Tiền “tin nhắn” đang khởi sắc

…Mua hàng trên trang web mua sắm chodientu.vn cho tới nạp “coin” chơi game của nhà cung cấp VTC Intecom, thanh toán tiền điện thoại, nước sinh hoạt, Internet… tất cả đều có thể được thực hiện ngay tại nhà chỉ bằng việc nhắn tin”…

Thanh toán bằng tin nhắn

Từ năm 2007, nhiều Doanh nghiệp bắt đầu tham gia thương mại điện tử bằng việc liên kết với các Ngân hàng và nhà mạng để tạo nên một cơ chế kiểm soát chung và cung cấp dịch vụ thanh toán bằng “tin nhắn” tới khách hàng. Theo đại diện một ngân hàng, khi khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty A có hỗ trợ thanh toán bằng tiền “tin nhắn”, thì  có thể nhắn tin để trả tiền mỗi khi mua hàng. Cách thức thực hiện khá đơn giản, trước tiên, khách hàng cần có một tài khoản tiền gửi ở ngân hàng để làm nguồn tiền phục vụ cho việc chi trả sau này.

Tiếp đến, là đăng ký dịch vụ cho phép chuyển số tiền trong tài khoản thành tiền “tin nhắn”. Theo đại diện Vietcombank, “Nếu có hỗ trợ dịch vụ trên, các ngân hàng sẽ liên kết trực tiếp số tiền trong tài khoản và số điện thoại của người sử dụng. Các nhà mạng sẽ quản lý thông tin số điện thoại này và thiết lập tổng đài để giúp ngân hàng quản lý thông tin giao dịch”. Như vậy, khi cần thanh toán cho dịch vụ gì, chủ tài khoản sẽ nhắn tin báo khoản tiền muốn trả đến tổng đài của công ty bán dịch vụ. Sau khi nhận được tin nhắn, tổng đài của công ty kia sẽ chuyển tin nhắn đến tổng đài của ngân hàng.

Lúc này, hệ thống của ngân hàng sẽ trừ tiền trong tài khoản của khách hàng và chuyển sang tài khoản của công ty bán dịch vụ. Song song đó, tổng đài của ngân hàng sẽ báo đến tổng đài của nhà mạng, nhà mạng lúc này sẽ gửi tin nhắn đến cho khách hàng thông báo giao dịch đã thành công. “Trong nhiều trường hợp, đôi khi tổng đài của ngân hàng sẽ làm luôn nhiệm vụ của tổng đài công ty điện thoại”, một chuyên gia cho biết. “Hình thức thanh toán tiền “tin nhắn” được đánh giá cao vì phương pháp thanh toán linh hoạt, nhanh gọn và dễ sử dụng. Trên thế giới, dịch vụ này đang phát triển rất mạnh và tại Việt Nam, những dấu hiệu ban đầu cho thấy chúng làm việc khá hiệu quả”.

Đa dạng, phong phú

Hiện tại, phương thức thanh toán các dịch vụ bên ngoài bằng tin nhắn đang được khá nhiều công ty áp dụng và mạng lưới chấp thuận chế độ tiền “tin nhắn” đang được phân bố một cách rộng rãi cho nhiều dịch vụ khác nhau. Đi tiên phong trong lĩnh vực này,  ngân hàng Techcombank và công ty FPT đã hợp tác cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ ADSL của nhà cung cấp FPT và có tài khoản ở Techcombank là có thể nhắn tin để thanh toán cước phí. Hàng loạt các ngân hàng sau đó cũng tham gia dịch vụ này với nhiều chính sách khác nhau.

Hoạt động hiệu quả và rầm rộ nhất chính là các công ty kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Công ty Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú (MobiVí) kết hợp với taxi Mai Linh tạo điều kiện cho khách hàng trả tiền taxi bằng tin nhắn. “Từ việc trả tiền mua phí bảo hiểm xe cơ giới của Bảo Minh, mua hàng trên trang web mua sắm chodientu.vn cho tới nạp “coin” chơi game của nhà cung cấp VTC Intecom, thanh toán tiền điện thoại, nước sinh hoạt, Internet… tất cả đều có thể được thực hiện ngay tại nhà chỉ bằng việc nhắn tin”, một nhà quan sát tổng kết.

Đôi khi mất tiền oan

“Tôi nạp thẻ cho người nhà bằng tin nhắn, lúc nhắn tin lên tổng đài thì được báo là giao dịch đã thành công nhưng phải đến chiều hôm sau tài khoản của người nhà tôi mới có được tiền do tôi nạp bằng dịch vụ trên.” thành viên vosio7953 trên một diễn đàn công nghệ của Việt Nam cho biết. Theo thành viên này, việc thanh toán bằng tiền “tin nhắn” chỉ nên sử dụng khi việc thanh toán có khoảng trống khá lớn về thời gian. Theo các chuyên gia, độ bảo mật của dịch vụ chuyển đổi tiền “tin nhắn” đã được nâng cấp rất nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi sự cố trong khi việc thanh toán vẫn chưa có hóa đơn chứng từ bảo đảm và bên chịu tổn thất luôn là khách hàng. “Nên chăng nhà mạng nên kết xuất hóa đơn cho người dùng dịch vụ này vào cuối tháng để người dùng kiểm soát giao dịch được tốt hơn”, một khách hàng của Vietcombank đề nghị. Tuy nhiên, trao đổi với đại diện của MobiFone, họ chỉ kết xuất hóa đơn cho các thuê bao trả sau, còn thuê bao trả trước thì chưa. Trong khi đó, người dùng dịch vụ tiền “tin nhắn” phần nhiều là thuê bao trả trước.

Theo Xahoithongtin