Viettel tin tưởng mình có khả năng giúp các nước Mỹ Latinh khắc phục những điểm yếu của thị trường để lĩnh vực viễn thông tại các quốc gia này phát triển “bùng nổ”.
Những yếu điểm của thị trường Mỹ Latinh
Tại Hội thảo chuyên đề “Kết nối giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ Việt Nam – Mỹ Latinh” diễn ra chiều 5/7/2012 trong khuôn khổ Diễn đàn “Việt Nam – Mỹ La – tinh: Đối tác thương mại, đầu tư vì phát triển”, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã thẳng thắn chỉ ra một loạt bất cập của thị trường viễn thông tại châu Mỹ Latinh.
Cụ thể, tỷ lệ điện thoại khá cao, tới 104 máy/100 dân, nhưng số liệu thống kê này chưa thực sự chuẩn xác, bởi có nhiều điện thoại đã không còn hoạt động trong vòng 3 tháng nhưng vẫn được tính là điện thoại đang hoạt động. Tổng số thuê bao di động cũng lớn nhưng nhiều người sử dụng 2 – 3 sim, và theo tính toán của Viettel, tại các nước ở châu Mỹ Latinh, kể cả những nước có tỷ lệ rất cao vẫn còn khoảng 20 – 30% người dân nghèo chưa sử dụng điện thoại di động. Tỷ lệ thâm nhập điện thoại không đều, một số nước rất cao nhưng một số nước khác lại thấp, chẳng hạn Nicaragua chỉ 63%, Haiti 54%, Cuba chỉ 12%. Giá dịch vụ viễn thông rất cao, trung bình trên 20cent/phút, trong khi mức giá ở châu Á, châu Phi chỉ 5 – 8 cent/phút. Mức đầu tư phát triển cáp quang ở các nước châu Mỹ Latinh cũng chưa đạt chuẩn thế giới (tiêu chuẩn là 1 triệu dân phải có 1.000km cáp quang), chưa đủ cáp quang thì hạ tầng viễn thông băng rộng cũng chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thực tế. Tần số 900Mhz vốn dĩ rất quan trọng, giá trị cho lĩnh vực di động nhưng nhiều nước Mỹ Latinh chưa khai thác, sử dụng, vẫn dùng tần số này cho nhiều công việc khác. Nhiều công ty, cá nhân lấy được tần số thì giữ lại không triển khai trong nhiều năm, phí phạm tài nguyên của đất nước.
Cũng theo ông Dũng, thị trường viễn thông châu Mỹ La tinh đã có cạnh tranh nhưng cạnh tranh chưa hoàn hảo. Vẫn đang có hiện tượng 2 nhà cung cấp dịch vụ độc quyền là Telefónica và America Movil (đi nước nào cũng thấy 2 nhà khai thác này là chính). Chưa có sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ châu Á (Viettel đang là trường hợp đầu tiên đầu tư viễn thông tại Mỹ Latinh).
Ngoài ra, ở châu Mỹ Latinh có hiện tượng tự do hóa rất cao, hiện các nước đều gần như không có công ty nhà nước mạnh để đảm nhận việc cung cấp các dịch vụ công ích, không có công ty viễn thông phục vụ trường hợp khẩn cấp như bão lũ, lụt lội, hoặc chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia.
Sẵn sàng “chung tay” để viễn thông “bùng nổ”
Không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam, Viettel còn đang phát triển rất thành công thương hiệu của mình tại các quốc gia khác, như thương hiệu Metfone đang đứng đầu thị trường viễn thông Campuchia, thương hiệu Unitel đứng đầu thị trường viễn thông Lào, thương hiệu Nattcom đứng thứ 2 thị trường Haiti,…
Mỹ Latinh đang là một trong những khu vực được Viettel nhìn nhận là tiềm năng lớn về thị trường với 47 quốc gia, vùng lãnh thổ, dân số 590 triệu người, tổng GDP hơn 5.000 tỷ USD, doanh thu bình quân trên 1 thuê bao khoảng 13USD/tháng (trong khi ở châu Á, châu Phi chỉ 5 – 8 USD)…
Sau khi đầu tư tại 2 quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh gồm Haiti và Peru, Viettel đã xúc tiến đầu tư tại 1 số quốc gia khác như Achentina, Braxin, Ecuador, Cộng hòa Dominic, Paraguay, Tanzania, Kenia, Cameroon,…
Để gây dựng lòng tin với các đối tác, Viettel minh chứng cụ thể bằng những con số như đã phát triển 55 triệu thuê bao, chiếm 55% thị phần nội địa; đã có 50.000 trạm thu phát 2G và 3G, 150.000km cáp quang… “Hiện chưa thấy quốc gia nào ở Mỹ Latinh đạt được những con số này”, ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, Viettel rất mong thời gian tới, Chính phủ các nước Mỹ Latinh sẽ nhiệt tình hỗ trợ để Viettel có cơ hội tham gia đầu tư viễn thông, góp phần giúp Mỹ Latinh khắc phục những điểm yếu của thị trường và đưa sự phát triển viễn thông ở châu Mỹ Latinh thực sự “bùng nổ”.
Theo ICT news