Chi nhánh Canada của một công ty đa quốc gia đóng tại Mỹ hôm 28/6 thừa nhận đã gửi phần mềm mà công ty này dùng trong phát triển trực thăng tấn công tiên tiến cho Trung Quốc.
Thừa nhận trên được đưa ra tại một tòa án liên bang Mỹ, luật sư tại Connecticut cho hay.
Pratt & Whitney Canada – một chi nhánh của Hartford, tập đoàn công nghệ United (UTC) đóng tại Connecticut, đã thừa nhận vi phạm Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí. Trong một vụ việc từ cách đây hơn một thập niên, công ty này thú nhận đã bán phần mềm dùng cho phát triển và thử nghiệm trực thăng mới Z-10 cho quân đội Trung Quốc.
UTC, Pratt & Whitney Canada và một chi nhánh khác của UTC là – Hamilton Sundstrand Corporation – đã chấp thuận trả hơn 75 triệu USD như một phần của thỏa thuận với chính phủ Mỹ vì vi phạm xuất khẩu vũ khí và báo cáo sai, theo báo cáo của luật sư Mỹ David B. Fein và nhiều quan chức liên bang khác
Công ty và các chi nhánh trên dự kiến phải trả 20,7 triệu USD cho Bộ Tư pháp và 55 triệu USD cho Bộ Ngoại giao để giải quyết những vấn đề xuất khẩu còn tồn tại, gồm cả những gì liên quan tới Z-10, tài liệu của tòa án cho thấy.
Các quan chức liên bang đã chỉ trích UTC và chi nhánh của nó, nói rằng vụ này là một ví dụ rõ ràng cho thấy việc xuất khẩu những công nghệ nhạy cảm làm giảm lợi thế của quân đội Mỹ như thế nào.
Theo một tài liệu của tòa án, một lá thư điện tử nội bộ hồi tháng 9/2001 từ một nhà quản lý cấp cao của công ty trên cho thấy, các quan chức của Pratt & Whitney Canada biết, việc bán công nghệ có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Chúng ta phải đặc biệt cẩn thận về chương trình trực thăng đang làm ăn với Trung Quốc không bị coi là chương trình quân sự”, lá thư của nhà quản lý trên viết. “Do có những lệnh cấm, chúng ta phải đặc biệt cẩn thận với chương trình Z10C. Nếu chuyến bay đầu tiên có súng máy, chúng ta sẽ có vấn đề với chính phủ Mỹ”.
Nhà thầu trên bị buộc tội chọc vào mạn sườn của các đối thủ châu Âu và tìm một chỗ đứng trong thị trường trực thăng dân dụng béo bở ở Trung Quốc, vốn được dự báo là giá trị tới 2 tỷ USD trong những năm sắp tới.
Một thông báo trong nội bộ của công ty trên vào tháng 9/2002 ghi rõ “thị trường trực thăng dân dụng Trung Quốc là rất lớn, ước tính gần tới 20.000 chiếc. Quan chức Trung Quốc bị cáo buộc “đã khẳng định rõ ràng là nếu Pratt & Whitney Canada muốn động cơ của nó được cân nhắc cho các phiên bản máy bay dân dụng chưa được phát triển của Trung Quốc, công ty này phải chứng minh rằng động cơ của công ty dùng được cho quân sự”.
Mỹ áp đặt cấm bán công nghệ quân sự cho Trung Quốc từ năm 1989. Chưa đầy một năm sau, Quốc hội Mỹ lại củng cố lệnh cấm, chỉ rõ những trực thăng và bộ phận trực thăng trong lệnh cấm.
Trực thăng Z10 được lực lượng vũ trang Trung Quốc sản xuất và bắt đầu dùng vào năm 2009, Bộ Tư pháp Mỹ cho hay. Trực thăng này có thể gắn súng, tên lửa chống tăng và không đối không.
Theo CNN