Mọi người trên thế giới đều ước mơ đặt chân và sinh sống ở một thế giới giàu có mà Hoa Kỳ là điển hình. Song chúng ta có thể bị sốc trước cảnh những người vô gia cư, ăn xin ở những bến tàu điện ngầm hoặc những nơi đông người, đến mức tạo nên cộng đồng vô gia cư.
Đó là nghịch cảnh tại những nước phát triển, phải chăng là do chính quyền chế độ tư bản chủ nghĩa chỉ quan tâm đến quyền lợi của giai cấp tư sản, không chăm lo và không có chính sách trợ giúp những người nghèo, tạo điều kiện cho họ phát triển…?
Chúng ta hãy phân tích và xem xét kỹ để tìm ra sự thật. Nhìn lại cuộc khủng hoảng ở thập kỷ 30 của thế kỷ 20, giữa lúc hàng triệu người đói rách thì người ta lại đòi hỏi đổ đi vô vàn sản phẩm thừa vì hệ thống kinh tế đòi hỏi phải có lợi nhuận chứ không chấp nhận dùng sản phẩm thừa làm từ thiện. Kết quả là loạn lạc xảy ra khắp nơi cho đến mức cao hơn là Thế chiến thứ 2.
Ngày nay, nhận thức của con người đã được nâng cao, văn minh loài người cũng đã thay đổi, bất cứ chính phủ nào ở bất cứ hệ thống chính trị nào đều phải quan tâm đến an sinh xã hội vì nó mang lại sự ổn định cho hệ thống mà họ cai trị. Từ thời tổng thống Ronald Reagan đến nay các chính quyền đã đưa ra rất nhiều chương trình trợ giúp cho tầng lớp nghèo khổ thoát khỏi tình cảnh khốn cùng của họ. Vậy không thể nó là chính quyền không quan tâm đến họ.
Vì sao có những người nghèo?
Chúng ta có thể phân chia người nghèo thành 2 loại: một số người lười biếng, vô trách nhiệm, bỏ mặc cho số phận hoặc nghiện hút… là loại “chuốc lấy nghèo”, còn lại phần lớn họ là những người bị dồn vào tình thế như vậy có thể liệt vào loại “chấp nhận nghèo”. Sau đây chúng ta chỉ quan tâm đến những người “buộc phải chấp nhận nghèo”.
Trong xã hội tư bản phát triển, đồng tiền sai khiến tất cả nhưng ngược lại mọi công dân đều có cơ hội như nhau. Bằng chứng là trên thực tế đã có rất nhiều tấm gương tỷ phú đi lên từ nghèo khó hoặc tay trắng như Bill Gate (chủ Microsoft đi lên từ nhà garage), Steve Jobs và Mark Zuckerberg (bỏ học vì đam mê công nghệ), Sergey Brin và Larry Page (thành lập Google khi mới ra trường), Howard Schultz (chủ Starbucks lớn lên trong một khu ổ chuột tại Brooklyn), George Soros (tài phiệt tài chính bắt đầu từ rửa bát thuê), v.v… Điều đó chứng tỏ là không có ai ngăn cản ai làm giầu và ngược lại đang giàu không có nghĩa là giàu mãi hoặc con nhà giàu sẽ tiếp tục thống trị.
Trong một xã hội có rất nhiều mối quan hệ phức tạp thì hầu hết những người bình thường đều bước vào đời một cách hào hứng, có thu nhập ổn định, nhiều người có thể đã là ông bà chủ còn một số ít hơn bắt đầu bằng số vốn lớn hơn người. Tất cả họ đều có tham vọng vươn lên với hi vọng đạt được cuộc sống tốt hơn.
Trong xã hội “lấy tiêu thụ để phát triển” thì luôn luôn có rất nhiều cám dỗ và lại được kích thích bởi tín dụng dễ dãi và “tài khoản âm” được khuyến khích. Trong kinh doanh họ được khuyến khích cho vay mượn để có điều kiện làm giàu. Tất cả những điều “dễ dãi” đó đều mang lại lợi ích đáng kể cho các tài phiệt tài chính.
Điều không may có thể đến với một số trong họ, chuỗi nợ nần cùng với sự quản lý kém hoặc khủng hoảng cá nhân hay xã hội nào đó có thể đột ngột đến tác động và bản thân họ không thể xoay xở. Những sự “dễ dãi” trước kia nay quay lại siết cổ họ và các nhà tài phiệt sẵn sàng tịch biên toàn bộ để thu hồi nợ. Họ trở thành vô gia cư hay những người đi ăn xin. Một số có nghị lực để xây lại từ đầu và một số khác cam chịu số phận, lúc này thực chất là họ đã bị xã hội “đào thải” (tuân theo quy luật khắc nghiệt của xã hội).
Đối với xã hội nghèo hoặc bình quân chủ nghĩa, sự nghèo đói cũng dễ bị xóa nhòa hơn, chính vì vậy nên sự tương phản giàu nghèo cũng trở thành thấp hơn. Sự thất bại cũng dễ dàng được “bình thường hóa” và coi đó là điều tất nhiên. Ở đó sự cạnh tranh cũng ít hơn, tính chất đào thải cũng nhẹ nhàng hơn, khoảng cách giàu nghèo ít hơn thì sức nặng đè nén của tầng lớp trên cũng ít hơn, nên người bị đào thải có nhiều cơ hội để vượt khỏi số phận hơn.
Đối với xã hội phát triển, tính bon chen được thể hiện từng giây từng phút trong cuộc sống hàng ngày, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt mọi lúc mọi nơi và hệ quả của nó cũng ngày càng to lớn hơn. Có những người hoàn toàn đang có năng lực, với một lý do nào đó bỗng nhiên bị đào thải và bị đẩy ra ngoài rìa xã hội. Với sức nặng đè nén cao độ của các tầng lớp xã hội do sự phân hoá giàu nghèo quá lớn, họ sẽ rất khó để thoát khỏi số phận cuối cùng của họ.
Sự tương phản này là mặt trái đen tối của tấm mề đay của xã hội phát triển và giàu có, nhưng nếu mề đay mà có cả hai mặt đều là mặt phải thì chắc chắn sẽ không có mề đay. Mặt phải sẽ thúc đẩy người ta vươn lên để đạt tới còn mặt trái sẽ giúp người ta cảnh giác, quản lý rủi ro, tránh những hiểm hoạ có thể đến với bất cứ ai.
Lê Ngọc Quang