Vấn đề cần quan tâm là sự rời rạc của doanh nghiệp

“Ra đời khá muộn và đúng vào thời điểm nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bù lại, Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ lãnh đạo tỉnh cùng sự tin cậy của các doanh nghiệp (DN) địa phương, TS. Trần Khắc Tâm nhận định”.

 

* Xin ông cho biết vì sao tới thời điểm này tỉnh Sóc Trăng mới thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp?

– Ngày 31/5/2013, Sóc Trăng tổ chức Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp. So với một số tỉnh, tổ chức này ra đời có trễ hơn, bởi phải chờ những điều kiện chín muồi.

Sóc Trăng là tỉnh còn khó khăn, hoạt động của các DN trước đây chưa tìm được tiếng nói chung. Nhưng điều đáng mừng là trong các năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến hoạt động của DN.

Trong các lần gặp gỡ DN, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Võ Minh Chiến, đã chỉ đạo UBND, các sở, ngành phải tập trung giải quyết khó khăn cho DN, lắng nghe ý kiến và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN làm ăn.

Bí thư Tỉnh ủy còn yêu cầu phải thành lập Hội Doanh nghiệp Trẻ với mục đích “nhập hộ khẩu” các DN vào chung một nhà, vì đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh.

Nhưng sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, Bí thư lại mong muốn Sóc Trăng phải có Hiệp hội Doanh nghiệp để các DN có tiếng nói mạnh hơn, có thể chia sẻ kinh nghiệm cho nhau cũng như hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng ra đời.

* Định hướng mục tiêu hành động của Hiệp hội DN Sóc Trăng là gì, thưa ông?

– Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng sẽ tập trung xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức hiệp hội có cùng mục tiêu. Chúng tôi đã và đang nỗ lực phát triển tổ chức và nguồn nhân lực, bởi năng lực cán bộ sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của Hiệp hội.

Hiện Văn phòng Hiệp hội đã tuyển được ba biên chế, sau này sẽ tăng lên năm. Để đảm bảo nguồn cán bộ có năng lực, chúng tôi tuyển dụng theo tiêu chuẩn của Hiệp hội, thường xuyên đào tạo và đào tạo bổ sung.

Một việc quan trọng nữa là Hiệp hội sẽ phát triển các hoạt động, dịch vụ nhằm tạo nguồn thu cho Hiệp hội. Trong vài năm đầu, Hiệp hội còn nhận được sự tài trợ từ “bầu sữa” dự án “Phát triển DN nhỏ và vừa” của CIDA (Canada) nhưng khi “dứt sữa”, chúng tôi phải tạo nguồn thu nhập bằng nhiều cách.

* Tỉnh Sóc Trăng có trên 1.200 DN, nhưng hiện Hiệp hội chỉ mới có 84 DN hội viên. Ông có thể cho biết lý do số lượng hội viên còn hạn chế?

– Trong điều kiện tổ chức Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp khá cập rập, nhưng Ban vận động thành lập Hiệp hội đã làm việc rất tích cực và kết quả là đã vận động được 84 DN tham gia. Theo tôi, đây là những DN tiêu biểu của Sóc Trăng, hoạt động ở nhiều lĩnh vực.

Chúng tôi đặt mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ vào năm 2018 sẽ phát triển từ 200 – 250 hội viên là các DN, các tổ chức, hiệp hội địa phương, các cá nhân là nhà quản lý, nhà khoa học và hội viên liên kết, các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Một số ý kiến cho rằng, trong 5 năm mà chỉ phát triển bấy nhiêu hội viên là chưa xứng tầm, nhưng với chúng tôi, chất lượng mới là quan trọng nhất.

* Ông có thể nói đôi nét về sự liên kết, hợp tác của Hiệp hội?

– Chúng tôi xem việc liên kết, hợp tác với bên ngoài là rất quan trọng. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhất là dự án “Phát triển DN nhỏ và vừa” do CIDA tài trợ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm đến các tổ chức trong nước, nhất là các hiệp hội có cùng mục tiêu, để được chia sẻ kinh nghiệm. Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng “sinh sau đẻ muộn”, kinh nghiệm chưa có nên chúng tôi sẽ tổ chức các đợt học hỏi kinh nghiệm nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động vì mục tiêu chung là hỗ trợ, phát triển DN.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không quên tiềm lực sân nhà thông qua việc liên kết với các DN, các nhóm ngành nghề thuộc các lĩnh vực để tăng cường lợi ích cho các bên.

 

* Theo ông thì các tổ chức hội nghề nghiệp đang gặp những khó khăn gì?

– Lúc kinh tế còn thoải mái, DN làm ra đồng tiền còn dễ thì hoạt động của các hiệp hội cũng thuận lợi hơn. Khi đó, có vận động DN tham gia, đóng góp cũng đỡ ngại hơn. Còn hiện giờ DN hoạt động ở lĩnh vực nào cũng lao đao.

Chuyện lo tiền trả lương cho công nhân, trả lãi ngân hàng, tiêu thụ sản phẩm đã đủ khiến những ông chủ DN đau đầu, nên làm sao họ còn tâm trí mà tham gia “hội hè”.

Nhưng đây không phải là vấn đề lớn, vì “sau cơn mưa, trời lại sáng”, cái tôi quan tâm là sự rời rạc, chưa tìm được tiếng nói chung giữa các DN. Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng có nhiệm vụ kết nối các DN lại gần nhau hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Theo DNSG