Thị trường chứng khoán (TTCK) đã tạo nên những đợt sóng tăng mạnh, đem lại lợi nhuận lớn cho những nhà đầu tư (NĐT) bám trụ, bắt đúng nhịp. Đã có những đợt sóng tăng trưởng kéo dài khiến dòng tiền của NĐT cả trong và ngoài nước tham gia mạnh mẽ.
Theo đó, có những thời điểm thị trường vô cùng bi đát, nhà đầu tư nhỏ lẻ, chán đầu tư chứng khoán thì dòng tiền khối ngoại đổ mạnh vào thị trường, trở thành động lực tạo sóng tăng trưởng, đi lên.
Phục hồi trong khó khăn
Vào giữa năm 2013, khối ngoại đã liên tục mua vào, lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đẩy thị trường tăng mạnh, đồng thời kích thích dòng tiền đầu cơ ăn theo, tạo cộng hưởng. Các mã chứng khoán chủ chốt là bluechip được khối ngoại gom vào mạnh nhất trong giai đoạn này và chỉ số thị trường đã hưởng lợi lớn từ đà tăng của các cổ phiếu bluechip.
Giao dịch của khối ngoại có thời điểm giữ vai trò dẫn dắt thị trường tăng hoặc trở thành một lực lượng quan trọng trên TTCK Việt Nam. Trong đó, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ FTSE Vietnam Index và V.N.M đã có những tác động nhất định đến giao dịch thị trường. Tuy nhiên, chiến thuật giao dịch của các quỹ ETF đã bị giới đầu tư trong nước bắt bài, nên mức ảnh hưởng của các đợt cơ cấu danh mục đã giảm đi đáng kể.
Sức hút của cổ phiếu bluechip được định giá P/E, P/B khá hấp dẫn sau thời gian dài giảm điểm, nhưng vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng ổn định và ấn tượng. Từ đó, dòng tiền của NĐT nội cũng đưa vào nhóm cổ phiếu này rồi lan truyền mạnh mẽ sang cổ phiếu đầu cơ.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường đã sụt giảm trở lại cho tới tháng 9 vừa qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu vắng động lực tăng trưởng bền vững, khi những yếu tố được giới đầu tư kỳ vọng trong những tháng đầu năm đã không trở thành hiện thực. 3 tháng cuối năm, TTCK đã khởi sắc trở lại với sự dẫn dắt chính của dòng tiền nội, tập trung vào cổ phiếu đầu cơ và sự trở lại mua ròng của khối ngoại.
Việc Fed quyết định hoãn thu hồi gói QE3 đến đầu năm 2014 đã giúp khối ngoại ngưng rút tiền ở những thị trường mới nổi. Khối ngoại trở lại vẫn tập trung vào các cổ phiếu bluechip, tuy lực mua có yếu hơn, nhưng là bệ đỡ quan trọng trong việc lôi kéo dòng tiền đầu cơ trở lại thị trường. Hơn nữa, dòng tiền đầu cơ nhắm vào “mùa vụ cuối năm”, kỳ vọng kết quả kinh doanh đột biến mang tính mùa vụ, nhằm cải thiện về lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Chỉ có NĐT đón đầu đúng xu hướng mới đem lại thành công
Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng vào cuối năm 2013 cho thấy dòng vốn nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến TTCK Việt Nam, dòng tiền này thường có tác động mạnh mẽ lên xu hướng của thị trường.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng dòng vốn của khối ngoại hiện tại chủ yếu mang tính ngắn hạn, trong đó ảnh hưởng từ giao dịch của các quỹ ETF là rất lớn, dòng tiền của khối ngoại có bền vững hay không sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến thị trường và cả nền kinh tế nói chung.
Khối ngoại vẫn đổ tiền vào chứng khoán
Theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), trong năm 2013, giao dịch của NĐT nước ngoài chiếm gần 16% giá trị giao dịch toàn thị trường, chủ yếu ở trạng thái mua ròng. Tỷ lệ này còn thấp nếu so với các nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia… Vì thế, cần có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam.
Hiện toàn TTCK có khoảng 16.700 tài khoản của NĐT nước ngoài, đạt mức tăng trưởng trung bình 30% trong vòng 5 năm qua. Thống kê trên HoSE, vốn của khối ngoại chủ yếu được phân bổ trong các công ty niêm yết ở 3 ngành gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ sở hữu trung bình của NĐT nước ngoài ở các công ty niêm yết trên HoSE vào khoảng 24%.
Thực tế, tính đến tháng 11/2013, NĐT nước ngoài nắm giữ khoảng 207.000 tỷ đồng trong tổng số 848.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã hoặc gần chạm mức trần sở hữu 49% cho khối ngoại.
Theo ông Sinh, một hạn chế khác khiến khả năng tiếp nhận vốn của khối ngoại bị hạn hẹp là do tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của nhiều doanh nghiệp lớn ở mức dưới 10%, như cổ phiếu VCB của Vietcombank, CTG của Vietinbank hay BVH của Tập đoàn Bảo Việt…
Trở lại với dòng trên TTCK, vẫn còn nhiều lo ngại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường Việt Nam. Các yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen khiến xu hướng TTCK năm 2014 không thể hoàn toàn lạc quan.
Thời gian qua, thị trường đã hồi phục trở lại sau giai đoạn điều chỉnh giữa năm, nhưng TTCK Việt Nam vẫn chưa thể bứt phá khỏi đỉnh đã tạo dựng trong năm 2013. Chỉ có NĐT chọn lọc, đón đầu đúng xu hướng mới đem lại thành công trong năm tới.
Theo TBKD