Cục Thuế và các chi cục thuế quận – huyện TP.HCM đã triển khai nhiều văn bản liên quan thuế từ Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế đến doanh nghiệp (DN) trong tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” từ 11 – 17/11. Tuy nhiên, sự chưa nhất quán về cách thực hiện giữa các cơ quan thuế đã khiến nhiều DN trên địa bàn TP.HCM “lãnh đủ”.
Lớn, nhỏ đều vướng thuế
Chia sẻ tại hội thảo “Những vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực thuế” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 8/11, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, cho biết, thời gian qua, DN muốn giải quyết những vấn đề về thuế thường tốn rất nhiều thời gian, khoảng thời gian nay đôi khi cao gấp nhiều lần so với DN ở các nước trên thế giới.
Hầu hết nguyên nhân đều xuất phát từ sự chồng chéo, xung đột giữa các văn bản luật, thông tư với nhau. Do đó, hầu hết các DN khi bị phạt và truy thu thuế đều rất dễ bị “hụt chân” do không theo kịp các quy định về thuế.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, lấy dẫn chứng: Theo quyết định của Cục Thuế TP.HCM, Bình Minh bị truy thu và phạt nộp chậm số tiền 117 tỷ đồng. Khi nhận được văn bản ngày 16/10, DN đang trong giai đoạn hoàn thành kế hoạch phải trả tạm ứng cổ tức cho cổ đông và giải ngân các khoản đầu tư, nhưng với số tiền truy thu và phạt quá lớn đã gây khó khăn cho dòng tiền và cổ phiếu của Bình Minh.
Diễn giải vấn đề này, bà Yến cho biết, sau khi biết thông tin về ưu đãi thuế đối với DN cổ phần hóa và các DN niêm yết lần đầu, DN đã hỏi Cục Thuế TP.HCM và được hướng dẫn theo đúng quy định là nếu có hai ưu đãi thuế đồng thời thì chỉ được hưởng một và lựa chọn phương án cao nhất.
Điều này chưa khớp với thông báo của Bộ Tài chính. DN tiếp tục có văn bản hỏi Tổng cục Thuế, sau khi có văn bản trả lời DN được hưởng đồng thời cả hai ưu đãi thuế, DN đã có văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM đề nghị được hưởng đồng thời và bắt đầu hưởng ưu đãi từ năm 2006 đến năm 2007.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2007, DN lại nhận được thông báo từ Cục Thuế TP.HCM là được hưởng cả hai ưu đãi nhưng “phải qua giai đoạn cổ phần hóa năm 2008 và đến năm 2009 – 2010 mới được hưởng ưu đãi niêm yết lần đầu”.
Năm 2011, dựa trên thông báo của Tổng cục Thuế gửi các cục thuế trên cả nước, Bình Mình đã bị vướng lại, đến tháng 8/2011, mới có hướng dẫn, nhưng đã truy thu ngược từ năm 2009 đến năm 2010, cùng với truy thu là phạt vi phạm hành chính về gian lận thuế.
Bên cạnh vấn đề truy thu thuế, phạt thuế đối với những trường hợp cụ thể như Bình Minh, Công ty CP Kim khí TP.HCM, HUBA còn nhận được nhiều trường hợp DN đang vướng về thủ tục hoàn thuế GTGT, truy thu không thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn ưu đãi thuế, đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho các DN làm ăn chân chính.
Nói về vấn đề này, Công ty APL cũng đã có ý kiến với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc áp thuế GTGT đối với bình xịt côn trùng không nhất quan giữa các nhãn hàng với nhau.
Cụ thể, chỉ có Công ty APL và Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam bị áp dụng thuế suất 10%, còn lại các DN khác cùng kinh doanh một mặt hàng vẫn được áp dụng thuế suất 5%, dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các DN.
Cần tiếng nói chung
Nhìn vào số lượng DN đang vướng các vấn đề về thuế, phần nào phản ánh được những vấn đề chưa thống nhất giữa các cơ quan thuế trong việc triển khai thông tin đến DN, như việc hoàn thuế GTGT đối với hàng nông, lâm thủy, hải sản xuất khẩu.
Cụ thể, theo phản ánh từ Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận, hiện DN này đang có 3 bộ hồ sơ hoàn thuế gửi Cục Thuế TP.HCM với tổng số tiền đề nghị được hoàn là trên 35 tỷ đồng.
Bộ hồ sơ hoàn thuế đầu tiên nộp từ cuối tháng 5/2013, sau nhiều lần bổ sung, điều chỉnh đến nay vẫn chưa được hoàn thuế. Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, đã có đề nghị Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận có văn bản đăng kí làm việc trực tiếp với lãnh đạo Cục Thuế để được giải quyết vướng mắc.
Để tỏ rõ thiện chí hỗ trợ DN, bà Trần Thị Lệ Nga, chia sẻ tại hội thảo: Đối với DN có khiếu nại, Cục Thuế TP.HCM sẽ xem xét giải quyết; nếu sau giải quyết khiếu nại của Cục Thuế mà DN không đồng ý thì DN sẽ tiếp tục khiếu nại lên Tổng cục Thuế để được giải quyết theo Luật Khiếu nại.
Trước những vấn đề này, điều lo ngại của các DN là bị phạt do không nắm kịp những văn bản về thuế. Theo đó, các DN kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM và chi cục thuế các quận – huyện nên có những hướng dẫn giúp DN làm thủ tục kê khai nộp thuế ngay từ khi văn bản bắt đầu có hiệu lực; tránh trường hợp để DN rơi vào tình trạng bị động khi tiếp cận những thông tin chưa thống nhất về thuế, dẫn đến nhiều trường hợp bị truy thu và phạt tiền không đáng có. Bên cạnh đó, phía DN còn đề nghị cơ quan thuế công bố trên website các DN bỏ trốnvà trốn thuế.
Theo DNSG