Vì sao doanh nghiệp Internet châu Á khó “xuất ngoại”?

South-Korea.jpg
Châu Á là ngôi nhà của gần 1/2 trong số 2 tỷ người dùng Internet toàn thế giới. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Đa số các công ty Internet châu Á khó vươn ra trường quốc tế vì thiếu tham vọng, ngại khắc phục sự khác biệt về văn hóa, chưa có hệ thống thanh toán trực tuyến đáng tin cậy và ở một số nơi, doanh nghiệp Internet phải chịu quy định quản lý rất nghiêm ngặt.

Châu Á là ngôi nhà của gần 1/2 trong số 2 tỷ người dùng Internet toàn thế giới. Đây là nơi sản xuất hầu hết những thiết bị phần cứng dùng để truy cập Internet như laptop, smartphone, tablet… Tại các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản, người dân đang được tận hưởng mạng không dây và mạng hữu tuyến có tốc độ nhanh nhất hành tinh.

Tuy nhiên, tại châu Á chưa xuất hiện công ty Internet nào có quy mô toàn cầu ngang với Google, Facebook hoặc Amazon. Báo cáo phát hành mới đây của Economist Intelligence Unit, một đơn vị nghiên cứu liên kết với tạp chí The Economist, đã khảo sát một vài lý do dẫn tới vấn đề này. Báo cáo được tài trợ bởi Liên minh Internet mới (Asia Internet Coalition – AIC), một nhóm được thành lập bởi 5 công ty Internet của Mỹ là Google, Facebook, Yahoo, eBay và Salesforce.

Sau khi phỏng vấn nhiều doanh nhân Internet châu Á, Economist Intelligence Unit cho biết trong một số trường hợp, các công ty Internet châu Á khó phát triển do thiếu tham vọng vươn ra trường quốc tế. Tại những quốc gia lớn như Trung Quốc hoặc Ấn Độ, nền kinh tế trong nước quá lớn tới mức việc mở rộng ra ngước ngoài không phải lúc nào cũng được coi là cần thiết. Nhiều công ty không sẵn sàng khắc phục các thách thức về văn hóa để hoạt động ở phương tây.

Điều đó cũng có dấu hiệu thay đổi khi một vài công ty Internet mới thành lập ở châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng xuyên biên giới, như công ty game mạng xã hội Nhật Bản GungHo đã đạt được sự tăng trưởng mạnh ở trường quốc tế. Đặc biệt là Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, đã có tham vọng ngày càng lớn trên thị trường thế giới. Một công ty thương mại điện tử khác của châu Á là Rakuten (Nhật Bản) chú trọng mở rộng ra quốc tế bằng cách thâu tóm các công ty nước ngoài như PriceMinister của Pháp. Hiện nay, Rakuten đã sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.

Tuy nhiên, đây chỉ là các trường hợp ngoại lệ. Nghiên cứu cho biết nhiều công ty Internet châu Á vẫn bị cản trở bởi các nhân tố như thiếu hệ thống thanh toán trực tuyến đáng tin cậy, khiến người dùng Internet không sẵn lòng trả tiền cho các nội dung kỹ thuật số, cũng như những hạn chế trong tuyển dụng nhân công nước ngoài.

Báo cáo cũng nhấn mạnh là một số quốc gia, ví dụ Ấn Độ và Thái Lan, đang áp dụng quy định rất nghiêm ngặt, buộc các công ty Internet phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng trên trang của họ.

Châu Á không phải khu vực duy nhất gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các dịch vụ Internet “cây nhà lá vườn”. Châu Âu thậm chí còn phải vật lộn nhiều hơn, hoặc dù họ phải chịu ít rào cản về quy định, ngôn ngữ và văn hóa để mở rộng ra trường quốc tế hơn so với châu Á.

Báo cáo này đưa ra những khuyến nghị để kích thích nền kinh tế Internet ở châu Á, ví dụ như thúc giục chính phủ các nước trong khu vực thay đổi chính sách để phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến ổn định và hiệu quả hơn.

Theo ICTnews