Vượt mặt đối thủ nhờ công nghệ phân tích kinh doanh

Trả lời ICTnews, bà Cấn Thị Thanh Hải, phụ trách Nhóm phần mềm Rational, Bộ phận Phần mềm IBM Việt Nam cho biết, khi các doanh nghiệp đang cạnh tranh gay gắt thì việc ứng dụng các giải pháp CNTT sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo lợi thế cạnh tranh trước đối thủ.

Thưa bà, đâu là những thách thức đang được đặt ra cho bộ phận kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay trong vấn đề liên kết giữa hoạt động CNTT và kinh doanh?

Thách thức đặt ra cho các bộ phận CNTT của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là làm thế nào liên kết chặt chẽ với các bộ phận kinh doanh, đưa CNTT không chỉ là một bộ phận hỗ trợ, giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà còn là thành phần chủ động, tham gia hiệu quả vào việc hoạch định, thực hiện thành công các mục tiêu kinh doanh.

Tuy nhiên, các Giám đốc CNTT trong tổ chức, doanh nghiệp thường gặp khó ở việc gắn kết các mục tiêu CNTT với mục tiêu kinh doanh, để đưa ra được quyết định đầu tư cho dự án CNTT một cách hiệu quả, phục vụ chính xác mục tiêu kinh doanh, quản lý và điều khiển các chi phí đầu tư vào CNTT.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cũng đòi hỏi bộ phận CNTT cần phải có khả năng ứng phó linh hoạt hơn trước sự thay đổi liên tục của thị trường, trong khi vẫn phải quản lý tốt rủi ro và tuân thủ quy định của tổ chức.

Vậy, nếu việc liên kết CNTT và kinh doanh trong doanh nghiệp không hiệu quả sẽ dẫn tới hậu quả thế nào, thưa bà?

Nếu CNTT không gắn kết được với các bộ phận kinh doanh, tức là không thực sự phục vụ các mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả, không chứng minh được giá trị của CNTT trong doanh nghiệp, sẽ dẫn tới việc không quản lý được các rủi ro trong đầu tư và hiệu quả đầu tư kém. Nhưng quan trọng hơn, việc thiếu hợp tác giữa bộ phận CNTT và kinh doanh sẽ làm cho tổ chức không tận dụng được lợi thế về công nghệ để thúc đẩy thực hiện ý tưởng phát triển kinh doanh. Trong bối cảnh CNTT ngày càng trở đóng vai trò “xương sống” trong các hoạt động, thất bại trong việc tận dụng các lợi thế của CNTT sẽ làm cho tổ chức mất tính cạnh tranh và đi sau đối thủ trên thị trường.

Tại Việt Nam, gần đây IBM đã giới thiệu các công nghệ thuộc nhóm giải pháp phần mềm IBM Rational nhằm “gỡ khó” cho những thách thức nói trên tại các doanh nghiệp, tổ chức. Vậy bà có thể trao đổi cụ thể về sự ưu việt của giải pháp này?

Giải pháp IBM Rational Business Planning and Alignment giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức có thể gắn kết chặt chẽ giữa kinh doanh và CNTT, từ việc lên kế hoạch, đưa ra mục tiêu CNTT phù hợp với những thay đổi của tổ chức, công nghệ, cho tới việc quản lý, thực hiện dự án CNTT, triển khai phần mềm hoàn thiện tới các bộ phận.

IBM Rational cung cấp cho bộ phận CNTT số liệu cập nhật đo lường các chỉ số hoạt động và thành công của những mục tiêu kinh doanh; giúp nhà quản lý quản trị doanh nghiệp dễ dàng, linh động hơn, thường xuyên đánh giá được mức độ ưu tiên của dự án CNTT trong bối cảnh mục tiêu, môi trường kinh doanh luôn biến đổi.

Các giải pháp của IBM được quản lý và đóng gói theo các thành phần phục vụ cho từng mục tiêu cụ thể trong một lĩnh vực cụ thể, được tùy biến theo từng tổ chức. Đặc biệt các tổ chức và doanh nghiệp mà các hệ thống CNTT đóng một vai trò quan trọng (như khối ngân hàng, khối chính phủ, các tập đoàn lớn) thì việc ứng dụng giải pháp IBM Rational rất cần thiết để tận dụng lợi thế về công nghệ cho hoạt động của tổ chức, đảm bảo việc đầu tư hợp lý và hiệu quả cao nhất.

IBM Rational đang được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới triển khai nhưng tại Việt Nam vẫn còn “rụt rè”. Vậy bà đánh giá đó là do yếu tố rào cản tài chính hay tầm nhìn lãnh đạo doanh nghiệp hạn chế?

Kinh tế khó khăn, hiện các doanh nghiệp đang phải tối ưu hóa chi phí cho hoạt động, đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực tạo lợi thế cạnh tranh, đi trước đối thủ như công nghệ. Tuy nhiên việc quyết định đầu tư thế nào, kiểm soát đầu tư ra sao lại không đơn giản đối với lãnh đạo của các tổ chức do họ phải cân nhắc quá nhiều yếu tố như hiện trạng của doanh nghiệp, mục tiêu, tình hình thị trường, đối thủ… trong khi đó các yếu tố và mức độ ưu tiên còn thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh cụ thể.

CNTT có thể mang lại cho các nhà lãnh đạo những công cụ hiệu quả để nhận diện, phân tích và đánh giá những yếu tố nói trên trong quá trình quyết định đầu tư và quản lý các dự án. Vì vậy bên cạnh việc đầu tư vào con người hay chính sách hợp lý còn là việc đầu tư vào các công cụ giúp nhà quản lý đưa ra quyết định sáng suốt hơn dựa trên những thông số định lượng của chính doanh nghiệp đó.

Tôi cho rằng, để làm được việc này trước hết lãnh đạo của doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi nhận thức và tầm nhìn trong việc đưa các ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc đầu tư cho các giái pháp nhỏ, phù hợp với điều kiện tài chính của họ.

Theo ICTnews