Công ty Bkis, nhà cung cấp phần mềm diệt vius Bkav ngày 19/1/2011 đã công bố bản tổng kết tình hình virus máy tính trong năm 2010. Theo đó, trong năm 2010, đã có 58,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus (trung bình hơn 160 nghìn máy tính bị nhiễm/ngày).
Lo ngại cho người dùng
Đáng nói hơn, loại virus lây lan nhiều nhất lại là một dòng virus cũ xuất hiện từ năm 2008, W32.Conficker.Worm. Theo Bkis, đã có 6,5 triệu máy tính bị nhiễm virus này trong 2010.
Trong khi các loại virus đang hoành hành các máy tính tại Việt Nam thì các phần mềm diệt virus giả mạo cũng có “đất” để sống. Lượng máy tính bị nhiễm virus giả mạo phần mềm diệt virus đã lên đến 2,2 triệu lượt (gấp 8,5 lần so với năm 2009).
Bên cạnh đó, một số loại virus mới cũng đang xuất hiện trong năm 2010, đó là dòng virus giả mạo (giả mạo file ảnh, thư mục, file word, excel…), nguy hiểm hơn đó là dòng virus phá hủy dữ liệu. Trên thực tế, dòng virus phá hủy dữ liệu đã từng xuất hiện từ những năm 1990 nhưng với sự quay trở lại lần này, theo đánh giá của các chuyên gia bảo mật, chúng mạnh hơn rất nhiều với các kỹ thuật lây lan nhanh qua Internet, hành vi cũng tinh vi hơn, do đó, chúng trở nên rất nguy hiểm. Có thể nói, mức độ nguy hiểm tăng lên gấp hàng nghìn lần.
Doanh nghiệp cũng “phải vạ”
Cũng trong năm 2010, các chuyên gia của Bkav đã phát hiện một số nhóm hacker cài đặt virus xâm nhập vào các hệ thống mạng tại Việt Nam để đánh cắp thông tin, bí mật nội bộ của các tổ chức. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy nhiều website lớn tại Việt Nam bị virus xâm nhập, lộ thông tin quan trọng hay bị tấn công DDOS. Đây thực sự là một vấn đề đang lo lắng trong xã hội.
Nguy hiểm hơn, an ninh quốc gia cũng có thể bị ảnh hưởng khi mà các chuyên gia nhận thấy hacker đã có thể kiểm soát được các wesbite chuyên cho download phần mềm nhằm cài đặt virus vào các máy tính tải phần mềm từ các website này, qua đó, chúng có thể điều khiển mạng máy tính ma (botnet) để tấn công DDOS vào các hệ thống lớn tại Việt Nam. Hàng chục nghìn máy tính trên cả nước bị hacker điều khiển sẽ là một nguy cơ lớn cho an ninh quốc gia.
Nguyên nhân đến từ thói quen
Theo các chuyên gia, sở dĩ tình trạng lây nhiễm virus máy tính cao như trong năm qua, đặc biệt là tình trạng nhiễm virus giả mạo phần mềm diệt virus chính là do người dùng có thói quen sử dụng phần mềm miễn phí (trong đó có cả các phần mềm không bản quyền, phần mềm trôi nổi) trong khi lại thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức về an ninh bảo mật. “Người dùng thường dễ dàng “hồn nhiên” bấm vào mọi đường link cho dù chưa rõ nó là cái gì. Đây là sơ hở chết người” – ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Bkis cho biết.
Các chuyên gia cho rằng khi tải phần mềm về máy, người dùng nên lưu ý chỉ tải các phần mềm cần thiết từ website chính của nhà sản xuất, hạn chế tối đa việc tải phần mềm từ các nguồn trung gian, kể cả đó là các nguồn phổ biến. Đồng thời, người dùng cũng cần thường xuyên cập nhật phần mềm diệt virus trên máy tính của mình để kịp thời ngăn chặn virus xâm nhập.
( Theo PCWord.vn)