Việt Nam thực sự có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động là câu hỏi không dễ trả lời khi nhìn vào các số liệu được trình bày tại hội thảo bàn về sửa Luật Doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ngày 10-9.
Ông Phạm Quang Huy, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin và Cơ sở dữ liệu, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của bộ này cho biết, hiện nay, trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có hơn 650.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, không bao gồm số doanh nghiệp đã giải thể.
Tuy nhiên, trong số này có khoảng gần 310.000 doanh nghiệp còn thiếu, sai, hoặc chưa cập nhật thông tin. Ví dụ, sai về tình trạng hoạt động là 79.000 doanh nghiệp; thiếu thông tin là 82.000 doanh nghiệp; thiếu, sai thông tin và chưa được cập nhật là 149.000 doanh nghiệp.
Ông Huy cho biết, các thông tin còn thiếu, sai khác hiện nay gồm thiếu thông tin mã số doanh nghiệp; thiếu thông tin của địa chỉ trụ sở chính; thiếu thông tin về ngành nghề kinh doanh chính và mã ngành nghề kinh doanh; thiếu nội dung thông tin của đơn vị trực thuộc trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; thiếu tài liệu đính kèm; sai tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; sai về sở hữu nguồn vốn doanh nghiệp;…
“Điều này dẫn tới, việc các cơ quan quản lý nhà nước không có được đầy đủ thông tin chính xác về từng doanh nghiệp để quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đảm bảo sự tuân thủ pháp luật”, ông nói.
Tuy nhiên, tất cả số doanh nghiệp này có tồn tại hay không thì lại là câu hỏi.
Ông cho biết, tính đến đầu năm 2012, cả nước có hơn 545.000 doanh nghiệp thành lập theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đầu năm 2012, thì Tổng cục thống kê chỉ có thể gửi phiếu điều tra doanh nghiệp đến đúng 360.000 doanh nghiệp. Ông Huy cho rằng, đây là số doanh nghiệp đang hoạt động thật sự.
Như vậy, có nghĩa còn khoảng 185.000 doanh nghiệp (chiếm 34%) nằm khoảng trống chưa có thông tin chính xác.
Ông Huy nới: “Có nghĩa là 34% bức tranh doanh nghiệp của cả nước vẫn nằm trong bóng tối”.
Ông Huy cho biết thêm, trong số này cơ quan thuế chỉ quản lý, nắm bắt được hơn 67.000 doanh nghiệp đang hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, ông cho rằng, thực tế vẫn còn khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng cơ quan thuế chưa nắm được thông tin. Ông lý giải rằng, con số này địa phương báo cáo đang hoạt động nhưng do chưa khớp mã giữa 3 cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và thống kê.
Trong khi đó, bản dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy bức tranh về doanh nghiệp khá lộn xộn.
Theo số liệu Tổng cục thuế, cả nước có 336.000 doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ thuế tính đến ngày 31-12-2010.
Trong khi đó điều tra về kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam do Tổng cục thống kê công bố năm 2011 thì ở Việt Nam chỉ có 248.842 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến ngày 1-1-2010.
Mặc dù vậy, theo báo cáo gần nhất của Chính phủ, hiện đang có 468.600 doanh nghiệp đang còn hoạt động, chiếm 70% trong tổng số 663.800 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập.
Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2011, tổng số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là 53.972, tăng 24,8% so với năm 2010. Trong đó, số doanh nghiệp đã chính thức giải thể là 7.611, tăng gần 15% so với năm 2010; số doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng hoạt động hoặc không đăng ký nhưng ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế là 46.361, tăng 26,6% so với năm 2010.
Theo điều tra của Tổng cục thống kê, thì đến đầu tháng 5/2012 khoảng 8,3% số doanh nghiệp đã phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong đó, xét về thành phần kinh tế, có 2,7% số doanh nghiệp nhà nước, 9,1% số doanh nghiệp ngoài nhà nước và 2,2% số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Theo Thesaigontimes