Thế giới bị thiệt hại bao nhiêu vì đại dịch
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 9/3 đã lên tiếng cảnh báo, ngoài những thảm họa thảm khốc về con người do dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay (ngắn hạn).
Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh sẽ dao động từ 675 triệu đến 3,7 tỷ USD (tương đương 0,3-1,4% GDP)
Mức độ chi phí của VN là cao so với nền kinh tế mới nổi của chúng ta, nếu xét về giá trị tổn thất. Nhưng nếu xét về giá trị tổng thể thì nhiều cái phải chi lại có thể mang lại lợi ích lâu dài. Sau đây là những lợi ích cơ bản.
Lợi ích từ việc cách ly tập trung
Ngoài 80.000 đồng/ngày (Hà Nội chi 100.000 đồng/người), người bị cách ly y tế do Covid-19 được cấp thêm phụ phí 40.000 đồng/ngày. Vậy mỗi người được chu cấp tối thiểu 120.000 đồng/ngày đến tối đa 300.000 đồng/ngày. Số người bị cách ly tập trung ước tính hơn 100 ngàn người cộng thêm các chi phí cho đội ngũ chăm sóc và y tế nữa thì chi phí nhân lên cực kỳ lớn.
Nhà nước đã chi trả số tiền khổng lồ cho các chi phí cách ly, nhưng theo tôi ước tính có thể vẫn còn rẻ hơn nhiều so với những chi phí y tế quá tải và thiệt hại xã hội trong trường hợp dịch bùng phát lớn.
Đổi lại, việc đưa các doanh trại bộ đội làm khu cách ly tập trung đã đạt được những lợi ích đa chiều cực kỳ to lớn, không thể kiểm đếm được, đó là:
- Tạo được môi trường kỷ luật cho những người được cách ly tập trung;
- Nhận được mức độ đồng cảm cao từ xã hội đồng thời tăng cường nhận thức cộng đồng của người dân;
- Quân đội vào trận vừa được sự kính nể mà Nhà nước không phải trả một chi phí lớn cho những người phục vụ khu cách ly;
- Bộ đội cụ Hồ có cơ hội hiếm hoi để được rèn luyện trong môi trường thực…
Tôi lại nhìn thấy một lợi ích vô cùng to lớn qua sự việc này, đó là nếu muốn rèn luyện chiến sĩ phải tập rất nhiều “trận giải” mà một “trận giả như thật” lại rất khó tổ chức mặc dù chi phí rất lớn. Nếu xét về khía cạnh này thì VN đang có lãi về “trận giả như thật” mà Covid-19 đã và đang mang lại (tuy không ai mong muốn).
Lợi ích từ sự hảo tâm
Hàng loạt các doanh nghiệp, doanh nhân, người dân đã tình nguyện giúp đỡ những người gặp khó khăn, như “ATM gạo”, “bữa ăn tình nghĩa”, “tặng khẩu trang”… nhiều hình thức đã rộ lên khắp nơi (ngoài việc mọi người đóng góp tiền ủng hộ Nhà nước), điều này cũng được báo chí nước ngoài khâm phục và đồng loạt đưa tin.
Những sự việc này đã có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội, như:
- Chia sẻ và cảm thông với đồng bào gặp khó khăn khi có bất trắc;
- Đỡ cho Nhà nước một gánh nặng hỗ trợ trong khi đang phải căng mình chống dịch;
- Những người tham gia thiện nguyện được dịp đánh giá lại giá trị có thể mang lại cho cộng đồng…
Theo tôi thì sự việc hảo tâm này có một lợi ích về xã hội vô cùng to lớn, nó chứng tỏ sự “đoàn kết chống giặc” của dân tộc VN luôn có sẵn trong đáy lòng của mỗi con người và có thể bùng lên bất cứ khi nào cần đến. Loại hình “kinh tế nhân ái” thực sự có thể mang lại lợi ích rất lớn cho VN để phát triển kinh tế bền vững, nhân văn vì chúng ta có thể tiên đoán được sự “cất cánh” của VN thời “hậu Covid”.
Lợi ích từ sự dừng lại của kinh tế
Thật không may cho tất cả mọi người khi nền kinh tế bị dừng lại, sự thiệt hại là trông thấy cho tất cả mọi người và toàn xã hội. Đột nhiên vì “cách ly xã hội”, các doanh nghiệp hầu như bị đình trệ, đã phải nghĩ đến việc đáp ứng các điều kiện đặt ra trong khi vẫn phải duy trì sản xuất và kinh doanh.
Ngay lập tức, các ứng dụng online được dịp nở rộ và được sử dụng nhiều đến nỗi bị nghẽn mạng. Nhiều cơ quan tiếp dân của Nhà nước đã đóng cửa để “tiếp dân online” mà công việc vẫn trôi chảy. Các giải pháp như thương mại điện tử, B2B và giao dịch không tiền mặt… được dịp lên ngôi.
Ở khía cạnh này tôi cho rằng một con virus vô hình đã vô tình đến đúng lúc cho chúng ta một nút “RESET”, tạo đà cho một bước nhảy lớn ngay sau đó, trong bối cảnh Nhà nước đang quyết tâm thúc đẩy “kinh tế số”, “chuyển đổi số” và “công nghiệp 4.0”.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp VN có thể “lãi lớn” trong lúc này là được nhận một cú hích mạnh cho việc “số hóa” các hoạt động, kể cả với doanh nghiệp “lừng chừng” nhất. Các doanh nghiệp đã buộc phải nhận thức ngay được tầm quan trọng của “không gian mạng” trong kinh doanh.
Khi đã thực sự bắt tay vào việc “số hóa” rồi đến “kinh tế số”, thì các doanh nghiệp sẽ lớn mạnh vượt bậc và nhanh chóng, khi đó môi trường kinh doanh VN sẽ có sự thay đổi cơ bản bằng sự hình thành nên các “hệ sinh thái số”, vững vàng vượt qua mọi bão táp.
Đây chính là cơ hội cực kỳ hiếm hoi để các doanh nghiệp tạm “sống chậm lại” để xem xét, suy ngẫm, nhìn nhận lại vấn đề nhằm hoạch định lại chiến lược, định hướng lại, lập kế hoạch “tái cấu trúc” hoặc ít nhất cũng “chuyển hướng”… để phù hợp với thời đại mới. Chiều ngược lại cũng sẽ là cuộc “đào thải tàn khốc” đối với những doanh nghiệp không đáp ứng sự thay đổi.
Nhìn về phía trước
Nếu chúng ta nhìn những sự kiện không mong muốn với con mắt tiêu cực thì nó là thiệt hại, nhưng nếu nhìn bằng con mắt tích cực thì luôn luôn có thể tìm ra được những điểm sáng từ nó. Nếu chúng ta biết cách khai thác thì nó sẽ đột nhiên trở thành lợi ích, nhiều khi lại là cơ hội cực kỳ hiếm có như trường hợp với Covid-19.
Lê Ngọc Quang