Vẫn tranh cãi việc xiết vi phạm bản quyền trên Internet

Sự ra đời của Thông tư liên tịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ bản quyền trên môi trường mạng sẽ giúp các đơn vị quản lý Nhà nước thuận lợi hơn khi xử lý các đơn vị vi phạm, thay vì “đổ lỗi cho cộng đồng chia sẻ” như trước.

Thông tư liên tịch mới ra đời sẽ giúp các đơn vị quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc xử lý các đơn vị vi phạm trên môi trường Internet, viễn thông.

Sẽ hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền?

Ngày 19/6,  Bộ VH-TT&DL và Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư liên tịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số… trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông. Thông tư chính thức có hiệu lực từ 6/8/2012.

Đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhận định, tính thực thi của thông tư sẽ phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải của những nhà cung cấp trung gian bởi vì, nếu các nhà cung cấp chấp hành tốt quy định thì không cần ra Thông tư. Do đó, tác động của Thông tư phụ thuộc vào sự ra tay của cơ quan quản lý thông qua công tác thanh, kiểm tra hay khiếu nại của chủ thể bị xâm phạm quyền.

Thông tư này sẽ giúp Trung tâm thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm các đơn vị vi phạm thay vì như trước kia, một số doanh nghiệp đưa ra lý do nội dung không phải do họ đưa lên mà là cộng đồng mạng xã hội, diễn đàn làm việc đó nên không vi phạm bản quyền và từ chối hạ ca khúc vi phạm xuống vì đã có điều khoản thành viên tự chịu trách nhiệm. Khi đó, các doanh nghiệp yêu cầu Trung tâm phải tự tìm kiếm thành viên tải ca khúc vi phạm thay vì làm việc với họ.

Theo đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, những trang web nhạc, mạng xã hội đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả thay cho các thành viên gồm khoảng 19 website như mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhacso.net…. sẽ không phải chịu tác đông của Thông tư và cộng đồng có thể chia sẻ ca khúc trên đó. Tuy nhiên, đó chỉ là quyền tác giả, còn phải xét đến quyền liên quan (quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa). Còn đối với những web mạng xã hội, nghe nhạc xuyên biên giới như Facebook, Google…, chúng ta có thể nhờ các tổ chức quốc tế can thiệp để yêu cầu gỡ ca khúc vi phạm.

Còn nhiều tranh cãi

Trao đổi với phóng viên ICTnews, đại diện trang web Nhaccuatui.com cho biết, chúng ta cần xem lại phần quản lý đối với nguồn đăng tải, cần xác định rõ là cá nhân chịu trách nhiệm hay chính website chịu trách nhiệm. Với tính chất là mạng xã hội, việc tiền kiểm duyệt chắc không làm được mà hậu kiểm lại hướng về các website mạng xã hội thực hiện. Do vậy, đối tượng chịu trách nhiệm với nội dung đăng tải không thể là chủ website. “Tôi nghĩ trang web chỉ chịu trách nhiệm khi không thực hiện việc yêu cầu gỡ bỏ theo quy định”, vị này cho biết thêm.

Về tính chất mạng xã hội, Nhaccuatui.com cho phép người dùng đăng những bài hát yêu thích, những bài hát do chính người dùng hát.. để chia sẻ cho bạn bè. Với chuyện bản quyền Nhaccuatui.com cố gắng thực hiện bằng cách tìm các hãng đĩa, tác giả trong và ngoài nước mua bản quyền hoặc chia sẻ doanh thu. Bản thân Nhaccuatui.com là 1 trong những đơn vị đi đầu trong việc mua bản quyền trong nước và quốc tế tại Việt Nam. Nếu người đăng, hãng ghi âm, người hát… muốn yêu cầu gỡ bỏ bài hát vi phạm thì chỉ cần gửi email đến, Nhaccuatui sẽ xử lý ngay trong vòng 24 giờ.

Bên cạnh đó, vị đại diện này cho rằng, Internet là cuộc chơi quốc tế và không giới hạn khoảng cách không gian. Do vậy, chính sách hay quy định mới nên theo quy định chung của toàn thế giới đã và đang áp dụng. Điều này giúp cho doanh nghiệp cạnh tranh công bằng với các website nước ngoài. Các quy định khác sẽ góp phần tạo thêm khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế.

Còn theo đại diện FPT Telecom, mặc dù đây là lần đầu tiên có văn bản quy định chi tiết về việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường mạng Internet và viễn thông nhưng đối với quy định “gỡ bỏ và xoá nội dung thông tin vi phạm quyền tác giả, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet” – nếu xét về vấn đề pháp lý thì điều khoản này có thể coi là mang tính áp đặt, chưa phù hợp với pháp luật hiện hành. Bởi vì, vêệc xác định vấn đề liên quan đến vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ là thuộc về lĩnh vực Dân sự, chỉ có cơ quan tài phán (Tòa án) mới có thẩm quyền phán xét ai đúng, ai sai và có vi phạm về bản quyền/sở hữu trí tuệ hay không? Việc xác định về “vi phạm quyền tác giả/sở hữu trí tuệ” cũng phải trải qua những bước như xác minh, thu thập chứng cứ hay một quá trình tố tụng…

“Như vậy, thanh tra Bộ liệu có thẩm quyền để kết luận sự việc đã “vi phạm quyền tác giả/quyền sở hữu trí tuệ” để yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin vi phạm về quyền tác giả, cắt, ngừng, tạm ngừng đường truyền Internet như trên hay chưa?”, đại diện FPT Telecom nhấn mạnh.

Hay quy định doanh nghiệp Internet phải “cung cấp các thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số, trang thông tin điện tử và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác” theo yêu cầu của Thanh tra Bộ là chưa thỏa đáng, có thể làm ảnh hưởng đến bí mật thông tin kinh doanh, thông tin cá nhân… do việc khách hàng thuê chỗ của doanh nghiệp Intertnet thuần túy là hợp đồng/giao dịch dân sự…

Cuối cùng, Thông tư quy định doanh nghiệp Internet phải “chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả” khi “là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa”, theo đại diện FPT Telecom cũng chưa hợp lý vì việc ai bồi thường cho ai phải do Tòa án quyết định, theo nguyên tắc ai có lỗi thì phải bồi thường.

Đại diện FPT Telecom cho rằng, xác định vi phạm không phải là việc dễ dàng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Để xác định và khẳng định một hành vi vi phạm, phải có đủ căn cứ chứng minh hợp pháp, nếu không sẽ dẫn đến khẳng định không đúng về vi phạm, có thể gây ra các hậu quả pháp lý không mong muốn nhất là khi những trang web chủ yếu do cộng đồng chia sẻ. “Điều nay càng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trung gian khi  xác định vi phạm, vì đó không phải là các nguồn chia sẻ chính thức và có bản quyền”, đại diện FPT Telecom nhấn mạnh.

Theo ICTnews