Một số loại hình kinh doanh dịch vụ nội dung số không lành mạnh như “dội bom” tin nhắn rác đã trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Yếu khả năng sáng tạo, thiếu nhân lực, lại không có được chính sách hỗ trợ rõ ràng, hiệu quả từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam hiện có thể sống được nhưng khó sống sung sướng, TGĐ VNG Lê Hồng Minh nhận định.
Tại Hội thảo Việt Nam – Hàn Quốc về công nghiệp nội dung số có chủ đề “Hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam và kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc” do Bộ Hành chính & An ninh công cộng Hàn Quốc phối hợp với Bộ TT&TT Việt Nam tổ chức ngày 27/3/2013, ông Lê Hồng Minh có cơ hội “kể khổ” về sự sinh tồn và phát triển của các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam.
Đối với ngành công nghiệp nội dung số, việc tạo ra nội dung là yếu tố hàng đầu khi gây dựng lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam lại đang “gặp khó” về khả năng sáng tạo kỹ thuật. Ông Minh dẫn chứng bằng thực tế của VNG khi phát hành một game online cho thị trường Nhật. Để làm dự án đó, VNG chuẩn bị sẵn 20 người làm sản phẩm trong 8 tháng, trong đó 10 người chuyên vẽ, nhưng kết quả chuyển sang đối tác Nhật thì 50% số hình ảnh bị loại bỏ. Để kịp tiến độ dự án, VNG phải lên các diễn đàn tìm kiếm người có khả năng vẽ giỏi và đặt hàng. Tuy nhiên, sau 1 tháng thì tỷ lệ từ chối của Nhật đối với những sản phẩm mà VNG cộng tác bên ngoài này lên tới 95%, thậm chí đối tác Nhật còn chỉ rõ hình ảnh bộ phận của nhân vật này được sao chép (copy) từ nguồn nào chứ không phải là sản phẩm sáng tạo. Cuối cùng, VNG đành phải sang Nhật nhờ một công ty chuyên nghiệp thực hiện khâu vẽ hình.
Một “căn bệnh kinh niên” khác của ngành công nghiệp nội dung số là thiếu nhân lực. Ông Minh lấy ví dụ ngành game Việt Nam, sau 5 năm, ước tính cả nước mới có khoảng 1.000 người làm được game online (hầu hết là những người đam mê vì không có trường nào đào tạo nghề này). Trong khi đó, lực lượng làm game của Hàn Quốc có tới 100.000 người, Trung Quốc là 300.000 người. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi chất lượng game của doanh nghiệp Việt thường bị “lép vế” so với đối thủ ngoại.
Cũng chính vì thiếu “người tài” nên VNG từng nếm mùi thất bại khi đưa game Thuận Thiên Kiếm ra thị trường. Dù đã đầu tư 4 năm cho 1 game được xác định là hoành tráng, thậm chí mời cả hoa hậu Mai Phương Thúy làm hình ảnh đại diện và xúc tiến nhiều hoạt động truyền thông, thế nhưng sau khi phát hành, Thuận Thiên Kiếm vẫn không được nhiều người chơi. Tìm hiểu nguyên nhân thì thấy chất lượng game còn thua kém các sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc, đương nhiên người tiêu dùng thường chọn game tốt hơn để chơi.
Chính sách: Chậm, không rõ ràng
Khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp nội dung số luôn mong chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước, chí ít cũng là một hành lang pháp lý hiệu quả. Song theo đánh giá của ông Minh, các chính sách quản lý, hỗ trợ phát triển công nghiệp nội dung số vẫn chưa rõ ràng, tốc độ ban hành chính sách quá chậm, trong khi chỉ cần 1 năm, mạng xã hội Facebook đã nâng số người sử dụng tại Việt Nam từ con số 3 triệu lên tới 12 triệu, hoặc chỉ cần 6 tháng, một game phát hành có thể sở hữu số người chơi đông nhất tại Việt Nam.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, TS. Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cũng thừa nhận các văn bản chính sách quy định về ưu đãi phát triển công nghiệp nội dung số còn chung chung, không thực sự phát huy tác dụng. Nhiều hoạt động công nghiệp nội dung số chưa có chính sách điều chỉnh phù hợp như vấn đề hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ nội dung (tỷ lệ ăn chia doanh thu), các vấn đề liên quan đến quản lý game online, vấn đề thanh toán dịch vụ nội dung số xuyên biên giới…
Một loạt chính sách ưu đãi của Chính phủ được ban hành (Nghị định 108 của Chính phủ quy định hướng dẫn Luật Đầu tư đã đưa doanh nghiệp sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số vào diện đặc biệt ưu đãi đầu tư; Nghị định số 24 năm 2007 của Chính phủ quy định về Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp đưa doanh nghiệp sản xuất nội dung thông tin số vào diện được hưởng ưu đãi thuế như với phần mềm,…), thế nhưng các doanh nghiệp nội dung số khó được hưởng những ưu đãi đó. Bởi vấn đề mấu chốt – thế nào là sản xuất nội dung số – vẫn là dấu hỏi lớn chưa có giải đáp cụ thể. Tại Việt Nam, rất ít doanh nghiệp nội dung số chỉ sản xuất sản phẩm và bán sản phẩm như các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, mà phần lớn doanh nghiệp có sản xuất ra sản phẩm cũng chỉ để bán dịch vụ. Khó phân biệt tách bạch hai loại hình sản xuất và kinh doanh dịch vụ nên nhiều doanh nghiệp nội dung số đã không được ngành thuế duyệt cho hưởng ưu đãi.
Doanh nghiệp đành phải sống bằng đam mê!?
Cùng với sự ảnh hưởng của suy thoái, khủng hoảng kinh tế, từ năm 2010 đến nay, ngành công nghiệp nội dung số đang trên đà giảm doanh thu.
Theo thống kê của Vụ CNTT, Bộ TT&TT, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số năm 2009 đạt 40%, sang năm 2010 giảm xuống còn 25% và năm 2011 tiếp tục tụt xuống 20%. Tỷ trọng của công nghiệp nội dung số trong ngành công nghiệp CNTT còn khiêm tốn, doanh thu chưa đến 2 tỷ USD, trong khi doanh thu toàn ngành gần 25 tỷ USD. Hiện chưa có con số chính xác về doanh thu nội dung số năm 2012 nhưng dựa trên con số năm 2011 đạt khoảng 1,1 tỷ USD, dự kiến năm 2012 sẽ tăng trưởng một chút, đạt 1,3 – 1,5 tỷ USD.
“Các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam sống được nhưng hơi khó sống hạnh phúc, sung sướng. Chúng tôi luôn tự nhủ 1 câu rằng mình sống bằng đam mê, niềm tin”, ông Minh chia sẻ.