Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế, nhu cầu về các kỹ sư ngành công nghệ thông tin (CNTT) cùng với quản lý đang gia tăng, trong khi một số ngành khác lại chứng kiến sự sụt giảm.
Theo Giám đốc kinh doanh toàn quốc mạng tuyển dụng nhân sự trực tuyến Vietnamworks.com, CNTT đang trở thành một hiện tượng đặc biệt, có sự tăng trưởng lớn về nhu cầu, dẫn đầu xu thế, vốn trước nay chỉ dành cho những ngành như bán hàng, tiếp thị, kế toán, hành chính và tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2012.
Một khảo sát của nhà tuyển dụng nhân sự cấp cao Talentnet kết hợp với Công ty Mercer, cũng cho thấy ngành đang có nhu cầu tuyển dụng cao cho năm 2012 là lĩnh vực CNTT, theo sau là dược phẩm, sản xuất và bảo hiểm.
Khảo sát của Talentnet cho thấy các giới trẻ vẫn thích làm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và ngân hàng khi nhiều sinh viên mới ra trường vẫn quan niệm đây là công việc thời thượng, lương cao, được các bạn đồng trang lứa nể trọng.
“Nhưng trong thực tế, nhu cầu các công việc thuộc về khối chuyên môn kỹ thuật như CNTT, dầu khí, sản xuất hiện đang cao, và lương của các công việc này cũng ngang bằng, thậm chí đôi khi cao hơn các công việc khác”, theo đại diện của Talentnet.
Ở lĩnh vực gia công phần mềm, nhân lực đang là cuộc chiến giành giật giữa các công ty trong nước. Đến cả một công ty chứng khoán lớn như Kim Eng, số lượng nhân viên môi giới chứng khoán, theo ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc, chừng 20% của hơn 200 nhân viên môi giới chứng khoán của công ty ông xuất phát từ ngành CNTT, chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Thiếu hụt nhân lực có tay nghề và quản lý ở Việt Nam, vẫn là một thách thức đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo một khảo sát của Economist Intelligent Unit hồi tháng 6 năm 2012.
Theo báo cáo này, nhu cầu về ngành nhân lực CNTT đang rất cao, như năm 2011 tăng 21% so với năm 2010, nhất là các lĩnh vực kỹ sư phần cứng, phát triển phần mềm, thiết kế web, lập trình viên.
Báo cáo dẫn nguồn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam rằng trong số chừng 300.000 sinh viên được tuyển vào các trường đại học và cao đẳng hàng năm, chỉ chừng 45.000 sinh viên theo học các ngành công nghệ, sản xuất và xây dựng.
Trong khi đó mục tiêu của Việt Nam là từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu kỹ sư về CNTT, điều đó có nghĩa là hàng năm ít nhất phải có hơn 60.000 sinh viên theo học ngành này.
Theo một khảo sát của Tổ chức xúc tiến Nhật Bản JETRO được báo cáo này trích dẫn, 51% các công ty than phiền khó tuyển được các kỹ sư có tay nghề, và 59% khó tuyển được cấp quản lý. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Singapore lần lượt là 28-30%, Ấn Độ là 25-26%, Philippines là 38-38%, còn Thái Lan là 53-43%.
Theo khảo sát của Vietnamworks, ba ngành có nhu cầu nhân lực giảm nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm là kiến trúc/thiết kế nội thất, bất động sản và dựng với mức trên dưới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm nay, nhu cầu nhân lực trực tuyến giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. 44/59 ngành chứng kiến mức tăng trưởng âm.
Theo chu kỳ hằng năm thì các nhà tuyển dụng dự báo từ quí 3 trở đi nhu cầu nhân lực trực tuyến sẽ giảm dần cho đến cuối năm.
Cầu giảm, nhưng cung lại tăng khi hàng năm, cứ đến tháng 7, khoảng hơn nửa triệu sinh viên của 386 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam sẽ tốt nghiệp, vì thế thị trường nhân lực sẽ lại rất cạnh tranh trong thời gian tới.
Theo thésaigontimes
Pingback: Thị trường “đói” nhân lực CNTT và quản lý | VIAMI Software