Bạn đang tích lũy nhiều thói quen xấu, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều thất bại trong cuộc sống, công việc. Thay đổi chúng, cuộc đời của bạn sẽ chuyển bại thành thắng.
1. Sau thất bại, hãy luôn bắt đầu lại
Tập bỏ dần những thói quen xấu và cố gắng kiên nhẫn đến cùng dù quá trình thực hiện khó khăn và thất bại. Ví dụ, bỏ hút thuốc lá là một việc rất khó khăn và chắc chắn bạn sẽ thất bại rất nhiều lần, trước khi thực sự bỏ được những điếu thuốc đầy quyến rũ.
Thế nhưng, một khi bạn đã thành công, bạn sẽ nhận thấy sức khỏe được cải thiện, tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Và bây giờ, bạn đã hình thành một thói quen tốt hơn, khó bị phá vỡ hơn.
Vì vậy, khi bạn đặt ra mục tiêu để thay đổi thói quen xấu của mình, và cam kết với chính mình rằng – tôi không muốn thất bại – bạn sẽ có thêm sức mạnh và động lực. Trong trường hợp thất bại, bạn có thể một lần nữa cố gắng trở lại càng sớm càng tốt.
2. Xác định các tín hiệu của bạn
Trước khi những hành động xấu có thể trở thành thói quen, chúng đều có những dấu hiệu báo trước cho bạn: chúng từ đâu đến.
Nếu bạn nhận ra, bỗng dưng bạn chi tiêu, ăn uống, mua sắm, uống rượu… quá mức cần thiết, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân. Có thể bạn đang căng thẳng, mệt mỏi, chán nản… và tìm đến chúng như một cách giải tỏa.
Một khi đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến thói quen xấu, bạn có thể tìm được cách ngăn chặn chúng trước khi mọi thứ tệ đi.
3. Phá vỡ thói quen xấu bằng thói quen tốt
Thật khó khăn để thay đổi những thói quen xấu ngay lập tức. Thậm chí, bạn sẽ mệt mỏi, chán nản nếu trong đầu luôn ám ảnh những khẩu hiệu: “Phải giảm cân”, “Bỏ hút thuốc”, “Không đi làm trễ”.
Bí quyết để bạn đi qua những ám ảnh này là bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến những thói quen tốt, lành mạnh. Những suy nghĩ tích cực sẽ cho bạn thêm động lực, sự hứng khởi thay vì mệt mỏi khi nghĩ về những khuyết điểm của mình.
Ví dụ, bạn có thể nghĩ “chạy bộ buổi sáng” thay vì “ Phải giảm cân”; “nhai kẹo cao su” thay vì “phải bỏ thuốc lá”, “thức dậy sớm” thay vì “không đi làm trễ”.
Sẽ mất khá nhiều nỗ lực trong vài ngày đầu tiên, nhưng sau một thời gian những thói quen mới sẽ tự động được thực hiện để thay thế những thói quen xấu cũ.
4. Thay đổi môi trường, tạo động lực cho chính mình
Để thay đổi những thói quen không tốt, ý chí thôi chưa đủ. Những người thường tuyên bố về quyết tâm của mình lại thường thất bại rất nhanh.
Bạn cần có những phương pháp cụ thể hơn để thay đổi thói quen của mình: đó là thay đổi môi trường.
Ví dụ, một người sẽ bỏ hút thuốc dễ dàng hơn khi có một công việc mới. Khi có một lịch trình mới, chỗ làm mới, không còn ngồi cùng phòng với những người hút thuốc, nơi làm việc cấm hút thuốc lá, hay đơn giản từ văn phòng của bạn đến chỗ có bán thuốc lá quá xa, bạn đã được tiếp thêm sức mạnh, sự thuận lợi để bỏ thuốc.
Nếu bạn đang cố gắng để cải thiện việc ăn uống, có lẽ bước quan trọng nhất là tránh xa những món ăn vặt; không đi mua sắm khi đói bụng…
Nếu muốn tập thể dục buổi sáng, bạn có thể tự tạo điều kiện thuận lợi cho mình: mua bộ đồ thể thao thật đẹp, khiến bạn muốn mặc chúng ra đường vào sáng sớm, để chúng ở nơi bạn dễ thấy và mặc chúng.
Sau đó, bạn chỉ cần chắc chắn, mỗi ngày, vào đúng giờ đã định bạn sẽ bắt đầu tập thể dục. Chính sự lặp đi lặp lại đều đặn đó sẽ tạo thành thói quen tốt cho bạn, như bạn phải đánh răng, rửa mặt vào buổi sáng vậy.
5. Vạch trần những giả định sai của bạn
Những giả định sai sẽ góp phần củng cố những thói quen xấu. Có phải chúng ta thường nói với bản thân những câu như:
– “Tôi đang rất căng thẳng. Tôi cần một điếu thuốc để lấy lại bình tĩnh”
– “Ngày trả nợ còn rất xa. Sẽ chẳng có vấn đề gì đâu”
– “Tôi có tập thể dục thì cũng sẽ luôn béo ú và lười biếng”
– “Tôi đã thất bại nhiều lần trước đó rồi, và tôi sẽ chỉ thất bại thêm một lần nữa thôi”
Sự thật là những câu nói có vẻ rất hợp lý này đều không đúng sự thật. Đó là những nhận định sai lầm khiến tiềm thức của bạn chấp nhận những thói quen đó như một thực tế không bao giờ có thể thay đổi được.
Để thay đổi những điều đó, bạn có thể tự nói với mình những điều tích cực hơn như:
– Có 85% người không hút thuốc và họ đã tìm ra cách khác để đối phó với sự căng thẳng.
– Vấn đề không phải là bạn đang nợ bao nhiêu, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu trả trước một phần nợ mình đang vay. Việc đó cũng sẽ không làm bạn quá căng thẳng hay thiếu hụt ngay lập tức.
– Bất cứ ai cũng có thể đứng lên khỏi chiếc ghế và bắt đầu đi bộ. Bạn không cần phải trở thành một vận động viên Olympic để trở nên năng động hơn.
– Bạn có thể thất bại 100 lần miễn là bạn thành công một lần. Như vậy là đủ.
Theo Cafebiz.vn