Tránh bẫy ODA

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách thu hút nguồn tài trợ phát triển chính thức (ODA).

Từ năm 1993, cộng đồng tài trợ quốc tế hằng năm hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam và Chính phủ đã cố gắng giải ngân, đạt hơn 55% vốn ODA được ký kết.

Các nguồn vốn này đã hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, cải cách hành chính… Nhưng, hiện nay Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, không nên hoan nghênh, thậm chí nên từ chối nguồn vốn tài trợ này.

ODA không phải là chuyện mới của thế giới, nó là chuyện cũ và đã được kết luận. ODA là không hiệu quả, là rủi ro rất lớn về tham nhũng cả phía tài trợ và phía nhận tài trợ.

Các học giả từ thời kỳ Xô Viết đã gọi đó là “một thứ chủ nghĩa thực dân mới”, đồng thời khuyên các nước kém phát triển không hoan nghênh tài trợ ODA.

Tính toán của nhiều học giả cũng cho thấy, các nước phát triển tài trợ 1 đồng nhưng sẽ thu lại 2-3 đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nước đang phát triển vẫn tự nguyện rơi vào bẫy ODA.

Về nguyên tắc, nước nhận tài trợ ODA có toàn quyền sử dụng và quản trị các dự án tài trợ, nhưng trong thực tế, đó chỉ là quyền thỏa thuận. Nước tài trợ quan tâm rất sát việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Các dự án sử dụng vốn này đều phải được đảm bảo khoảng 90% các chi phí thiết kế dự án, máy móc thiết bị, vật tư… nhập của nước tài trợ, thành ra phần trăm nước nhận tài trợ được hưởng rất ít.

Nhưng đáng ngại nhất là khâu quy hoạch thiết kế các công trình cơ sở hạ tầng, đó là chỗ tham nhũng, lãng phí rất lớn cả phía tài trợ và phía nhận tài trợ. Ở đây, có lợi ích của nhà đầu tư, chủ đầu tư và nếu họ thông đồng với nhau, lợi ích quốc gia sẽ trở thành thứ yếu.

Vốn ODA có lãi suất thấp trong nhiều năm. Điều đó tưởng là hấp dẫn, tưởng là tốt, nhưng khi cộng tất cả lại thì kém hiệu quả. Số tiền lời và vốn khi trả nợ tăng lên rất nhiều do phải tính thêm tỷ lệ phá giá đồng tiền của quốc gia thiếu nợ.

Một yếu tố nữa cũng tác động tiêu cực đến việc nhận tài trợ ODA là phải trả nợ bằng ngoại tệ, chủ yếu là đồng đô la Mỹ. Điều này, khiến nợ nước ngoài của nước nhận tài trợ gia tăng, do phải trả phần phụ trội rất lớn.

Với một khoản vay ODA, quốc gia cấp tài trợ phải đạt được 3 lợi ích. Thứ nhất, lợi ích quốc gia thu về phải lớn hơn mức tài trợ. Thứ hai, các công ty tham gia vào thực hiện các dự án có lợi. Thứ ba, các cá nhân tham gia vào đấy cũng được hưởng lợi.

Sau ba thứ lợi ích đấy, lợi ích quốc gia nhận tài trợ thu về không bao nhiêu, đó là chưa kể đến bên nhận tài trợ cũng có các cá nhân, công ty tham gia xà xẻo khi thực hiện dự án. Nói hết thì chưa đúng, nhưng bên nhận tài trợ có thể có được một công trình hữu dụng thấp.

Việt Nam đã chứng kiến hệ thống cảng của Bà Rịa – Vũng Tàu rất lớn và tốt nhưng không cạnh tranh được với Bình Dương và Đồng Nai, cho nên công suất sử dụng của cảng Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạt vài chục phần trăm.

Những năm gần đây, giải ngân vốn ODA chậm, hầu hết các địa phương đưa lý do không có vốn đối ứng, bởi ngân sách địa phương hạn hẹp. Nhưng Trung ương vẫn dùng ngân sách để đối ứng không ít dự án, chẳng hạn, cảng Cái Mép cũng dùng vốn ODA và vốn đối ứng là của Trung ương.

Tuy nhiên, nếu tính khả năng sử dụng vốn ODA, thu hồi lại để trả nợ thì chắc chắn là khó. Cảng Cái Mép xây xong rồi để không, bây giờ Bộ Giao thông – Vận tải dự tính sẽ cho thuê lại.

Tương tự, cảng Thị Vải xây xong nhưng gần như không dùng, bởi nó có vấn đề ngay từ chủ trương đầu tư, ngay từ việc 800 triệu USD đầu tư xây cảng. Người ta đặt vấn đề, nếu để một công ty trong nước thực hiện, chắc chắn không đến con số đấy.

Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam với các nhà tài trợ cũng đã có sự thay đổi, từ một quốc gia nhận tài trợ được đẩy lên một cấp cao hơn là đối tác hợp tác cùng phát triển.

Đã có ý kiến tin tưởng, vị thế mới này cho phép Việt Nam có được cơ chế hợp tác ràng buộc hơn trong các tiếp nhận, sử dụng ODA. Nhưng trên thực tế, dù là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, ODA vẫn là nguồn vốn tài trợ từ chính phủ các quốc gia phát triển.

Bỏ qua yếu tố chính trị, chỉ xét về khía cạnh kinh tế, thì một quốc gia cũng giống như một công ty, không bao giờ chi tiền mà không mang lại lợi ích. Nước tài trợ đưa ra một đồng là tính ngay đến việc sẽ thu về mấy đồng. Như vậy, sẽ là sai lầm nếu nghĩ vốn ODA là một thứ viện trợ vô tư.

Theo DNSG