tập đoàn đa quốc gia khác đề xuất với Chính phủ được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế khi đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn Nokia là một trong số đó.
Năm 2011, Nokia tuyên bố đóng cửa một số nhà máy tại châu Âu và mở rộng sản xuất tại châu Á, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, Nokia cũng yêu cầu được hưởng ưu đãi giống như Samsung. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để công ty sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới này xây dựng nhà máy sản xuất có vốn hơn 300 triệu USD tại Bắc Ninh. Và sau 1 năm đàm phán, cuối cùng Nokia cũng đã có được điều mình muốn.
Ngoài Nokia và Samsung ra, các tập đoàn khác như Robert Bosch của Đức và LG Electronics cũng đang có những đòi hỏi tương tự. Robert Bosch Việt Nam gần đây thông báo công ty đã nhận được sự công nhận DN công nghệ cao về nguyên tắc từ Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư nhà máy sản xuất đai truyền lực cho ô tô tại Đồng Nai.
Trong khi đó LG Electronics hiện đang đàm phán để được công nhận là DN công nghệ cao đối với phần mở rộng đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng. Theo một nguồn tin từ phía cơ quan Chính phủ có liên quan đến dự án này, rất có khả năng LG Electronics sẽ nhận được sự đồng ý từ Chính phủ.
Trên thực tế, cũng giống như Samsung, không một công ty nào kể trên đã đủ điều kiện để được công nhận là DN công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các công ty nước ngoài đó vẫn được công nhận và hưởng những ưu đãi cao nhất?
Lùi một, được ba…
Một trong những mục tiêu quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thu thuế. Nhưng đối với các dự án đầu tư của Samsung, Nokia, LG hay Bosch, thu thuế lại không phải là mục tiêu chính khi thu hút đầu tư từ các dự án này.
Trong khi các nhà đầu tư khác phải đóng mức thuế thu nhập DN là 25% trước đây và có khả năng là 20% trong tương lai khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, thì các tập đoàn đa quốc gia này lại chỉ phải đóng thuế thu nhập DN có 10% cho suốt đời dự án. Hơn nữa, họ còn được miễn thuế 4 năm đầu và giảm một nửa trong 9 năm tiếp theo.
Trong trường hợp của Samsung, theo số liệu tổng hợp từ Cục Thuế Bắc Ninh, từ năm 2009 đến cuối 2012 doanh thu của công ty này là 436,293 nghìn tỷ đồng. Mức lợi nhuận trong thời kỳ đó là 35,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, mức thuế đóng vào ngân sách tính đến thời điểm ngày 26/4/2013 là khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy số thuế mà DN này đóng góp so với doanh thu và lợi nhuận là không nhiều. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mức đóng góp là không tương xứng với ưu đãi được hưởng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì việc đóng góp thuế ít của các tập đoàn đa quốc gia là một vấn đề hiện tại. Nhưng ông Vinh cho rằng khi quyết định dành ưu đãi Chính phủ đã cân nhắc nhiều đến sự hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư cũng như lợi ích của đất nước.
“Các nhà đầu tư lớn có quyền đưa ra những điều kiện tốt cho đầu tư của họ. Vấn đề ở đây là chúng ta phải cân nhắc chúng ta được lợi những gì nếu như trao cho họ những ưu đãi lớn như vậy và nhà đầu tư sẽ được những gì. Tính tổng thể, nếu như dự án đầu tư đó là tốt cho đất nước, chúng ta sẽ khuyến khích họ đầu tư vào bằng cách dành cho họ những ưu đãi lớn”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh tác động tổng thể của một dự án đầu tư FDI đối với nền kinh tế không nên chỉ nhìn vào số thuế đóng góp của nhà đầu tư.
Hiện tại, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ thu hút đầu tư FDI có giá trị gia tăng thấp sang FDI có giá trị gia tăng cao. Và không có nghi ngờ gì khi nói rằng các công ty như Intel, Samsung, Nokia hay LG sẽ giúp điền tên Việt Nam vào trong chuỗi cung ứng công nghệ cao, và cũng giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa các công ty công nghệ trên thế giới.
Samsung là một ví dụ. Tính đến tháng 8/2012, dự án của Samsung tại Bắc Ninh đã thu hút 53 công ty vệ tinh nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam nhằm cung cấp sản phẩm thiết bị cho Samsung, với tổng mức đầu tư là 350 triệu USD, theo một báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh. Tính đến năm 2015, tập đoàn này dự kiến sẽ phải cần tới 96 công ty vệ tinh nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thiết bị và một số lượng tương tự các công ty trong nước.
Ngoài ra, các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế nhanh hơn. Năm ngoái, lần đầu tiên doanh số xuất khẩu các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, máy tính, thiết bị điện tử đạt mức 21,5 tỷ USD, cao hơn cả doanh số xuất khẩu của các sản phẩm may mặc, giày dép và nông sản. Doanh số xuất khẩu các sản phẩm điện tử tăng tới 97,7% so với năm 2011.
Một lợi ích nữa mà các dự án này mang lại đó là việc làm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các DN trong nước đang phải vật lộn để duy trì sản xuất, đây lại là một yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Chỉ riêng nhà máy Samsung Bắc Ninh đã tạo ra 23.000 việc làm tính đến cuối năm ngoái. Tập đoàn này cũng tuyên bố sẽ tuyển hàng chục nghìn lao động cho nhà máy tại Thái Nguyên.
Trong khi đó Nokia cũng thông báo cần sử dụng tới 10.000 lao động cho nhà máy tại Bắc Ninh khi nhà máy này đi vào hoạt động.
“Hãy nhìn vào các dự án, chỉ trong diện tích hơn 100 hec-ta đất chúng ta đã tạo ra hơn 20 nghìn việc làm và hàng chục tỷ USD doanh số xuất khẩu, đó chính là lợi ích của chúng ta”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội các DN FDI, cho rằng sự thay đổi về chính sách ưu đãi là một quyết định đúng đắn thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh các nước đều đang cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI.
“Chúng ta có thể thu được ít thuế hơn từ họ, nhưng lợi ích họ mang lại không phải là ít. Và cũng còn tốt hơn nếu để họ sang nước khác đầu tư”, ông Mại nói.
Thực tế thì các công ty nước ngoài khi được hưởng những ưu đãi cao nhất đó cũng phải ký kết những bản cam kết riêng với Chính phủ, trong đó bao gồm các cam kết về thời hạn giải ngân, cam kết về phát triển R&D, về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và đào tạo nhân công.
“Chúng ta không dành ưu đãi cho họ một cách vô điều kiện. Các nhà đầu tư phải thực hiện những cam kết vì sự phát triển của nền kinh tế”, ông Vinh nói.
Theo Genk
Mình nghĩ bạn nên viết thêm nhiều bài viết về chủ đề này hơn vì càng ngày mọi người càng chú ý đến nó