Nhu cầu ứng dụng giải pháp quản lý toàn diện, tiết kiệm nguồn lực – giải pháp ERP của các doanh nghiệp (DN) ngày càng cao. Để những giải pháp ERP có thể phát huy hết hiệu quả như DN mong đợi, không thể thiếu đội ngũ trung gian: Tư vấn (TV) ERP.
Tư vấn ERP – anh là ai?
Là một nghề thuộc ngành CNTT, TV ERP có thời gian gắn bó với khách hàng (KH) gần như suốt quá trình thực hiện hợp đồng, từ giai đoạn TV, triển khai đến chăm sóc sau bán hàng. Điều này khá khác biệt với các nhóm ngành khác vốn xem khâu TV chỉ như giai đoạn thuyết phục KH tiềm năng trở thành người mua chính thức.
Tại Việt Nam, nhìn chung, nguồn nhân lực TV ERP đủ chất lượng, đáp ứng cho cả 3 giai đoạn còn rất thiếu. Hầu như không có nguồn chuyên gia TV nước ngoài do mức giá thuê nhân lực dạng này không phù hợp với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Còn với nguồn nhân lực trong nước, để đào tạo được một TV ERP không hề đơn giản. Một doanh nghiệp trong ngành cho biết nhiều tháng liên tục tuyển người, với hàng trăm ứng viên – đã đi làm có, mới tốt nghiệp cũng có – nhưng vẫn không thể tuyển được nhân sự TV. Điều này cũng dễ hiểu, do yêu cầu phẩm chất nghề nghiệp của vị trí này có thể được xếp vào mặt bằng “cao cấp” của ngành CNTT nói riêng và xã hội nói chung.
TV ERP – “Dân” CNTT với chuyên môn kinh tế
Theo các chuyên gia, hiện nay là thời điểm các công ty tái cấu trúc sau những ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu. Sau đó, dự báo cầu về ERP sẽ tiếp tục phát triển. Nghề TV ERP do vậy có thể là một lựa chọn tốt cho những ai có đủ bản lĩnh kiến thức và có thừa sự kiên nhẫn.
Với vai trò là người tiếp cận KH tiềm năng ngay từ những bước đầu tiên, TV ERP có thể xem là một trong những nhân tố quyết định việc KH có chọn triển khai giải pháp ERP hay không. TV ERP chính là người vẽ ra mô hình tổng quan phù hợp dựa trên yêu cầu và nền tảng riêng của mỗi doanh nghiệp, để từ đó nhóm kỹ thuật sẽ chi tiết hóa mô hình này thông qua việc triển khai các phân hệ chức năng. Tuy nhiên, không thể vì tìm kiếm lợi nhuận cho công ty mình mà quên đi lợi ích của KH. “Không phải đơn giản là chỉ bán sản phẩm, mà phải đưa ra một phương cách giải quyết vấn đề của KH” – nguyên tắc vàng trong nghệ thuật bán hàng này càng đúng đối với các công ty TV, triển khai ERP, do bản chất việc triển khai ERP là đưa lại một giải pháp, chu trình tối ưu hóa khả năng sử dụng tài nguyên của một tổ chức kinh tế.
Yêu cầu đưa ra giải pháp cho vấn đề trong hệ thống quản trị doanh nghiệp mà KH gặp phải luôn cần được đặt lên hàng đầu. Hơn ai hết, các TV ERP phải hiểu được liệu giải pháp của mình đang TV cho KH có thực sự phù hợp với quy mô, cũng như phương thức hoạt động của công ty KH hay không. Ở công đoạn này, người tiến hành TV phải thực sự rất khách quan để đưa ra lời khuyên phù hợp cho KH, chứ không phải cứ cố gắng bán được càng nhiều phân hệ chức năng (module) trong hệ thống ERP càng tốt. Tương ứng với nhu cầu này, các TV ERP cần phải có nền tảng kiến thức kinh tế – quản trị – tài chính vững chắc. Vì vậy, đầu vào mà các công ty TV triển khai ERP chọn để đào tạo thường là các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các trường chuyên ngành kinh tế, hoặc những người đã từng đi làm với nghiệp vụ tương ứng.
Đối tượng thường được chú ý nhiều là nhóm chuyên ngành kế toán – tài chính, vì nguồn lực cơ bản nhất mà bất cứ một công ty nào cũng quan tâm đến luôn là tiền. Qua thực tế đào tạo cũng cho thấy, cung cấp thêm kiến thức công nghệ cho nhóm này dễ hơn so với việc đào tạo chuyên ngành tài chính cho người tốt nghiệp chuyên ngành CNTT. Đương nhiên để bán được một sản phẩm CNTT, ít nhất bản thân TV cần phải am hiểu tương đối về mặt kỹ thuật của giải pháp mà mình đang TV, bao gồm kiến thức căn bản về cơ sở dữ liệu, và nguyên tắc hoạt động của một số phân hệ. Trong trường hợp KH có nhu cầu về kiến thức hệ thống chuyên sâu hơn, TV có thể nhận được sự hỗ trợ của các chuyên viên công nghệ trong công ty.
TV ERP – Nghề “cao cấp”?
Không thể không thừa nhận, với khối lượng kiến thức và kỹ năng đòi hỏi như trên, TV ERP có thể được xem là một nghề “cao cấp”, với sự phân cấp thể hiện ngay trong chính quy trình nghề. Trong khi một kỹ sư phần mềm tốt nghiệp đại học chỉ cần được đào tạo thêm khoảng 2-3 tháng là có thể bước ngay vào đội ngũ kỹ thuật triển khai ERP, thì chỉ riêng khoảng thời gian tái đào tạo nền tảng cơ bản của một TV ERP ít nhất cũng đã là 6 tháng.
Một sinh viên đại học loại giỏi vừa tốt nghiệp trải qua khóa đào tạo cơ bản này cũng chỉ có thể bước vào vị trí trợ lý (assistant) cho các TV dự án (consultant). Sẽ phải mất từ 1-2 năm, và làm trợ lý cho 3-4 dự án khác nhau, assistant này mới có thể trở thành consultant chính thức. Còn để bước lên một vị trí cao hơn nữa là TV cấp cao – senior consultant, người có khả năng tự lên kế hoạch độc lập và quản lý dự án chi tiết, thì một consultant sẽ phải tham dự thêm 2-3 dự án lớn nữa ở vai trò trưởng nhóm TV một phân hệ (module). Nếu xét chu trình triển khai một dự án ERP là khoảng 1-2 năm, thì cũng đủ thấy quỹ thời gian đầu tư cho nghề này “cao cấp” đến thế nào.
SAP đã kết hợp với FPT để thiết lập “Trung tâm Đào tạo TV Quốc tế” tại Hà Nội, với mục tiêu đào tạo khoảng 5.000 cán bộ TV trong 3 năm để phục vụ cho kế hoạch triển khai giải pháp ERP của SAP trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà chủ yếu là thị trường Nhật Bản. Hiện đã có hai khóa tốt nghiệp, và đều được tuyển dụng toàn bộ theo chương trình hợp tác cấp cao SAP-FPT.
Một trung tâm tương tự cũng sẽ sớm được thiết lập tại TP.HCM. Đối tượng dự tuyển sẽ là sinh viên loại khá – giỏi thuộc các chuyên ngành kinh tế – tài chính, kèm thêm các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ hợp chuẩn, hoặc những người đã đi làm với trình độ tương ứng.
Ông Bùi Triệu Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ ERP – FPT (FPT-IS ERP) cho biết: “Nghề TV ERP đòi hỏi người theo nghề phải “lì”. Để theo nghề này, cần nhất là sự đam mê. Nếu không đam mê thì có lẽ chẳng chịu nổi khoảng thời gian học nghề quá dài, cũng như áp lực quá lớn mà các dự án mang lại. Người làm TV ERP phải hiểu được chữ “nhẫn”, phải biết kiên trì bám theo KH, dung hòa giữa yêu cầu của họ với khả năng của hệ thống ERP mà mình cung cấp. Ngoài ra, người theo nghề này cũng sẽ thường xuyên đứng trước sự lựa chọn giữa việc tiếp tục ngồi lại với các công ty gạo cội, dự án lớn – lương lên dần dần, với việc đến với những công ty nhiều tham vọng mới thành lập – với mức lương mời gọi cao gấp 2-3 lần. Dịch vụ triển khai ERP là một cuộc chơi nghiêm túc, mà trong đó TV cần phải chọn cho mình một phương án lâu dài phù hợp”.
Và đương nhiên, một nghề “cao cấp” sẽ được đi kèm bằng một mức lương “cao cấp” không kém, ngay cả khi xét trong ngành CNTT – một ngành có mặt bằng lương cao trong xã hội. Ngay khi chỉ là một sinh viên giỏi mới ra trường, trải qua khóa đào tạo cơ bản và được nhận vào thử nghiệm dự án, mức lương của trợ lý TV ERP cũng đã gấp đôi so với một kỹ sư phần mềm tại cùng thời điểm. Càng tiến lên vị trí cao hơn, khoảng cách này càng lớn. Cá biệt nếu các công ty có nhu cầu mời TV có kinh nghiệm làm giám đốc triển khai hệ thống ERP, thì mức lương có thể tính bằng nhiều nghìn USD.
( Theo PCW )