Thị trường bán lẻ Việt Nam: Không thể cứ trông vào tiềm năng

KTĐT – Trong bảng xếp hạng Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới vừa được Hãng tư vấn A.T. Kearney Mỹ công bố vừa qua, không có Việt Nam. Trong khi năm 2009, Việt Nam đã từng đứng ở vị trí thứ 6. Điều gì làm cho thị trường bán lẻ vốn được coi là nhiều tiềm năng này lại liên tục rớt hạng?
Còn nhiều hạn chế

Khung cảng vắng hoe, nhân viên ngồi chờ khách đang là thực trạng tại nhiều Trung tâm thương mại và siêu thị hiện nay. Nhiều mặt hàng điện tử – điện lạnh đã giảm giá từ 20 – 50% mà vẫn không thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Những khó khăn của nền kinh tế đã tác động đến thị trường bán lẻ trong nước, làm giảm sức mua, độ bão hòa thị trường tăng lên và tạo thêm các áp lực về thời gian để cải thiện tình hình. Mức lạm phát cao, ước tính 17% trong năm nay, được coi là yếu tố tác động mạnh đến sự suy giảm của thị trường này. Lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, giá vàng biến động, thị trường bất động sản ảm đạm, chứng khoán sụt giảm, khiến cho cả doanh nghiệp sản xuất lẫn nhập khẩu khát vốn, sản xuất trì trệ… Điều này cũng tác động đến lòng tin người tiêu dùng, đến thị trường bán lẻ trong nước.Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam bị tụt hạng còn do: thủ tục cấp giấy phép còn nhiêu khê, khó tìm mặt bằng, chất lượng chuỗi cung ứng kém, chất lượng nguồn nhân lực còn ở mức sơ khai…

Bên cạnh những yếu tố khách quan trên thị trường bán lẻ Việt Nam còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém như: Việt Nam là thị trường đông dân,  nhưng thu nhập đầu người mới ở mức trung bình thấp, nên quy mô thị trường vẫn nhỏ. Hơn nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam dễ bị tác động bởi thị trường thế giới nên chất lượng, giá cả khó khiểm soát, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng làm bức xúc dư luận; gian lận, sản xuất hàng giả, hàng nhái…

Cần chiến lược dài hạn

Năm nay, tăng trưởng thị trường bán lẻ trong nước không cao so với 3 – 4 năm trước. Cụ thể, năm 2011, thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng thực tế chỉ khoảng 5%, con số rất khiêm tốn so với hơn 20% của các năm trước. Còn từ đầu năm đến nay, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 6,6%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kết quả này chỉ đánh giá về độ hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư, hoàn toàn khác so với độ hấp dẫn và tiềm năng vốn có của thị trường. Bởi trên thực tế, các tập đoàn bán lẻ lớn đang có mặt tại Việt Nam vẫn đang chạy đua mở rộng hệ thống phân phối. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2012, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước ước đạt 952.200 tỉ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ đi lạm phát 6,6%, mức tăng này không cao nhưng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế chung, đầu tư vào bán lẻ rất khó có lãi.

Nhận định này được các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam đồng tình. Ông Pascal Billaud, Tổng Giám đốc BigC Việt Nam, cho biết: So với các thị trường lân cận, thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ, chưa đến 20% và ít cạnh tranh. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển rất lớn và hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ, cả phân phối tổng hợp lẫn phân phối chuyên ngành.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đây là lúc sàng lọc các doanh nghiệp phân phối nhỏ, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chất lượng hàng hóa không bảo đảm để giúp cho thị trường phát triển đúng hướng và lành mạnh hơn.
Cần có quy hoạch và củng cố thêm hệ thống phân phối để gắn sản xuất với bán buôn, bán lẻ và người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian đó mới là điều quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay./.

Phương Khánh

www.ktdt.com.vn