Vẽ lại bức tranh “lổn nhổn”

Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011- 2015), khung thời gian khoanh lại nửa nhiệm kỳ 2011 – 2015 là hợp lý, nhưng nên đặt trong cả chiến lược 10 năm (2011- 2020).

Hơn nữa, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI nêu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm là nền tảng để đến 2020, cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp, nhưng đến nay nền tảng ấy mạnh, vững thế nào thì chưa thấy nói tới.

Về phạm vi kiểm điểm, kế hoạch 5 năm nêu 9 nhiệm vụ khác nhau, trong đó kinh tế chỉ là một, nếu không nhìn 8 cái còn lại, kinh tế sẽ đơn độc và không giải thích được vì sao trì trệ. Bên cạnh đó, 5 quan điểm chỉ đạo của chiến lược 10 năm, hoặc chưa thực hiện được, hoặc chệch hướng.

Do đó, phải đặt kinh tế trong tổng thể khung phạm vi kiểm điểm, vì có rất nhiều cái không kinh tế nhưng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, nếu không xem xét, khó đánh giá.

Vấn đề cần quan tâm nhiều hơn, đi sâu hơn là thực hiện chủ trương của Đại hội XI. Báo cáo chính trị Đại hội XI khoảng 4 trang, báo cáo kinh tế dài hơn một chút, có 2 nhóm chủ trương lớn về thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, thể chế có 6 nhóm việc, đổi mới mô hình tăng trưởng có 5 nhóm việc.

Sau nửa chặng đường thực hiện những chủ trương này, chỉ thấy một “bức tranh lổn nhổn” và phần lớn không đi vào cuộc sống.

Chủ trương về thị trường tài chính nêu rõ, phải phát triển vững chắc thị trường tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh, vận hành an toàn, được quản lý, giám sát hiệu quả. Hay phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, tập trung đổi mới hoàn thiện thể chế quyền sử dụng đất.

Đặc biệt, trong phần xây dựng thể chế có chủ trương xây dựng một số tập đoàn mạnh… Chủ trương đề ra như vậy nhưng những bộc lộ trong mấy năm qua không như chủ trương mong muốn.

Sắp xếp lại thấy rất rõ: Thứ nhất, nhóm bao gồm số không nhiều lắm chủ trương đã được thực hiện và đem lại kết quả nhất định. Thứ hai, nhóm các chủ trương mới thực hiện được một phần.

Thứ ba, nhóm chủ trương không thực hiện được hoặc là không thực hiện. Thứ tư, nhóm làm ngược lại chủ trương đề ra. Ở đây có mấy nguyên nhân. Một là, do chủ quan duy ý chí nên đề ra những cái không tưởng. Hai là, đề ra nhưng không làm hoặc làm ngược lại.

Ba là, do tình hình đảo lộn, chỉ tập trung vào những cái trước mắt, còn những cái kia tạm gác lại. Bốn là, tình hình thực tế biến động nhưng không lường được. Như vậy, nên rà soát lại từng chủ trương xem thực hiện được đến đâu, nếu rà soát trúng thì mới sửa được.

Trong các báo cáo, khó khăn của khủng hoảng kinh tế thế giới, khó khăn nội tại của nền kinh tế là những nguyên nhân được nêu lên đầu, nhưng ít phân tích về những sai lầm trong chính sách điều hành nền kinh tế. Nhất trí không thể bỏ qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu, vì mấy lẽ.

Thứ nhất, nhiều nước bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, không phải riêng Việt Nam, nhưng ngay cả Lào, Campuchia cũng không đến nỗi như ta. Thứ hai, kết quả từ những cái liên quan đến kinh tế thế giới rất khá, xuất khẩu tăng trưởng tương đối cao, đầu tư nước ngoài không thấp, du lịch không sụt giảm.

Những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã tồn tại từ thời kỳ bắt đầu đổi mới. Do đó, phải mạnh dạn nhìn vào cái cơ bản nhất, chủ quan nhất là để vỡ ổn định kinh tế vĩ mô.

Bắt đầu từ 2007, bất ổn kinh tế vĩ mô bộc lộ rất gay gắt, dù khẩu hiệu từ đó đến nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và gần đây là phát triển hợp lý.

Khó khăn nội tại là nguyên nhân có thật, nhưng trước kia nó không đến nỗi như bây giờ. Chỗ này, nếu không mạnh dạn xử lý, sẽ lúng túng khi đưa ra giải pháp.

Về các đề xuất điều chỉnh kế hoạch kinh tế 5 năm để phù hợp với tình hình hiện nay, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Đề xuất điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu không khó, thay vì trước kia tăng trưởng là 7,5 – 8% nay kéo xuống 6,5%, nhưng làm như vậy chỉ thay đổi được con số, không thay đổi được tình hình.

Mặt khác, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, không phải là cái gì cháy bỏng lắm. Quá trình công nghiệp hóa của thế giới diễn ra hàng trăm năm, nhưng thế nào là công nghiệp hóa và công nghiệp hóa bằng cách nào, mới là chuyện đáng bàn. Đề xuất chọn cung hay cầu, vấn đề đáng cân nhắc.

Chọn cung trong bối cảnh cầu đang thấp, cung ra thì chỉ cất vào kho, mà tồn kho tăng thì xử lý thế nào. Sẽ khó có chính sách đúng nếu không làm rõ chỗ này.

Một yếu tố nữa, chúng ta không tin vào những con số mà cứ phân tích để đi đến kết luận là rất khó. Ví dụ như nợ xấu, bây giờ không biết tin vào con số nào vì nay thế này mai thế kia.

Hoặc số doanh nghiệp nhà nước không phải là 1.300 mà lên tới hơn 3.000, ngoài ra còn có 8.000 doanh nghiệp của các đoàn thể và 11.000 doanh nghiệp công ích… Không phản bác, nhưng phải rất cảnh giác, đồng thời nhìn vào chính sách, nhìn vào thực trạng xã hội để phân tích, như vậy sẽ đúng hơn.

Theo DNSG